Một suy tư nhân dịp chuẩn
bị mừng Kim Khánh Giáo phận Xuân Lộc
và cử hành Năm Đức Tin
Lm. Giuse
Đinh Đức Đạo
Giám đốc ĐCV
thánh Giuse - Xuân Lộc
Năm 2015,
Giáo phận Xuân Lộc sẽ mừng Kim Khánh ngày thành lập. Để chuẩn bị cho Đại lễ Kim
Khánh, Tòa Giám Mục Xuân Lộc đã đề xuất Chương trình Mục vụ năm năm
nhắm canh tân đời sống Đức Tin của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, để Đại lễ mừng Kim Khánh Thành lập không phải chỉ là những cuộc họp mặt đông đảo và những lễ nghi long trọng hoành tráng, nhưng, trước hết, là mốc điểm cho cuộc dấn thân mới trong việc sống đạo và truyền giáo. Như một hồng ân của Chúa Quan Phòng, chính trong thời gian Giáo phận nỗ lực thực hiện chương trình mục vụ năm năm, ĐTC Bênêđictô đã khai mạc Năm Đức Tin (2012-2913) của Giáo Hội hoàn vũ, nhắm mục đích canh tân đời sống đức tin của tất cả Giáo Hội.
nhắm canh tân đời sống Đức Tin của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận, để Đại lễ mừng Kim Khánh Thành lập không phải chỉ là những cuộc họp mặt đông đảo và những lễ nghi long trọng hoành tráng, nhưng, trước hết, là mốc điểm cho cuộc dấn thân mới trong việc sống đạo và truyền giáo. Như một hồng ân của Chúa Quan Phòng, chính trong thời gian Giáo phận nỗ lực thực hiện chương trình mục vụ năm năm, ĐTC Bênêđictô đã khai mạc Năm Đức Tin (2012-2913) của Giáo Hội hoàn vũ, nhắm mục đích canh tân đời sống đức tin của tất cả Giáo Hội.
Hai sự kiện
trên đây thực là thời điểm của ơn thánh cho Giáo Hội, đặc biệt cho Giáo phận
Xuân Lộc trong hành trình đức tin của mình. Việc canh tân đời sống Đức Tin tùy
thuộc rất nhiều vào các nỗ lực mục vụ của Giáo Hội. Đó chính là lý do của những
suy tư dưới đây.
1. Những khía cạnh quan trọng của công tác mục vụ tại Việt Nam
Nhìn vào xã
hội Việt Nam hôm nay, người ta thấy rất nhiều vấn đề có thể được coi là những
thách đố cho công tác mục vụ và vấn đề nào xem ra cũng quan trọng và khẩn cấp.
Có thể kể ra một số vấn đề nóng bỏng, chẳng hạn: bất công, tham nhũng, ma túy,
mãi dâm, trẻ mồ côi, trẻ em đường phố, di dân, những vấn đề chung quanh hôn
nhân và gia đình như li dị, phá thai, hôn nhân dị giáo, hôn nhân giả, rồi vấn
đề người nghèo, người bệnh, người già, vấn đề giới trẻ bỏ đạo hay ít nữa dửng
dưng và đang dần dần xa lìa Giáo Hội, vấn đề dối trá, gian lận, lừa đảo. Ngoài
ra, còn một vấn đề nữa hết sức nổi cộm, nhưng xem ra chưa được để ý cho đủ. Đó
là vấn đề truyền giáo. Theo thống kê của World Bank, dân số Việt Nam năm 2011
là 87,840,000 người, trong khi đó, số giáo dân Công giáo, theo Niên giám thống
kê của Giáo Hội năm 2010, là 6,600,000 người. Sau gần 500 năm truyền giáo tại
Việt Nam, tỉ lệ người Công giáo tại Việt Nam là 7,51%. Trong khi người Công
giáo Việt Nam tuyên xưng Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và là nguồn sống của nhân
loại, vẫn còn hơn 80 triệu anh chị em lương dân chưa biết điều này. Đó là chưa
nói đến tình trạng truyền giáo trên khắp hoàn cầu.
Những vấn đề
nói trên là những thách đố lớn lao cho Giáo Hội trong công tác mục vụ và truyền
giáo, nhưng chúng vẫn chưa phải là vấn đề nền tảng. Trong hơn ba thập niên gần
đây, nhất là từ ngày Việt Nam mở cửa đi vào kinh tế thị trường, người ta chứng
kiến những sự thay đổi liên tục, ồ ạt và mau lẹ ngoài sự dự đoán, đến nỗi những
người đi xa một thời gian, khi trở về, có thể cảm thấy choáng váng vì xã hội
Việt Nam đã quá khác, đến độ không nhận ra được nữa.
Sự thay đổi
diễn ra trên nhiều bình diện của cuộc sống: kinh tế, xã hội, giáo dục, luân
thường đạo lý, tôn giáo, gia đình, tình cảm, nếp sống. Mỗi khía cạnh của những
thay đổi này đặt ra rất nhiều vấn đề cho sứ mệnh của Giáo Hội, nhưng có lẽ thay
đổi gây nhiều khó khăn nhất và là thay đổi quan trọng nhất, vì nó là chất xúc
tác của những thay đổi khác, đó là sự thay đổi về não trạng; và trong các não
trạng, đầu tiên phải kể đến não trạng thế tục hóa, gắn liền với não trạng thực
dụng, hưởng thụ, lợi nhuận và cá nhân. Tóm lại, đó là những hiện tượng được các
nhà chuyên môn gom lại dưới cụm từ “tân thời” (modernity) và “hậu tân thời”
(post-modernity). Đây là một hiện tượng hết sức phức tạp vì trong đó, những yếu
tố hỗn tạp và mâu thuẫn cùng hiện diện và biểu lộ trong các sinh hoạt của xã
hội và trong tâm khảm mỗi người. Chẳng hạn, người ta ồn ào bênh vực quyền sống
của mỗi cá nhân, nhưng đồng thời lại cỗ võ sự tự do phá thai và coi đó là quyền
của người phụ nữ; người ta chống đối tôn giáo, khinh chê truyền thống sống đạo,
nhưng lại khao khát kinh nghiệm thiêng liêng, cúng bái quỷ thần hoặc tạo ra
những thứ thần mới, giáo phái mới; người ta chê cười và kết án nghiêm khắc
những người đam mê hay xách nhiễu tình dục, nhưng lại để cho phổ biến tự do
những sách báo, phim ảnh đồi trụy... Phân tích theo lý thuyết thì hiện tượng
thế tục hóa có yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực, nhưng trong thực tế thì yếu
tố tiêu cực xem ra chiếm phần chính.
Nhìn vào
Giáo Hội tại Việt Nam, người ta thấy đời sống đạo còn sầm uất vì bầu khí các
gia đình còn rất tốt, so với nhiều quốc gia trên thế giới, vì vẫn còn đông đảo
ơn gọi linh mục, tu sĩ, và vì giáo dân còn tích cực tham dự Thánh Lễ và các giờ
đạo đức cũng như các công tác chung của giáo xứ và giáo phận, nhưng có nhiều
dấu hiệu cho thấy những yếu tố của trào lưu thế tục hóa đang từ từ thấm nhập
vào xã hội, vào các gia đình, vào cách sống đạo tại các giáo xứ và ngay cả
trong các dòng tu.
Cái nguy
hiểm của vấn đề thế tục hóa là nó cứ từ từ thấm nhập cách nhẹ nhàng vào cách
suy nghĩ và nếp sống của các giáo hữu và ngay cả của những phần tử ưu tú của
Giáo Hội, như các lỗ rỉ của một đập nước làm cho nguời ta không để ý hoặc coi
thường. Nhưng khi các lỗ rỉ li ti loang ra và chắp nối với nhau thì con đê bị
vỡ, không có cách nào cản nổi nước lũ tràn vào, phá hủy mùa màng và nhà cửa,
gây ra chết chóc. Lúc đó, nhận ra vấn đề thì đã quá muộn. Nhiều giáo dân Việt
Nam bên Hoa Kỳ cho biết là khi họ sang nước này vào những năm 1975 – 1980, họ
thấy các giáo xứ rất sầm uất, với những nhà thờ chật cứng giáo dân trong các
Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và các bạn trẻ sinh hoạt rất đông đảo và sống động.
Những nhà thờ đó, hôm nay trống rỗng và các Thánh Lễ thì buồn tẻ với vài chục
hay vài trăm người, còn giới trẻ thì hầu như vắng bóng. Thỉnh thoảng lại nghe
tin một Đức Giám Mục quyết định cho đóng cửa một số nhà thờ trong giáo phận của
mình.
Nhìn vào
lịch sử biến hóa của các nước Âu Mỹ, người ta có thể thấy rõ ràng là vấn đề thế
tục hóa đời sống đức tin bên Âu Mỹ đã nhen nhúm từ lâu, đặc biệt qua trào lưu
Ánh Sáng (Enlightenment, Illuminisme), và biểu lộ rõ ràng sau thế chiến II,
nhưng thực sự bành trướng vào thập niên ‘60, đặc biệt qua hiện tượng dân chúng
miền quê kéo nhau về tỉnh thành tìm công ăn việc làm (di dân), qua trào lưu kỹ
nghệ hóa và kỹ thuật hoá đời sống cũng như công việc làm, qua những suy tư thần
học và mục vụ bị chi phối bởi những ý thức hệ. Các nếp sống mới và các ý thức
hệ, nhất là những ý thức hệ được trình bày dưới tấm áo thần học và mục vụ, từ
từ gậm nhấm đức tin của Dân Chúa, trong khi hầu hết các vị hữu trách trong các
Giáo Hội tại Âu Mỹ lúc đó vẫn “bình chân như vại” và cứ tiếp tục công việc mục
vụ như thể không có gì xảy ra, hay chỉ mải mê bàn cãi vấn đề công bằng, nghèo
đói... mà không để ý đến những chuyển biến về tư tưởng và nếp sống của giáo dân
và linh mục, tu sĩ đang chao đảo trước những trào lưu tư tưởng và những hiện
tượng xã hội mới, với những hậu quả tai hại ngày nay ai cũng thấy.
Nhìn vào
Giáo Hội láng giềng Phi Luật Tân, người ta cũng có thể thấy một viễn tượng
tương lai không lạc quan đang trải ra trước mắt. Hai ba thập niên trước đây,
Giáo Hội Phi Luật Tân đã là vựa ơn gọi. Biết bao nhiêu dòng tu bên Âu Mỹ đã
sang Phi Luật Tân tìm ơn gọi, nhưng ngày nay, nguồn ơn gọi đang hay đã cạn và
không còn nghe ai nói đến việc sang Phi Luật Tân tìm ơn gọi nữa.
Nếu Giáo Hội Việt Nam cứ tiếp tục đời sống đạo và các
công tác mục vụ như hiện nay, liệu tương lai của Giáo Hội Việt Nam có hơn các
Giáo Hội bên Âu Mỹ và bên Phi Luật Tân hiện nay không? Để tránh vết đổ của các
Giáo Hội tại các quốc gia nói trên, Giáo Hội Việt Nam cần can đảm trực diện
thực tại để nhận diện các vấn đề và tìm ra hướng đi, hay ít nữa đặt ra những ưu
tiên cho công tác mục vụ. Trong chiều hướng này, một số câu hỏi có thể được đặt
ra và cần phải có câu trả lời: Những yếu tố đã và đang biến đổi và gây khốn khổ
cho các xã hội và các giáo hội địa phương bên Âu Mỹ đã thấm nhập vào Việt Nam
chưa? Những biến chuyển đang thay đổi bộ mặt của xã hội Việt Nam là những biến
chuyển nào và đang ảnh hưởng đến đời sống đạo của Giáo Hội Việt Nam ra sao? Các
công tác mục vụ hiện nay có đủ để đáp ứng những nhu cầu mới đang hình thành
không? Các cách thức làm mục vụ hiện nay có thích hợp với não trạng đang chuyển
biến của xã hội, nhất là của giới trẻ không? Con số linh mục, tu sĩ tại Việt
Nam rất đáng khích lệ và các ứng viên cho ơn gọi linh mục và tu sĩ còn rất
đông, nhưng những người có tâm huyết thực sự, có sự nhiệt thành tông đồ và dâng
hiến như các vị thừa sai trong cuốn “Dân Làng Hồ ” thì được bao nhiêu? Nhưng có
lẽ một câu hỏi khởi đầu phải được trả lời trước: Có nhất thiết phải duyệt xét
lại các công tác mục vụ và cách thức thực hiện các công tác đó không?
Để trả lời
cho những câu hỏi trên đây, nhất là câu hỏi cuối cùng, cần phải nhìn vào đường
hướng mục vụ các Đức Thánh Cha đã đề ra trong bối cảnh của Giáo Hội hoàn vũ.
2. Đường hướng mục vụ trong bối cảnh của Giáo Hội hoàn vũ
Việc xã hội
chuyển biến và những vấn đề đặt ra cho Giáo Hội Việt Nam hôm nay, thực ra không
phải là mới và cũng không phải là riêng của Việt Nam, nhưng là của cả Giáo Hội
hoàn vũ, và đã được Công đồng Vaticanô II nói đến ngay từ năm 1965. Theo Cđ
Vaticanô II thì “nhân loại hôm nay đang sống vào một giai đoạn mới của lịch
sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang
dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và nỗ
lực sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con
người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên
cách suy tư và hành động đối với sự vật cũng như con người. Như vậy, chúng ta
có thể nói đến sự biến đổi đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa, sự biến
đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo” (Hiến chế Vui mừng và Hy
vọng, số 4). Tiếp theo đó, Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” duyệt xét các
khía cạnh thay đổi cụ thể: hoàn cảnh (s. 5), xã hội (s. 6), tâm lý, luân lý và
tôn giáo (s. 7), những chênh lệch giữa các tầng lớp và các quốc gia (s. 8),
những khát vọng (s. 9), nội tâm con người (s. 10). Tất cả phần còn lại của hiến
chế “Vui mừng và Hy vọng” là những định hướng cho thái độ và hành động
của Giáo Hội đứng trước các vấn đề then chốt đó.
Từ những
nhận định căn bản của Cđ Vaticanô II, ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II đã đưa ra
chương trình mục vụ “Tân Phúc âm hóa” mà ý nghĩa và công tác căn bản đã được
Ngài diễn tả trong bài nói chuyện cho các Giám mục Châu Mỹ La tinh nhân dịp kỷ
niệm 500 năm rao giảng Phúc Âm tại châu lục này: “Công cuộc kỷ niệm bán thiên
niên việc rao giảng Phúc Âm sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu chư huynh, là giám
mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân, dấn thân không phải trong việc Tái
Phúc âm hoá (ré-évangelisation), nhưng trong cuộc Tân Phúc âm hóa (nouvelle
évangélisation): mới (tân) về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp và mới về
cách diễn tả. ” Trong tông huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân”
(Christifideles laici), công bố năm 1988, ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II lại
nói đến Tân Phúc Âm hóa, nhưng lồng nó vào một khung cảnh khác với những
lần trước. Đó là hoàn cảnh của “nhiều quốc gia, trước đây có một đời sống
Kitô phồn thịnh và có khả năng làm phát sinh những cộng đồng đức tin sống động,
nay bị thử thách nặng nề hay có khi bị biến đổi sâu xa vì những hiện tượng thờ
ơ, thế tục hoá và vô thần. Đây đặc biệt là hoàn cảnh của các nước thuộc thế
giới tân tiến. Tại các vùng khác trên thế giới, các truyền thống đạo đức và các
tâm tình Công giáo vẫn còn được bảo tồn sống động. Nhưng các gia sản thiêng
liêng đó đang gặp nguy cơ bị tan biến dưới sức mạnh của nhiều trào lưu, trong
đó có trào lưu tục hóa và sự lan tràn của các giáo phái (sects). Chỉ có cuộc
Tân Phúc âm hoá mới có thể đoan chắc cho đức tin thăng tiến tinh nguyên và sâu
xa, có khả năng làm cho những truyền thống ấy trở thành một sức mạnh tự do
thật” (ChL, 34).
Những biến
đổi, nhất là trong lòng Giáo Hội, mới chỉ nhen nhúm xuất hiện vào thời Cđ
Vaticanô II, đã trở thành rõ ràng và hiển nhiên đối với hầu hết mọi người vào
thời đại của ĐTC Chân phước Gioan Phaolô II, đến hôm nay thì bùng nổ như một
cơn bão lớn lao, gây rối loạn khắp nơi. Do đó, ĐTC đương kim Bênêđictô XVI đã
coi Tân Phúc âm hóa như chương trình mục vụ chính yếu, qua việc thiết lập Hội
đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa, và quyết định triệu tập Thượng Hội đồng
Giám mục khóa thường lệ, lần thứ XIII, tháng 10 năm 2012, với đề tài “Tân
phúc âm hóa để truyền đạt Đức Tin”.
Về ưu tiên
trong công tác Tân Phúc âm hóa, ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II đã nói trong
đoạn đã được trích dẫn trên đây là “mới về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp
và mới về cách diễn tả”. Đặt ra một thứ tự là đã đặt ra ưu tiên: trước tiên,
lòng nhiệt thành, sau đó mới đến phương pháp và sau cùng là cách diễn tả. Cũng
trong chiều hướng đó, một năm sau đó (1984), ngài lại bổ túc thêm ý tưởng và
nói tới Tân Phúc âm hóa như một “cuộc động viên tinh thần sâu đậm... Tân
Phúc âm hoá phải tận dụng tới cùng cực khả năng thánh thiện còn tiềm tàng, thể
hiện qua nhiệt huyết truyền giáo, qua các sáng kiến giáo lý rộng lớn, đem lại
hoa trái trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông, qua cuộc chiến đấu
theo tinh thần Phúc Âm để bảo vệ phẩm giá con người hầu làm phát sinh ra một
tương lai chứa chan hy vọng ”.
Ưu tiên tinh
thần cũng được tái khẳng định trong Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám
mục tháng 10 năm 2012: “Duyệt xét lại thái độ của chúng ta đối với việc loan
báo Tin Mừng thì hữu ích ở bình diện việc làm để cải thiện những cách thức và
những chiến lược loan báo Tin Mừng. Nhưng ở bình diện chiều sâu, Tân Phúc âm
hóa là việc duyệt xét lại phẩm chất của đức tin của chúng ta, duyệt xét lại
cách thức là Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, được sai đi để giới thiệu
Ngài cho thế giới, là chứng nhân đầy tràn Chúa Thánh Thần (x. Lc 24,48; Cv
1,8), được kêu gọi để ra đi làm cho mọi người thuộc mọi dân nước trở thành môn
đệ của Chúa Kitô (x. Mt 28,19)... Câu hỏi về việc truyền đạt đức tin...
không được xoay vần chung quanh chiến thuật truyền đạt cho hữu hiệu hơn, hay
chung quanh đối tượng của việc truyền đạt, nhưng phải được hiểu
như câu hỏi nhắm đến chủ thể được trao phó trách nhiệm lo công việc thiêng
liêng này. Phải trở thành một câu hỏi của Giáo Hội về chính mình”
(Lineamenta, s.1).
Theo giáo
huấn của Cđ Vaticanô II và của các ĐTC Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI, Giáo
Hội cần phải có những thay đổi, mới mong chu toàn sứ mệnh truyền đạt Đức Tin
trong hoàn cảnh hiện nay. Những thay đổi nằm trong ba lãnh vực: 1) Lòng
nhiệt thành (tinh thần những người làm việc mục vụ), 2) Phương pháp, 3) Cách
diễn tả. Trong ba lãnh vực cần canh tân đổi mới thì ưu tiên hàng
đầu là lãnh vực tinh thần của mọi thành phần Dân Chúa, đặc biệt các linh mục,
tu sĩ và giáo dân dấn thân trong Giáo Hội.
Từ nhận xét
về hoàn cảnh và hướng đi chung của Giáo Hội hoàn vũ, nếu chúng ta đi đến câu
kết luận là Giáo Hội Việt Nam cần phải duyệt xét để canh tân và bổ túc các công
tác mục vụ, phương pháp làm mục vụ và nhất là tinh thần những người đang làm
mục vụ, trong đó, đặc biệt hàng linh mục, tưởng không thể làm cho ai ngạc nhiên
và bị xúc phạm.
3. Những suy tư và nỗ lực mục vụ mới
Câu kết luận
trên đây không phải là một cánh cửa khép lại, nhưng là đại lộ dẫn đến viễn
tượng bao la của những nỗ lực để canh tân lòng nhiệt thành, sự thánh thiện, và
để khám phá ra những phương thức và cách diễn tả mới thích hợp cho người thời
đại (xem câu giải thích của ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II về Tân Phúc âm hóa).
Như một ví dụ, chúng ta có thể lấy việc giáo dục Đức Tin để suy tư, và người ta
có thể hỏi: việc giáo dục Đức Tin thực hiện qua công tác dạy giáo lý hiện nay
có thực sự thích hợp với hoàn cảnh và tâm thức của con người thời đại không và
có đạt được mục đích của công tác giáo lý như Giáo Hội đề ra không?
Theo tông
huấn “Evangelii Nuntiandi” (Việc rao giảng Tin Mừng) của ĐTC Phaolô VI,
công tác dạy giáo lý là công tác giáo dục Đức Tin cho mọi thành phần Dân Chúa,
nhắm ba mục đích: 1) Trình bày nội dung Đức Tin có hệ thống, một cách sống động
và trung thực với giáo huấn và truyền thống của Giáo Hội; 2) Dẫn đưa giới trẻ
cũng như người lớn gặp gỡ Chúa để khám phá ra khuôn mặt của Chúa Kitô và cảm
thấy nhu cầu phải dâng hiến chính mình cho Chúa; 3) Giúp cho hiểu và chấp nhận
những hệ luận của Đức Tin cho cuộc sống để tạo nên một nếp sống, phong tục và
văn hóa dưới ánh sáng của Đức Tin (EN 41).
Các nỗ lực
giáo dục Đức Tin thường chỉ được thực hiện chính yếu qua việc dạy giáo lý và
nhắm thực hiện điểm thứ nhất, tức là trình bày nội dung Đức Tin. Các sáng kiến
tập trung vào việc soạn thủ bản giáo lý cho đầy đủ, trung thành với giáo huấn
của Hội Thánh và thích hợp theo lứa tuổi. Ngoài ra, người ta cũng chú tâm tìm
kiếm các phương pháp sinh hoạt để việc truyền đạt được sống động.
Thực ra, cho
đến thời gian gần đây, công tác giáo dục Đức Tin như thế có thể coi là đủ vì
nhiều lý do. Thứ nhất là hầu hết, kể cả giới trẻ, đều ham mê học hỏi giáo lý và
Lời Chúa. Điều này trúng đặc biệt trong thời kỳ bị cấm đoán. Thêm vào đó, việc
học giáo lý tại giáo xứ còn được khích lệ và hỗ trợ trong gia đình, bởi ông bà,
cha mẹ và trong môi trường không có những lý thuyết nói ngược lại. Thứ hai, về
việc khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô, tức kinh nghiệm sống Đức Tin thì được
thực hiện trong các buổi cử hành Thánh Lễ hay các Bí Tích và các sinh hoạt đạo
đức tại nhà thờ mà hầu hết giáo dân đều tham dự. Thêm vào đó, nhiều nơi còn có
thói quen đọc kinh gia đình vào ban tối. Lý do thứ ba là sống theo Đức Tin đến
độ trở thành một nếp sống, một phong tục và văn hóa thì hiển nhiên, vì mọi giáo
hữu, mọi gia đình trong giáo xứ đều có cùng một nếp sống và phong tục, phát
nguồn từ 10 Giới Răn của Chúa và 6 Điều Răn của Hội Thánh. Tất cả môi trường
được thấm nhuần bởi Tin Mừng, nên có thể nói là tất cả giáo dân đều đã có kinh
nghiệm về Chúa và đã sống theo Tin Mừng ngay cả trước khi học hỏi về Tin Mừng.
Thực tại đời sống kitô hôm nay không hoàn toàn như trước đây. Số giáo dân, nhất
là giới trẻ, tham dự Thánh Lễ, kể cả Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, và các sinh hoạt
đạo đức trong giáo xứ đã giảm rất nhiều. Nhiều bạn trẻ đi lễ ngày Chúa Nhật chỉ
đứng ở ngoài nhà thờ cho có lệ. Cũng có những nơi, những dịp lễ lớn, giới trẻ
tham dự còn đông, nhưng “số đông” đó, nếu tính về tỉ lệ thì chỉ là một thiểu số
nhỏ của tất cả giới trẻ.
Về nếp sống,
phong tục và văn hóa Kitô, người ta cũng đang thấy có những chuyển biến, vì não
trạng và nếp sống của người tín hữu đang bị lôi cuốn bởi nhiều yếu tố của đời
sống tân tiến và bầu khí chung của một xã hội hưởng thụ và bị thế tục hóa. Thêm
vào đó, các quảng cáo thương mại, những hình ảnh các ca sĩ và tài tử được nhiều
người, nhất là giới trẻ hâm mộ như thần tượng, là những người có đời sống luân
lý không gương mẫu đang được phổ biến tràn lan qua các phương tiện truyền
thông. Ngoài ra, các loại phim ảnh, nhất là những phim tình cảm có cốt truyện
xã hội trình bày mẫu hôn nhân, gia đình “chồng lang vợ chạ”, v.v. Những yếu tố
nói trên cứ từ từ gậm nhấm tinh thần, thay đổi não trạng và nếp sống của các
tín hữu.
Đứng trước
một thực tại hỗn tạp và chuyển biến như thế, công tác giáo dục Đức Tin như đang
được làm, đã bị hụt hẫng vì mất ba cột trụ thiết yếu chống đỡ. Đó là sự cộng
tác của gia đình trong công tác huấn giáo, một cộng đoàn làm lan tỏa bầu khí
linh thiêng có khả năng dẫn đưa vào cảm nghiệm Đức Tin và một môi trường sống
với những giá trị, nếp sống và phong tục phản ảnh rõ ràng lý tưởng Tin Mừng.
Những nơi nào ba cột trụ đó vẫn còn thì chúng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn,
có lẽ không đủ sức chống đỡ những cơn phong ba bão táp, cứ tới tấp ùa vào. Xem
ra công sức dạy giáo lý hôm nay cũng giống như truyện mấy em bé xây nhà bằng
cát trên bãi biển. Thỉnh thoảng một cơn sóng lớn trào lên, phá tan hoang công
trình của các em đã tốn phí công sức mấy tiếng đồng hồ để gầy dựng.
Điều xác
quyết trên đây không áp dụng cách tuyệt đối cho mọi nơi, nhưng nói lên xu hướng
của một thực tại đang biến chuyển và có lẽ ở một vài nơi đã là sự thực. Do đó,
việc giáo dục Đức Tin phải vươn tầm nhìn ra ngoài “nhà giáo lý” để nhận diện
các vấn đề và tìm câu trả lời cách cụ thể, mong cấu tạo lại, hay ít nữa tăng
cường ba cột trụ cần thiết cho công trình giáo dục Đức Tin. Thêm vào đó, công
tác dạy giáo lý phải được trợ lực bởi nhiều công tác mục vụ khác và tất cả các
công tác mục vụ cần phải được tổ chức trong mối tương quan liên hệ với nhau
trong một cơ cấu tổng thể, trong đó các phần lệ thuộc và bổ túc cho nhau.
Kết luận
Yếu tố căn
bản trong sứ mệnh của Giáo Hội không phải là chương trình, cơ cấu tổ chức hay
dụng cụ và phương tiện mục vụ, mà là những người sắp xếp và thực hiện chương
trình và sử dụng các phương tiện, dụng cụ. Về điều này, văn kiện “Hướng Dẫn
Giáo Lý Tổng Quát” của Bộ Giáo Sĩ đã xác quyết không do dự là: “Bất cứ công
tác mục vụ nào mà không có nhân sự có khả năng và được chuẩn bị thực sự thì thế
nào cũng bị thất bại. Các phương tiện, dụng cụ sẽ vô ích nếu không được sử dụng
bởi những giáo lý viên đã được huấn luyện cách xứng hợp. Do đó, việc đào tạo
các giáo lý viên phải chiếm phần ưu tiên đối với việc canh tân sách thủ bản và
tăng cường cơ cấu giáo lý” (HDTQ, s.108).
1.“Dân Làng Hồ” là cuốn hồi
ký của cha Pierre Dourisboure về những bước đầu truyền giáo và khai phá miền
Cao nguyên Kontum. “Làng Hồ” là tiếng Việt dịch từ ngôn ngữ Bana “Kontum”.
“Kon” là làng; “Tum” là hồ, ao.
2. Gioan
Phaolô II, Diễn văn cho HĐGM CELAM tại Port-au-Prince (Haiti), 09.3.1983, trong
“Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, VI/I (1983), trg. 698. Gioan Phaolô II,
Bài giảng Thánh Lễ khai mạc Tuần Cửu Niên mừng 500 năm Rao giảng Phúc Âm tại
Châu Mỹ, Santo Domingo, 12.10.1984, trong “Insegnamenti di Giovanni Paolo II,
VII/II (1984), trg. 896.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét