DẪN NHẬP
1.
Năm 1997, Bộ Giáo Sĩ đã ban hành bản Hướng Dẫn Tổng Quát Việc
Dạy Giáo Lý (HDTQ 97) và ước mong các Hội Đồng Giám Mục cũng soạn những bản văn
định hướng tương tự, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy giáo lý tại các quốc gia của mình[1].
Năm 2010, Đại Hội Dân Chúa cũng “mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường
hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung
thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam”[2].
Nhằm đáp ứng đề nghị và ước vọng trên, chúng tôi xin gửi đến quí linh mục, tu
sĩ, chủng sinh, giáo dân, cách riêng các cha xứ trong các giáo phận, bản Hướng
Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam.
2.
Bản Hướng Dẫn này đưa ra những định hướng tổng quát cũng như
những hướng dẫn thực hành cho việc tổ chức các hoạt động giáo lý tại Việt Nam,
nhằm canh tân việc dạy giáo lý và cổ võ sự hợp tác giữa các giáo phận[3].
3.
Nội dung Bản Hướng Dẫn gồm ba phần chính: phần thứ nhất trình
bày thực trạng xã hội và huấn giáo tại Việt Nam,
để nhận ra nhu cầu cần đổi mới trong lãnh vực này dưới ánh sáng của Lời Chúa; phần thứ hai đưa ra những định hướng dựa trên truyền thống dạy giáo lý tại Việt Nam, HDTQ 1997 và Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010; phần thứ ba đề ra những nguyên tắc hướng dẫn thực hành về việc Dạy Giáo Lý (DGL), đào tạo Giáo Lý Viên (GLV), soạn thảo Sách Giáo Lý và tổ chức các hoạt động giáo lý.
để nhận ra nhu cầu cần đổi mới trong lãnh vực này dưới ánh sáng của Lời Chúa; phần thứ hai đưa ra những định hướng dựa trên truyền thống dạy giáo lý tại Việt Nam, HDTQ 1997 và Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010; phần thứ ba đề ra những nguyên tắc hướng dẫn thực hành về việc Dạy Giáo Lý (DGL), đào tạo Giáo Lý Viên (GLV), soạn thảo Sách Giáo Lý và tổ chức các hoạt động giáo lý.
4.
Chúng tôi ước mong tài liệu này được đón nhận và áp dụng
trong các giáo xứ, các cộng đoàn, theo sự hướng dẫn cụ thể và thích hợp của
Giám mục giáo phận, để các hoạt động trong lãnh vực dạy giáo lý mang lại nhiều
hoa trái tốt đẹp.
PHẦN
THỨ NHẤT : BỐI CẢNH
"Người gieo giống
đi ra gieo giống.
Có những hạt lại rơi nhằm
đất tốt, nó mọc và lớn lên,
sinh hoa kết quả: hạt
thì được ba mươi,
hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm."
(Mc 4,3.8)
5.
Chúng tôi xác tín rằng Chúa Giêsu hôm nay vẫn đang hiện diện
trong Hội Thánh bằng Thánh Thần của Ngài và qua sứ vụ của Hội Thánh, Ngài vẫn
tiếp tục công cuộc Loan Báo Tin Mừng (LBTM) trên cánh đồng thế giới, cách riêng
trên mảnh đất quê hương Việt Nam. Để tiếp nối công cuộc LBTM của Chúa Giêsu, Hội
Thánh tại Việt Nam cũng được mời gọi nhìn vào thực trạng xã hội và thực trạng của
việc dạy giáo lý bằng cái nhìn của Chúa Giêsu, để chia sẻ niềm vui và hy vọng,
ưu sầu và lo lắng của người Việt Nam, để nhận ra những thách đố và cơ hội cho
việc canh tân dạy giáo lý trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay.
I.
THỰC TRẠNG XÃ HỘI
Về dân số
6.
Năm 2016, Việt Nam có hơn 95 triệu người[4],
đa số là giới trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 39, chiếm 43.7% dân số cả nước. Tỉ lệ
này cho thấy cứ hai người lao động mới có một người phụ thuộc (trẻ em dưới 15
tuổi và người già trên 65 tuổi)[5]. Với
quy mô dân số này, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới và
xếp thứ 3 về quy mô dân số ở các nước Đông Nam Á[6].
Vì
thế, chính quyền nỗ lực kiểm soát dân số bằng những biện pháp khác nhau, trong
đó phải kể đến việc triệt sản, ngừa thai, phá thai vv… Hơn nữa, Việt Nam đang bị
mất cân bằng giới tính ở mức báo động đỏ. Tỉ số giới tính của trẻ em mới sinh
năm 2016 là 113,4 bé trai/100 bé gái[7],
tăng so với mức 112,8 bé trai/100 bé gái của năm 2015[8].
Tình trạng chuyển giới và đồng tính có xu hướng gia tăng.
Thực
trạng này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm đến người trẻ và huấn luyện cho họ về
các vấn đề như tôn trọng và bảo vệ sự sống, ý nghĩa và giá trị của phái tính,
hôn nhân và gia đình.
Về kinh tế
7.
Hiện nay Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa,
cụ thể qua việc tham gia các tổ chức trong khu vực như khối Các Nước Đông Nam Á
(ASEAN) và các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Việt Nam
thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với những kỹ thuật
hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng, làm cho đất nước mang dáng dấp
một quốc gia đang phát triển. Nền kinh tế thị trường phần nào đã giúp cho đất
nước phát triển, người dân được tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng
về khoa học kỹ thuật, mở ra những cơ hội cho một phong thái làm việc mới[9].
Tuy nhiên, chủ trương tập quyền của chính quyền Việt Nam, những chính sách bất
cập và luật pháp chưa nghiêm minh, quy chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn
tham nhũng gia tăng, v.v... tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu
quan tâm đến công ích[10].
Trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 201.800 gia đình đói nghèo, tăng 9,9% so
với cùng kỳ năm 2015, tương ứng với 832.600 người đói nghèo, tăng 10,1%[11]. Sự
phát triển kinh tế không đi đôi với chính sách an sinh xã hội, dẫn đến sự chênh
lệch giàu nghèo ngày một tăng, gây bất công và bất ổn. Làn sóng di dân đến các
thành phố lớn trong nước ngày một gia tăng. Sự phát triển kinh tế cũng không
chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, gây ra nhiều thảm họa.
Thực
trạng này đặt ra các vấn đề như đạo đức và lương tâm, dấn thân xây dựng xã hội
công bằng, bảo vệ môi trường, đối thoại với người nghèo, tạo điều kiện cho di
dân tham gia vào đời sống và sinh hoạt của xã hội và Hội Thánh[12].
Về chính trị
8.
Từ năm 1975, nước Việt Nam thống nhất dưới quyền lãnh đạo của
Đảng Cộng sản, với hệ thống chính trị gồm Đảng - Nhà Nước - Mặt Trận. Hiến pháp
khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”[13].
Công cuộc đổi mới đất nước của chính quyền từ năm 1986 giành được nhiều thành
quả đáng kể về kinh tế, xã hội và văn hóa[14].
Hiến pháp năm 2013 đã thừa nhận một số quyền căn bản của con người. Tuy nhiên,
sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dẫn đến tình trạng lạm quyền, tham nhũng, bất
công, thiếu tôn trọng quyền con người[15].
Bối
cảnh chính trị thúc bách chúng ta tôn trọng phẩm giá và các quyền của con người,
sống và loan báo Tin Mừng một cách triệt để hơn, chú trọng đến việc đối thoại với
người vô thần.
Về giáo dục
9.
Việt Nam đã đạt những thành tựu như: nhu cầu mở mang kiến thức
của người dân được đáp ứng tốt hơn; đạt được một số kết quả quan trọng trong việc
nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chính sách xã hội về
giáo dục đã được thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn; chất lượng giáo dục đã
có chuyển biến tích cực bước đầu, và điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục được
tăng cường. Tuy nhiên, chất lượng và phương pháp giáo dục so với mặt bằng chung
của thế giới và ngay cả một số nước trong khu vực còn yếu kém, chậm đổi mới và
thiếu trung thực trong việc đánh giá kết quả; các điều kiện phát triển giáo dục
còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đến việc phát triển con người toàn diện, chưa
chú ý đến việc phát huy tư duy độc lập và sáng tạo của học viên[16].
Do
đó, phát triển con người toàn diện và toàn vẹn phải là mối quan tâm hàng đầu của
việc dạy giáo lý.
Về văn hóa
10.
Người Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời17,
luôn đề cao các giá trị tinh thần và đạo đức như uống nước nhớ nguồn, thờ cha
kính mẹ, tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm, tôn sư trọng đạo, trọng tín
nghĩa, khảng khái, chân thành, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa, đoàn
kết hào hùng chống ngoại xâm. Tuy nhiên, hiện nay đang có những dấu hiệu cho thấy
các giá trị truyền thống bị khủng hoảng, nảy sinh nhiều hiện tượng bi thảm về đạo
đức, văn hóa và xã hội như giả dối, lừa lọc, tàn nhẫn…; nhiều người trẻ choáng
ngợp trước vẻ quyến rũ của xã hội tiêu thụ nên sống buông thả[17].
Bối
cảnh văn hóa này đòi hỏi việc dạy giáo lý phải quan tâm đến việc hội nhập văn
hóa.
Về tôn giáo
11.
Việt Nam vốn là một xã hội đa tôn giáo nên tôn giáo tại Việt
Nam mang tính tổng hợp, hội nhập và tiếp biến, điển hình là sự khai sinh các
tôn giáo bản địa như Cao Đài (1926)[18]
và Phật giáo Hòa Hảo (1939)[19].
Bên cạnh tín ngưỡng dân gian, như niềm tin vào Ông Trời, thờ kính Ông Bà Tổ
Tiên, đời sống tâm linh và nhân sinh quan của người Việt còn mang đậm dấu ấn của
Tam giáo, đặc biệt là Phật giáo[20].
Công giáo chỉ là thiểu số, chiếm 7,08% dân số cả nước[21].
Sau
năm 1975, chủ nghĩa vô thần được nhà nước cổ võ. Khuynh hướng xem tôn giáo như
một thứ “văn hóa tâm linh” ngày càng được quảng bá nơi các phương tiện truyền
thông xã hội lẫn một số tôn giáo. Các lễ hội dân gian và nhiều hiện tượng mang
tính tâm linh ngoại thường[22]
đang bùng phát khắp nơi, cùng với giai đoạn “mở cửa”, di dân
và bùng nổ thông tin[23].
Bối cảnh của một xã hội đa tôn giáo và xu hướng giản lược tôn giáo vào nhu cầu
“giãn xả tinh thần” của con người có thể dẫn đến tâm thức tương đối hóa tôn
giáo, “đạo nào cũng là đạo”, thậm chí việc có đạo cũng chỉ là một trong những
nhu cầu bình thường của con người.
Tâm
thức này chắc chắn ảnh hưởng trên cách sống đạo của người tín hữu, vì thế việc
dạy giáo lý phải giúp cho người ta hiểu và xác tín về niềm tin của mình.
II.
THỰC TRẠNG VIỆC DẠY GIÁO LÝ
Về mục tiêu
12.
Việc dạy giáo lý tại Việt Nam chú trọng nhiều đến việc trình
bày nội dung đức tin một cách đầy đủ và có hệ thống, đến việc học thuộc lòng một
số kiến thức đức tin, đủ để lãnh nhận các Bí tích khai tâm và Hôn Phối. Tuy
nhiên, việc dạy giáo lý chưa chú trọng nhiều đến chiều kích tương quan mật thiết
cá vị với Thiên Chúa; chưa giúp người thụ giáo có khả năng phân định đâu là thánh
ý Chúa trong hoàn cảnh thực tế của cuộc sống; chưa chú trọng đến việc huấn luyện
thường xuyên cho các đối tượng khác nhau, giúp họ ngày một trưởng thành hơn
trong đức tin.
Về nhiệm vụ
13.
Việc dạy giáo lý tại Việt Nam quan tâm đến việc giúp các tín
hữu hiểu biết đức tin, nhưng chưa chú trọng đến việc lắng nghe, đón nhận và thực
thi Lời Chúa dạy; chưa giúp học viên giáo lý tham gia các cử hành phụng vụ một
cách ý thức và tích cực, chưa giúp học viên có được thói quen đạo đức trong đời
sống hằng ngày. Hơn nữa, việc dạy giáo lý gần như lãng quên việc giúp các tín hữu
tích cực tham gia và xây dựng đời sống cộng đoàn kitô hữu, quan tâm đến các vấn
đề xã hội và góp phần kiến tạo công ích dựa theo ánh sáng Tin Mừng, cổ võ tinh
thần sống Tin Mừng trong đời sống thường ngày và thúc đẩy dấn thân cho việc
truyền giáo.
Về phương pháp
14.
Phần đông các giáo xứ và cộng đoàn dạy giáo lý theo phương
pháp hỏi-thưa, một số ít theo phương pháp trình bày. Trong việc truyền đạt đức
tin, cách thức chủ yếu là dạy dỗ, bảo ban từ trên xuống, còn cách thức tạo điều
kiện cho học viên giáo lý mở lòng đón nhận Mạc Khải và diễn tả niềm tin cũng
như cách “đồng hành thiêng liêng” vẫn ở vào hàng thứ yếu. Tại một số nơi, việc
dạy giáo lý vẫn áp dụng cách thuyết giáo khô khan, chưa chọn được một hình thức
sư phạm và phương pháp phù hợp[24].
Về tổ chức
15.
Phần đông các linh mục, tu sĩ và các giáo dân có khả năng trong các giáo xứ đều
coi trọng việc giáo dục đức tin và tích cực tham gia vào việc dạy giáo lý với
tinh thần tự nguyện; nhiều giáo lý viên giáo dân phục vụ cho việc huấn giáo như
những thiện nguyện viên trong một thời gian lâu dài.
Tuy
nhiên, tại một số giáo phận chưa hình thành được Ban Giáo Lý nhằm tổ chức, điều
động và hỗ trợ cho việc phát triển nhân sự cũng như các hoạt động giáo lý; hoặc
đã hình thành nhưng chưa hoạt động hiệu quả. Giáo lý viên giáo dân chưa được
quan tâm và hỗ trợ đúng mức về mặt tinh thần cũng như vật chất, đặc biệt trong
việc đào tạo, nhằm giúp họ có những khả năng và điều kiện cần thiết để đảm nhận
nhiệm vụ dạy giáo lý.
Về đối tượng
16.
Việc dạy giáo lý chú trọng đến các đối tượng như các em thiếu
nhi, những người dự tòng và các đôi chuẩn bị lãnh Bí tích Hôn Phối. Tại một số
nơi, anh chị em dân tộc thiểu số cũng được quan tâm hơn trong việc học hỏi giáo
lý và đào sâu đức tin, thể hiện qua các ấn bản giáo lý bằng tiếng dân tộc và việc
đào tạo giáo lý viên địa phương.
Tuy
nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng việc dạy giáo lý của chúng ta chưa quan tâm đến
việc nuôi dưỡng và phát triển đức tin cho các đối tượng Kitô hữu khác, như người
trẻ, người lớn, những người có hoàn cảnh đặc biệt, những người di dân, những
tân tòng, những người sống trong ơn gọi gia đình và những người nguội lạnh
không thực hành đức tin.
Về môi trường
17.
Các gia đình và giáo xứ phần đông còn giữ được tinh thần đạo
đức truyền thống; đây là môi trường thuận lợi cho việc nuôi dưỡng và làm triển
nở đời sống đức tin của các tín hữu. Các bậc làm cha mẹ vẫn còn khuyến khích và
hỗ trợ con cái tham gia dạy và học giáo lý.
Tuy
nhiên, nếu xét kỹ hơn thì việc dạy giáo lý chưa được quan tâm đúng mức trong môi
trường gia đình và giáo xứ: trong gia đình, cha mẹ chưa ý thức và tích cực đủ
trong việc giáo dục đức tin cho con cái[25],
trong giáo xứ, việc dạy giáo lý chỉ là việc của giáo lý viên hơn là của toàn thể
cộng đoàn[26].
Ngoài
ra, việc dạy giáo lý còn thu hẹp trong khuôn khổ của “lớp học”, chưa mở rộng tầm
nhìn đến các vấn đề của cộng đoàn và chưa vươn tới các môi trường xã hội, để nhận
diện những vấn nạn của thời đại và tìm ra câu trả lời phù hợp với giá trị Tin Mừng[27].
III.
NHẬN ĐỊNH CHUNG
18.
Khi nhìn vào bối cảnh trên, chúng ta thấy việc hòa nhập vào
tiến trình toàn cầu hóa, cụ thể là việc hội nhập kinh tế thế giới, không chỉ
mang lại cho đất nước những cơ hội mới, nhưng còn mang lại những thách thức mới.
Tiến trình này không chỉ biến đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế-xã hội, nhưng còn biến
đổi sâu xa lối tư duy và lối sống của người dân. Não trạng thế tục đang len lỏi
vào đời sống đức tin của các tín hữu, một não trạng muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra
khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Tuy
nhiên, họ cũng nhận ra nơi tận đáy lòng một sự trống rỗng to lớn đi kèm với một
nỗi khát khao cần được lấp đầy bằng chân lý và tình thương của Thiên Chúa.
Trong khi người tín hữu khát khao mạch nước trong lành đem lại sự sống, thì việc
dạy giáo lý dường như chỉ cung cấp cho họ những giáo thuyết khô khan, thiếu sống
động, thiếu sức mạnh và thiếu sức hấp dẫn[28].
Vì
thế, thách đố lớn nhất của việc huấn giáo tại Việt Nam là chuyển trọng tâm từ
việc huấn luyện duy kiến thức sang việc xây dựng mối tương quan thân tình với
Thiên Chúa và tha nhân.
19.
Gắn liền với xã hội tục hóa là xã hội tiêu thụ. Trong xã hội
này, con người bị mê hoặc bởi lối sống hưởng thụ và ích kỷ, vứt bỏ mọi nỗ lực
tìm kiếm và thực hành những giá trị nhân bản và tôn giáo; kết cuộc là đạo đức
suy thoái, lương tâm bị coi rẻ và nhân phẩm bị xúc phạm. Sự chuyển biến xã hội
này đang ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu xa đến đời sống đức tin của người tín hữu; thế
nhưng, việc dạy giáo lý xem ra vẫn còn xa rời các thực tại xã hội, không giúp
người Kitô hữu đối diện và tìm hướng giải quyết những vấn nạn của một cuộc sống
đang đổi thay. Do đó, việc dạy giáo lý không những phải đổi mới cách trình bày,
mà còn phải thoát ra khỏi khuôn khổ của lớp học để vươn ra đời sống cộng đoàn
cũng như vươn tới các vấn đề xã hội[29].
20.
Niềm tin vào Ông Trời và việc tôn kính Tổ Tiên là nền tảng
cho đời sống đạo đức giúp người Việt Nam quý trọng sự sống, ăn ngay ở lành và sống
hài hòa với mọi người. Tuy nhiên, tâm thức tôn giáo của họ thường thiên về tình
cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Khuynh hướng này dễ đưa
đến chủ trương “tương đối hóa tôn giáo”, gây khó khăn cho việc trình bày cũng
như lãnh hội giáo lý mặc khải của Kitô giáo. Hơn thế nữa, một khi không được đặt
nền trên lý trí khao khát chân lý, tâm tình tôn giáo cũng dễ bị lay động trước
những trào lưu duy vật và hưởng thụ”[30].
Điều
này đòi hỏi việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu đào sâu đức tin, phải có
tính cách thường xuyên để có thể giúp họ tăng trưởng đức tin qua mọi lứa tuổi,
hướng tới một đức tin trưởng thành trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn.
21.
Tại Việt Nam, những người trẻ chiếm đa số. Họ là những con
người năng động và sáng tạo, đam mê khoa học kỹ thuật qua việc tìm tòi và học hỏi,
thế nhưng nhiều bạn trẻ yêu chuộng công nghệ thông tin đến độ không còn quan
tâm nhiều đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, say mê cái đẹp qua việc chạy
theo các thần tượng và bị mê hoặc bởi sự chiếm hữu và hưởng thụ. Trong khi đó,
cách dạy giáo lý của chúng ta vẫn chưa hấp dẫn được người trẻ. Vì thế, cần quan
tâm hơn đến giáo lý dành cho người trẻ, vận dụng các phương tiện truyền thông để
trình bày giáo lý cách sinh động và hữu hiệu.
22.
Sống trong một đất nước có nhiều người nghèo, nhiều dân tộc,
nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo khác nhau và người vô thần, chúng ta phải đối
diện với những khác biệt vừa có khả năng làm cho đời sống nên phong phú, vừa có
nguy cơ dẫn đến xung đột. Do đó, việc dạy giáo lý cần chú tâm đến việc đối thoại
với người nghèo, với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người vô thần[31].
23.
Qua những nhận định trên, chúng ta thấy việc huấn giáo cần có
một định hướng phù hợp với nhu cầu thực tế và thích ứng với các thách đố của thời
hiện tại, để giúp các tín hữu không những đào sâu đời sống đức tin mà còn tích
cực tham gia vào đời sống xã hội và công cuộc truyền giáo.
PHẦN THỨ HAI : ĐỊNH HƯỚNG
CỦA HỘI THÁNH VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân
trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”(Mt
28,19-20)
24.
Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu thúc đẩy các môn đệ của Ngài ra đi rao
truyền Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới. Vào năm 1533, lần đầu tiên Tin Mừng
của Chúa Giêsu được loan truyền đến Việt Nam do một người Châu Âu tên là Inêkhê[32].
Tiếp những năm sau đó, nhiều nhà truyền giáo khác đã đến Việt Nam. Các ngài đã
hoạt động nỗ lực để hạt giống Tin Mừng được gieo xuống, lớn lên và sinh hoa kết
quả dồi dào trên đất nước chúng ta[33].
Kinh
nghiệm quý giá của các ngài trong việc LBTM, cách riêng trong việc dạy giáo lý,
làm nên truyền thống sống động cho việc LBTM và là nguồn cảm hứng tích cực cho
việc dạy giáo lý của chúng ta hôm nay. Vì thế, để định hướng cho các hoạt động
giáo lý, trước hết chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các bậc tiền nhân[34],
kế đến tham khảo tài liệu Hướng Dẫn Tổng Quát Về Việc Dạy Giáo Lý 1997 của Bộ
Giáo Sĩ, và Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
gửi toàn thể cộng đồng dân Chúa Việt Nam.
I.
TRUYỀN THỐNG DẠY VÀ HỌC GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM
25.
Từ những ngày đầu của công cuộc LBTM tại Việt Nam, các vị thừa
sai đã nỗ lực hội nhập niềm tin Kitô giáo vào truyền thống văn hoá địa phương một
cách đầy sáng tạo trong việc giảng dạy, biên soạn sách giáo lý[35]
và đào tạo giáo lý viên[36].
Nỗ lực hội nhập văn hóa
26.
Để trình bày các chân lý đức tin cho người Việt và khuyến
khích họ sống các chân lý ấy, các vị thừa sai đã tôn trọng và vận dụng các giá
trị văn hóa Việt Nam, ví dụ như vận dụng niềm tin sẵn có của người dân vào một
vị thần siêu việt được gọi là “Ông Trời” để trình bày Thiên Chúa là Đức Chúa Trời;
dựa vào lòng hiếu thảo để giúp người Việt sống mối tương quan với Thiên Chúa là
Cha; dựa vào khái niệm trung hiếu của Nho Giáo là Tam Cương (Quân-Sư-Phụ) và
Tam Phụ (Thiên Chủ = Thượng Phụ, Quân Vương = Trung Phụ, Cha Mẹ = Hạ Phụ) để
giúp các bậc vua chúa hoặc giới nho sĩ hiểu Thiên Chúa là Thượng Phụ mà mọi người
phải hết mực tin kính và tôn thờ[37].
27.
Các ngài còn nỗ lực hội nhập văn hóa bằng cách trình bày giáo
lý bằng tiếng bản xứ, đẩy mạnh việc sáng tạo chữ Quốc ngữ dựa theo mẫu tự
La-tinh. Các ngài không những gìn giữ thuần phong mỹ tục, mà còn thích ứng cho
phù hợp với niềm tin Kitô giáo, chẳng hạn thờ kính Chúa Ba Ngôi trong ba ngày Tết
cổ truyền và sử dụng cây Thánh Giá thay cho cây nêu.
Tuy
nhiên, các ngài không ngần ngại chỉ trích những tập tục mang mầu sắc dị đoan
như đốt vàng mã, những thói lệ vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ và những tập
tục phương hại đến sự hợp nhất gia đình như tục đa thê[38].
28.
Các vị thừa sai đã am tường và đáp ứng nhu cầu tâm lý của học
viên giáo lý. Biết người Việt thiên về tình cảm và có óc thực tế, các ngài quan
tâm nhiều hơn đến việc khơi dậy lòng đạo bằng cách liên kết việc học hỏi với
các lễ nghi như suy tôn Thánh Giá, rước kiệu, ngắm sự Thương Khó Chúa Giêsu vào
mùa Chay... đồng thời sử dụng các hình ảnh cụ thể và những câu chuyện dân gian
để giải thích các chân lý đức tin, coi trọng việc hành đạo hơn lý thuyết suông.
Thấy người Việt trọng lễ nhạc và chuộng hội hè, các ngài khuyến khích việc sáng
tác văn thơ, ca nhạc để giới thiệu Thiên Chúa cho người khác... đồng thời cổ võ
việc thành lập các hội đoàn, nhờ đó sinh hoạt trong các họ đạo luôn sầm uất và
năng động[39].
29.
Tinh thần hội nhập văn hóa được Hội đồng Giám mục Việt Nam tiếp
nối qua thỉnh nguyện thư gửi Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc (Bộ Truyền
Giáo)[40]
về việc tôn kính Tổ Tiên, ngày 20 tháng 10 năm 1964, nhằm giải
tỏa thái độ nghi kỵ của người ngoài, coi đạo Công giáo là đạo bất hiếu. Thỉnh
nguyện thư được Bộ Truyền Giáo chấp nhận bằng một văn thư với nội dung chính yếu
sau: “Những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa
thế tục rõ ràng là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng
niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng,
nghiêng mình bái kính, chưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ, giỗ...) thì được thi
hành và tham dự cách chủ động”[41].
Nỗ lực biên soạn
30.
Để phục vụ cho việc dạy giáo lý, các vị thừa sai còn biên soạn
sách giáo lý bằng tiếng Việt. Cha Girolamo Maiorica (Gi-rô-la-mô Ma-i-ô-ri-ca)
soạn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, bản chữ Nôm vào tiền bán thế kỷ XVII,
giúp cho người dự tòng học thuộc giáo lý căn bản[42].
Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) 15 soạn Phép Giảng Tám Ngày bằng chữ quốc ngữ
vào năm 1651, để giúp giáo lý viên đồng hành với người dự tòng trong tiến trình
hoán cải và lãnh nhận Bí tích Rửa Tội[43].
Đức Cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) biên soạn và ấn hành Thánh Giáo Yếu Lý
vào năm 1774, còn gọi là sách “Bổn Dạy Đạo Thánh” bằng chữ Nôm dành cho giáo
dân học biết những điều căn bản về đạo lý. Có thể nói đây là lần đầu tiên người
Việt được học các lẽ đạo một cách có hệ thống, có phần-đoạn và đi từ những chân
lý nền tảng cần phải biết, cần phải tin, cho đến những điều thực hành như luân
lý phải giữ và lễ nghi cầu kinh trong việc thờ phượng[44].
31.
Từ năm 1651 đến năm 1967 đã có hơn 80 đầu Sách Giáo Lý dành
cho các đối tượng khác nhau như ấu nhi, thanh thiếu niên, người lớn và dự tòng,
thuộc các lãnh vực khác nhau như lịch sử Hội Thánh Công giáo, Thánh Kinh, sư phạm,
giải thích Kinh Thánh bằng vè, thơ ca[45]...
Sang thập niên 70 của thế kỷ XX, nhiều bộ sách giáo lý được
biên soạn dưới nhiều hình thức, dành cho các lứa tuổi khác nhau hoặc các cấp lớp
tiểu học và trung học, ví dụ như bộ giáo lý của các trung tâm huấn giáo
Phanxicô, Sài gòn, Đà Nẵng, Xuân Lộc, Nha Trang, Đà Lạt. Hiện nay một số giáo
phận cũng biên soạn bộ giáo lý riêng cho từng đối tượng hoặc cho chung cộng
đoàn[46].
Nỗ lực đào tạo giáo lý viên
32.
Bên cạnh việc biên soạn sách giáo lý, các vị thừa sai còn nỗ
lực đào tạo giáo lý viên bản xứ để họ giảng dạy giáo lý bằng tiếng mẹ đẻ của
mình và có thể thay thế các ngài trong các hoạt động mục vụ khác nhau[47].
Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã thiết lập Hội Thầy Giảng để trợ giúp các
giáo sĩ trong vấn đề dịch thuật và tổ chức các sinh hoạt cộng đoàn, hoặc lãnh đạo
cộng đoàn khi các ngài vắng mặt bằng cách quy tụ, dạy giáo lý, hướng dẫn đọc
kinh và làm các việc đạo đức. Đức cha Lambert de la Motte (Lâm Bích) thiết lập
dòng Mến Thánh Giá vào năm 1670, quy tụ các nữ tu chăm lo việc dạy giáo lý cho
người nghèo, viếng thăm người già yếu, bán thuốc, chữa bệnh và nhất là rửa tội
cho các em nhỏ hấp hối, hoặc con cái của các gia đình nghèo túng trong mọi hang
cùng ngõ hẻm của thôn làng[48].
Một trong những hoa trái của việc đào tạo này là Thầy Giảng Anrê Phú Yên, người
được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị nâng lên hàng Chân Phước vào năm
2000. Thầy là mẫu gương của giáo lý viên trong việc dấn thân rao giảng Tin Mừng[49].
33.
Công cuộc đào tạo giáo lý viên bản địa luôn được các giáo phận
quan tâm, nổi bật là chương trình đào tạo “Yao Phu“ của Giáo phận Kontum. Đây
là chương trình đào tạo thanh niên dân tộc trở thành các giáo lý viên phục vụ
cho các họ đạo người dân tộc vùng sâu, vùng xa. Các giáo lý viên được đào tạo tại
trường Yao Phu do Cha Martial Jannin (Phước)[50]
xây dựng và lên chương trình đào tạo, hoặc họ có thể được các
linh mục địa sở tuyển chọn và huấn luyện qua những khóa ngắn hạn. Qua những
thăng trầm của lịch sử, đến nay đã hơn 100 năm, chương trình vẫn tiếp tục hoạt
động[51]. Ở
các giáo phận khác, đông đảo giáo lý viên được đào tạo dưới nhiều hình thức
khác nhau và tích cực tham gia việc dạy giáo lý tại các giáo xứ.
34.
Từ kinh nghiệm của các bậc tiền nhân, chúng ta thấy việc dạy
giáo lý không những phải hội nhập niềm tin Kitô giáo vào truyền thống văn hóa
Việt Nam mà còn phải đồng nhịp với xu hướng chung của Hội Thánh hoàn vũ, bằng
cách cập nhật cho các tín hữu đạo lý truyền thống, căn bản và đương thời nhất của
Hội Thánh[52]. Trong chiều hướng này,
chúng ta cần hiểu biết quan điểm của Hội Thánh về việc dạy giáo lý, được trình
bày trong tài liệu Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Bộ Giáo Sĩ năm
1997.
II.
HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ 1997
35.
Theo Hướng Dẫn Tổng Quát 1997, việc dạy giáo lý được đặt trong viễn tượng loan
báo Tin Mừng[53]
và được liên kết với các hình thức khác của tác vụ Lời Chúa.
Trong viễn tượng này, việc dạy giáo lý trước hết là hoạt động của Hội Thánh nhằm
loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa; tiếp đến là tác vụ Lời Chúa nhằm loan
báo và dẫn người ta đến với Chúa Giêsu; và cuối cùng là giáo dục đức tin nhằm
giúp người ta lớn lên trong Đức Kitô nhờ mở lòng đón nhận sự dạy dỗ của Chúa
Thánh Thần. Trong chiều hướng này, việc dạy giáo lý tập trung vào Chúa Giêsu,
nhờ Ngài mở ra các mối tương quan với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, với Hội
Thánh, với nhân loại (con người) và với thế giới (môi trường)[54].
Dạy giáo lý là hoạt động của Hội Thánh
36.
Việc dạy giáo lý là một trong những hoạt động của Hội Thánh
nhằm loan báo Tin Mừng[55].
Hội Thánh loan báo Tin Mừng dưới nhiều hình thức khác nhau và hoạt động theo một
tiến trình được tổ chức thành những giai đoạn hay thời điểm khác nhau: hoạt động
truyền giáo cho những người không tin và những người sống lãnh đạm với tôn
giáo; hoạt động giáo lý khai tâm cho những người đã chọn lựa sống theo Tin Mừng
và những người cần bổ sung đời sống khai tâm; hoạt động mục vụ cho các tín hữu
trong cộng đoàn[56]. Như thế, việc dạy giáo
lý được hiểu là thời điểm chính yếu của tiến trình loan báo Tin Mừng[57],
vì nó đặt nền móng cho tòa nhà đức tin[58]
và là mắt xích nối kết sinh hoạt truyền giáo với sinh hoạt mục
vụ[59].
Dạy giáo lý là tác vụ Lời Chúa
37.
Hội Thánh có sứ mệnh loan báo Tin Mừng nghĩa là loan báo Chúa
Giêsu; chính Ngài là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa và là con đường dẫn chúng
ta đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa[60].
Hội Thánh loan báo Chúa Giêsu bằng cách làm cho Lời Chúa âm vang trong lòng con
người, để mọi người lắng nghe và đáp lại, nhờ đó được hiệp thông với Chúa Giêsu
trong đời sống cũng như trong sứ vụ của Ngài.
Nguồn mạch của giáo lý
38.
Chúa Giêsu chính là Lời Thiên Chúa ngỏ với con người. Lời này
được truyền đạt trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, cả hai hợp thành một kho tàng
duy nhất thánh thiêng chứa đựng Lời Chúa, được trao phó cho Hội Thánh để gìn giữ
và thông truyền cho mọi người[61].
Thánh Kinh là Lời Chúa, dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần, đã được ghi lại bằng
chữ viết[62]; còn Thánh Truyền thì
chuyển giao toàn bộ Lời Chúa cho những đấng kế vị các Tông Đồ[63].
Huấn Quyền có nhiệm vụ giải thích Lời Chúa một cách chính thức[64],
nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền, gắn bó mật
thiết và liên kết với nhau, mỗi bên theo cách thế của mình[65],
đều là “những nguồn mạch” chính yếu của việc dạy giáo lý[66].
Mục đích của việc dạy giáo lý
39.
Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người
không những tiếp xúc, mà còn được hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu Kitô[67];
nhờ đó, con người được kết hợp với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội
Thánh, và với nhân loại[68].
Nhiệm vụ của việc dạy giáo lý
40.
Việc dạy giáo lý có nhiệm vụ làm cho sự hoán cải ban đầu được
hoàn hảo, việc tuyên xưng đức tin trở nên sống động, minh nhiên và hữu hiệu[69]:
sống động nhờ luôn biết học hỏi, khám phá, tìm kiếm; minh nhiên bởi đức tin được
biểu lộ một cách rõ ràng qua việc tham gia các hoạt động mục vụ; hữu hiệu nghĩa
là đức tin được sống, được chuyển thành kinh nguyện, được chia sẻ và được rao
giảng[70].
Tóm lại, việc dạy giáo lý phải chu toàn các nhiệm vụ khác nhau nhưng bao hàm lẫn
nhau, đó là giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy
cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo[71].
Dạy giáo lý là giáo dục đức tin
41.
Khi dạy giáo lý, Hội Thánh thể hiện vai trò của nhà giáo dục
đức tin bằng cách giúp người ta lớn lên trong Đức Kitô, nhờ mở lòng đón nhận sự
dạy dỗ và uốn nắn của Chúa Thánh Thần[72].
Vì thế, việc dạy giáo lý là hành động của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Ngài,
trước khi là hành động của con người: “Trong việc thực hành huấn giáo, không phải
các kỹ năng sư phạm tân tiến nhất, cũng chẳng phải những giáo lý viên có nhân
cách lôi cuốn nhất có thể thay thế cho hành động thầm lặng và kín đáo của Chúa
Thánh Thần”[73], vì chính Ngài là giáo lý
viên đầu tiên, là vị Thầy nội tâm của những ai lớn lên trong Đức Kitô[74].
Sư phạm đức tin
42.
Hội Thánh giáo dục đức tin theo khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Thiên Chúa giáo dục dân Ngài trong thời gian và tiệm tiến theo thời gian, qua
các biến cố và các giáo huấn trong lịch sử cứu độ. Sự tín trung và nhẫn nại của
Thiên Chúa là trường dạy con người mở ra cho cuộc đối thoại với Ngài trong tình
yêu. Khoa sư phạm của Thiên Chúa được tiếp nối bởi Chúa Giêsu[75].
Qua
lời nói và việc làm, cách riêng qua mẫu gương sống động về tình yêu đối với
Thiên Chúa Cha cũng như đối với mọi người, Chúa Giêsu tỏ cho biết Thiên Chúa là
Cha yêu thương mọi người và mời gọi mọi người cùng Ngài bước vào hành trình yêu
thương. Chúa Giêsu còn là mẫu gương của sự vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, để chu toàn thánh ý Chúa Cha và đem lại cho mọi người ơn tha thứ. Qua đó,
Ngài dạy con người bài học vâng phục trong đức tin[76].
Chúa
Giêsu trao lại cho Hội Thánh khoa sư phạm đức tin của Ngài. Nhờ ân sủng và tình
thương của Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Hội Thánh thông truyền đức tin cho con cái
mình bằng gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, cử hành các Bí tích, và những
phương thế ban ân sủng khác[77].
Phương pháp của giáo lý
43.
Sự thông truyền đức tin của Hội Thánh là kết quả của sự gặp gỡ
giữa Lời Chúa và kinh nghiệm của con người. Sự gặp gỡ này có thể xảy ra qua nhiều
con đường khác nhau, nhưng tựu trung có hai con đường chính yếu: một là khởi đi
từ Lời Chúa đến kinh nghiệm, nghĩa là bắt đầu từ việc loan báo sứ điệp, được diễn
tả trong Thánh Kinh, phụng vụ, giáo lý... và đem ra thực hành trong cuộc sống;
hai là khởi đi từ kinh nghiệm con người đến Lời Chúa, nghĩa là bắt đầu từ những
vấn đề và những hoàn cảnh của con người, được soi dẫn bằng ánh sáng Lời Chúa. Cả
hai con đường đều chính đáng, với điều kiện tôn trọng nguyên tắc “trung thành với
Thiên Chúa và trung thành với con người”[78],
nghĩa là phải truyền đạt Tin Mừng trong sự toàn vẹn của nó[79]
đang khi tôn trọng những điều kiện và hoàn cảnh của con người[80].
44.
Tóm lại, theo HDTQ 1997, Hội Thánh xác định việc dạy giáo lý
trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, với ba yếu tố chính là hoạt động của Hội
Thánh, tác vụ Lời Chúa và giáo dục đức tin; xác định khuôn mẫu sư phạm phải
theo là khoa sư phạm của Thiên Chúa được thể hiện qua giáo huấn và hành động của
Đức Giêsu; và nguyên tắc phải giữ đó là “trung thành với Thiên Chúa và trung thành
với con người”[81].
III.
ĐỊNH HƯỚNG CỦA HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM
45.
Chúng tôi tin rằng dựa vào những hướng dẫn của Bộ Giáo sĩ về
việc dạy giáo lý 1997, và tinh thần của Đại Hội Dân Chúa năm 2010, việc dạy
giáo lý sẽ trổ sinh hoa trái tốt đẹp hơn trên mảnh đất quê hương chúng ta. Với
những chỉ dẫn của Thư Chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, khi nhìn vào hiện trạng
đất nước, nơi người Công giáo Việt Nam đang sống và thi hành sứ vụ loan báo Tin
Mừng, chúng tôi nhận ra rằng Hội Thánh tại Việt Nam cần phải sống và thể hiện mầu
nhiệm Hội Thánh như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa
và hiệp nhất toàn thể nhân loại”[82].
46.
Theo định hướng này, việc dạy giáo lý, xét như là công cuộc
giáo dục đức tin, phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu
nhiệm hiệp thông với ba chiều kích: với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi
người.
Về sự hiệp thông với Thiên Chúa
47.
Thư Chung đề nghị: “Cộng đoàn tín hữu Việt Nam cần phải chú ý
nhiều hơn nữa đến việc vun trồng đời sống nội tâm, nhấn mạnh chiều kích thiêng
liêng trong mọi chương trình huấn luyện cũng như mục vụ. Như vậy, mọi thành phần
trong Hội Thánh được kêu gọi nên thánh, vươn đến đức ái trọn hảo, theo gương
khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô”[83].
Về sự hiệp thông với Hội Thánh
48.
Thư Chung nhấn mạnh: “Hội Thánh thực sự là gia đình của Thiên
Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kitô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, và
có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông... Hình ảnh Hội Thánh-Gia Đình gần
gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam nói riêng và của
người dân Việt nói chung... Do đó, cần nghiên cứu, suy tư và trình bày Hội
Thánh như gia đình của Thiên Chúa, để hội nhập thần học Kitô giáo vào xã hội Việt
Nam. Trên nền tảng thần học đó, các mục tử xây dựng những kế hoạch mục vụ giáo
xứ là gia đình của các gia đình, canh tân cử hành phụng vụ và cầu nguyện trong
bầu khí hiệp thông gia đình, cũng như phát triển những hoạt động mục vụ gia
đình”[84].
Về sự hiệp thông với mọi người trong xã hội
49.
Thư Chung khẳng định: “Hội Thánh là Bí tích của Nước Thiên
Chúa, nơi đó Thiên Chúa là tất cả cho mọi người. Vì thế, Hội Thánh có sứ mệnh
yêu thương và phục vụ, hướng dẫn nhân loại đạt tới hạnh phúc chân thật. Các môn
đệ Đức Kitô không hề coi thường các thực tại nhân sinh, nhưng sẵn sàng cộng tác
tích cực với mọi người xây dựng trần thế, vì tất cả những gì tốt lành và thiện
hảo sẽ không bị phá hủy mà được nên hoàn hảo trong Nước Chúa vĩnh cửu và phổ
quát. Không có sự đối kháng giữa niềm chờ mong Nước Chúa và nỗ lực xây dựng trần
thế, do đó phải tránh xa quan niệm và lối sống phân cách giữa đức tin và đời sống
hàng ngày. Cũng vì thế, cần phải cảnh giác trước mọi hình thức tội lỗi và can đảm
vượt thắng chủ nghĩa tục hóa, óc cục bộ và vô tín, bởi vì những điều ấy hạ thấp
phẩm giá con người. Như vậy, Hội Thánh đồng hành với thế giới như một ngôn sứ,
chia sẻ những khổ đau và vui buồn của kiếp nhân sinh, can đảm chống lại sự ác
dưới mọi hình thức, vì hạnh phúc toàn diện của con cái Thiên Chúa, và kiên trì
khơi lên nơi lòng người niềm hy vọng vào Thiên Chúa tín trung”[85].
Đối thoại
50.
Để phục vụ cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, việc dạy
giáo lý còn phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu có khả năng đối thoại
với sự chân thành cũng như với cả tấm lòng: “Trong bối cảnh của xã hội Việt
Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh cần đối thoại với các tôn
giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối
thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh
phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ”[86].
Hội nhập
51.
Hội đồng Giám mục Việt Nam coi việc dạy và học giáo lý là việc
quan trọng, đòi hỏi một nỗ lực chung theo hướng hội nhập văn hóa: “Việc dạy và
học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Hội Thánh, nhất là trong thời
đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại hội Dân Chúa
mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng
như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với
văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường
huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên”[87].
PHẦN THỨ BA : NHỮNG HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH
"Vàng bạc thì tôi
không có;
nhưng cái tôi có, tôi
cho anh đây:
nhân danh Đức Giê-su
Ki-tô người Na-da-rét,
anh đứng dậy mà
đi!" (Cv 3,6)
52.
Sau khi thánh Phêrô nói lời này, người ăn xin tàn tật đứng phắt
dậy, đi lại được, rồi cùng với Thánh nhân vào Đền thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và
ca tụng Thiên Chúa. Những người chứng kiến phép lạ kinh ngạc về quyền năng Chúa
ban cho Thánh Phêrô, còn Thánh nhân thì ý thức rằng mình chỉ là khí cụ để Chúa
Giêsu gặp gỡ, ngỏ lời và chữa lành cho người ấy, đồng thời dẫn họ vào sự hiệp
thông với Thiên Chúa trong niềm vui. Theo ý hướng này, chúng tôi đề nghị một số
hướng dẫn thực hành, để việc dạy giáo lý, đào tạo giáo lý viên, soạn sách giáo
lý và tổ chức các hoạt động giáo lý thực sự trở thành việc phục vụ cho sự hiệp
thông với Chúa Giêsu và thúc đẩy sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.
I.
VỀ VIỆC DẠY GIÁO LÝ
53.
Việc dạy giáo lý tại Việt Nam phải củng cố sự hiệp thông với
Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó hiệp thông với Chúa Cha, với Chúa Thánh Thần, với Hội
Thánh và với nhân loại[88].
Khi giúp học viên giáo lý hiểu và đi vào những mối hiệp thông này, giáo lý viên
nên vận dụng hình ảnh gia đình và những nét đẹp văn hóa trong truyền thống gia
đình như lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ để diễn tả sự hiệp thông hiếu thảo với
Thiên Chúa; tình nghĩa anh em để trình bày sự hiệp thông huynh đệ trong Hội
Thánh, và tình đồng bào để mô tả mối hiệp thông chan hòa với mọi người.
Hiệp
thông với Thiên Chúa
54.
Trong việc dạy giáo lý, cần nhấn mạnh đến mục đích tối hậu là
gặp gỡ và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô. Muốn thế, việc dạy giáo lý phải:
-
Đặt nền tảng trên Lời Chúa và Lời Chúa phải là linh hồn của việc dạy giáo lý[89].
Việc dạy giáo lý phải giúp cho học viên tiếp cận với bản văn Thánh Kinh, hiểu
và đón nhận sứ điệp Lời Chúa, biết diễn tả niềm xác tín của mình và dấn thân thực
hiện theo Lời Chúa.
-
Hướng dẫn học viên giáo lý cầu nguyện bằng cách thưa chuyện với Chúa nhờ lắng
nghe và đón nhận Lời Chúa[90].
-
Tập cho học viên giáo lý có được cảm thức thánh thiêng khi tham dự phụng vụ và
lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thống Hối và Thánh Thể[91].
-
Giúp học viên có được những thói quen đạo đức trong đời sống hằng ngày[92].
Hiệp
thông với Hội Thánh
55.
Việc dạy giáo lý phải là hoạt động của toàn thể cộng đoàn, được
diễn ra trong cộng đoàn và dẫn vào cộng đoàn, giúp học viên yêu mến, gắn bó và
tích cực tham gia vào sinh hoạt của cộng đoàn, nhờ đó, cả cộng đoàn được lớn
lên trong đức tin[93]:
-
Cả cộng đoàn phải tham gia vào việc học giáo lý, vì giáo lý không chỉ dành
riêng cho một giai đoạn nhưng cho cả hành trình cuộc sống, từ thiếu nhi, giới
trẻ đến người lớn, người già và cần phải quan tâm đến người có hoàn cảnh đặc biệt.
-
Cả cộng đoàn phải tham gia và cộng tác vào việc dạy giáo lý bằng tiếp đón, cầu
nguyện, gặp gỡ, nêu gương, đồng hành, tham gia các khóa đào tạo... vì huấn giáo
không chỉ là dạy và học mà còn giúp học viên giáo lý sống và lớn lên trong đức
tin.
Hiệp
thông với mọi người
56.
Việc dạy giáo lý phải vượt ra khỏi khuôn khổ của một “lớp học”,
vươn ra các vấn đề xã hội nhằm xây dựng thiện ích chung theo Tin Mừng[94].
Để thực hiện điều đó, giáo lý viên giúp học viên giáo lý:
-
Quan tâm nhiều hơn đến những chuyển biến của xã hội, biết đọc các dấu chỉ của
thời đại để khám phá ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa, lắng nghe lời
mời gọi của Ngài trong các hoàn cảnh khác nhau;
-
Có khả năng diễn tả niềm xác tín của mình khi học giáo lý, không chỉ bằng lời
nói mà còn bằng chứng tá về một cuộc sống tốt đẹp, cả về thể lý lẫn tinh thần,
nhờ sống theo các giá trị Tin Mừng;
-
Có khả năng đáp lại Lời mời gọi của Chúa ngay trong cuộc sống, bằng cách dấn
thân xây dựng và bảo vệ môi trường, quan tâm đến người nghèo, đối thoại với các
nền văn hóa, với các tôn giáo và với người vô thần, đồng thời hợp tác với mọi
thành phần trong xã hội phục vụ cho công ích và cho sự sống của con người.
Sự
hiệp thông truyền giáo
57.
Nếu việc dạy giáo lý dẫn đến hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội
Thánh và với mọi người, thì hoa trái của nó là truyền giáo, vì “hiệp thông và
truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến
độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo. Có thể
nói, tự bản chất, hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích
hiệp thông”[95].
II.
VỀ VIỆC ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN
Sự
cần thiết và tầm quan trọng
58.
Việc đào tạo giáo lý viên hết sức cần thiết và quan trọng, vì
phẩm chất của người dạy quan trọng hơn thủ bản và những công cụ làm việc khác.
Mục vụ giáo phận phải chú trọng đến việc đào tạo huấn giáo cho các linh mục
ngay trong chương trình học tại chủng viện cũng như trong các khóa thường huấn[96],
dành ưu tiên cho việc đào tạo giáo lý viên giáo dân, đặc biệt các giáo lý viên
để phục vụ người trưởng thành[97],
vì giáo lý cho người lớn là hình thức giáo lý ưu việt nhất[98].
Việc đào tạo này phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, toàn diện và chuyên biệt
để họ có thể bảo đảm chất lượng và hiệu quả cho việc dạy giáo lý[99],
đồng thời phải đào tạo thế nào để mỗi nơi, mỗi cấp bậc có một số giáo lý viên
chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của các mục tử và các tổ chức huấn giáo[100].
Mục
đích và bản chất
59.
Việc đào tạo có mục đích giúp giáo lý viên ý thức về ơn gọi
cao quý và chuyên biệt của mình trong Hội Thánh[101];
giúp họ hiểu biết các mầu nhiệm Kitô giáo, trở nên người môn đệ chân chính của
Chúa Giêsu và tham dự vào sứ mạng cứu rỗi của Ngài[102];
giúp họ có khả năng thông truyền sứ điệp Kitô giáo nhân danh Hội Thánh[103],
tức khả năng loan báo Chúa Giêsu và ý nghĩa quyết định của Ngài trong lịch sử cứu
độ, từ đó họ có thể giúp học viên giáo lý trở nên đồng hình đồng dạng và nên một
với Đức Kitô.
Tiêu chuẩn và chiều kích
60.
Các ứng viên được tuyển chọn vào trách nhiệm giảng dạy giáo
lý theo các tiêu chuẩn “đầy đủ, chính xác, thực tế và có thể kiểm chứng được”[104]
do các giám mục thẩm định và đề ra, theo nhu cầu và hoàn cảnh
của từng địa phương. Các ứng viên này phải được đào tạo để có một sự thống nhất
và hài hòa trong nhân cách, nghĩa là đạt đến sự thống nhất đời sống trên các
bình diện thiêng liêng, thế tục và tông đồ[105];
có một đức tin sâu sắc, gắn bó với Chúa Kitô và Hội Thánh, thấm nhuần văn hóa
Việt Nam và nhạy cảm với các vấn đề của xã hội đương thời[106].
61.
Các giáo lý viên cần được đào tạo để trở nên khí cụ của sự hiệp
thông qua việc đối thoại và hòa giải nhằm xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa,
trở nên thầy dạy, nhà giáo dục và chứng nhân[107]
trên ba bình diện “con người, sự hiểu biết và sự thành thạo”[108],
nghĩa là trước hết phải giáo lý viên phải là một người trưởng thành nhân bản, một
tín hữu sốt sắng và một tông đồ nhiệt thành; kế đến phải hiểu biết rõ sứ điệp
mình truyền đạt và con người đón nhận sứ điệp đó cũng như bối cảnh xã hội mà họ
đang sống; cuối cùng giáo lý viên phải thành thạo trong lãnh vực giáo dục con
người[109]. Điều này đòi hỏi chú trọng
đến việc đào tạo về Nhân bản, Đời sống thiêng liêng, Thánh Kinh và Thần học,
các khoa tâm lý, xã hội, giáo dục và truyền thông cũng như về sư phạm. Giáo lý
viên cần được đào tạo giữa lòng các cộng đoàn Kitô hữu[110],
trong các trường dành riêng cho giáo lý viên thông thường và các trường chuyên
môn dành cho những người có trách nhiệm cũng như các chuyên viên về huấn giáo[111].
III.
VỀ VIỆC SOẠN THẢO SÁCH GIÁO LÝ
Sự cần thiết và các đặc tính
62.
Soạn thảo sách giáo lý là một việc cần thiết để Tin Mừng có
thể được loan báo cho những học viên giáo lý khác biệt nhau về trình độ văn
hóa, tuổi tác, mức trưởng thành thiêng liêng, hoàn cảnh xã hội... Sách giáo lý
là công cụ cần thiết cho việc dạy giáo lý, phải bảo vệ tính thống nhất của đức
tin và sự trung thành với Giáo lý Công giáo, đồng thời phải quan tâm đến những
hoàn cảnh và các nền văn hóa khác nhau[112].
Sách giáo lý được giám mục giáo phận phê chuẩn là bản văn chính thức của Hội
Thánh, là tổng hợp căn bản trình bày các chân lý nền tảng của đức tin một cách
có hệ thống trong sự tôn trọng bậc thang các chân lý, và là điểm quy chiếu truyền
cảm hứng cho việc dạy giáo lý[113].
Sự thích nghi và sáng tạo
63.
Khi trình bày tổng hợp đức tin trong một hoàn cảnh cụ thể hoặc
theo một môi trường văn hóa, sách giáo lý có nhiệm vụ thích nghi để có thể truyền
đạt đức tin với những điểm nhấn đặc biệt và rõ rệt hơn, hoặc diễn tả các mầu
nhiệm đức tin cách độc đáo và gần gũi hơn với tâm thức của người Việt. Tuy
nhiên khi thi hành nhiệm vụ này, các sách giáo lý địa phương phải được sáng tạo
một cách đúng đắn nhờ quy chiếu vào Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Công
đồng Vaticanô II đã chỉ ra nguyên tắc phải theo khi thích nghi sứ điệp Kitô
giáo cho các lứa tuổi, hoàn cảnh và văn hóa khác nhau: “Hãy luôn tìm kiếm một
phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một
đàng là kho tàng đức tin của các chân lý, một đàng là phương thức diễn đạt kho
tàng đó, miễn sao giữ vững đúng ý nghĩa và nội dung”[114].
Sự hài hòa và thống nhất
64.
Sách giáo lý của Giáo Hội địa phương phải hài hòa và thống nhất
với Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, nhằm biểu lộ tính công giáo và sự hiệp
nhất trong đức tin của Hội Thánh. Sự hài hòa và thống nhất này còn diễn tả một
cách hiển nhiên tính hiệp đoàn của Hàng Giám mục và sự hiệp thông của các giám
mục với đấng kế vị thánh Phêrô trong trách nhiệm đối với việc dạy giáo lý. Nhờ
sự thống nhất sâu xa và sự đa dạng phong phú, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công
Giáo và sách giáo lý của mỗi Giáo Hội địa phương trở thành nắm men cho sự canh
tân việc dạy giáo lý trong Hội Thánh[115].
IV.
VỀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO LÝ
65.
Dạy giáo lý là một hoạt động thiết yếu trong đời sống của Hội
Thánh và được thực hiện từ cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, đến cấp giáo tỉnh,
quốc gia và toàn cầu. Vì thế, các hoạt động này phải được tổ chức có hệ thống
và thứ bậc, nhằm phục vụ cho sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Cấp giáo xứ
66.
Giáo xứ là cộng đoàn căn bản và có vai trò chính yếu trong việc
giáo dục đức tin cho các tín hữu, vì thế, trách nhiệm đầu tiên thuộc về linh mục
chánh xứ, ngài có nhiệm vụ chăm lo đời sống đức tin cho mọi thành phần trong
giáo xứ, từ trẻ em đến giới trẻ, từ người lớn đến người già và người tàn tật[116].
Để có thể thi hành tốt đẹp sứ vụ và trách nhiệm của mình, linh mục chánh xứ cần
“mời gọi sự cộng tác của các giáo sĩ, các phần tử của các hội dòng tận hiến
cũng như các tu đoàn tông đồ, các 31 giáo dân, nhất là các giáo lý viên”[117]
cùng chia sẻ trách nhiệm giảng dạy giáo lý. Ngoài ra, nhiệm vụ
này cũng đòi buộc ngài “phải cổ võ và thúc đẩy các bậc cha mẹ chu toàn bổn phận
dạy giáo lý trong gia đình”[118].
Cấp giáo hạt
67.
Ban Giáo lý cấp giáo hạt gồm một linh mục trưởng ban do các
linh mục trong giáo hạt đề cử. Các thành viên khác do linh mục trưởng ban chọn
lựa và được linh mục quản hạt phê duyệt. Ban Giáo lý cấp giáo hạt có nhiệm vụ nối
kết với Ban giáo lý cấp giáo phận; hỗ trợ và cổ võ các hoạt động giáo lý tại
các giáo xứ. Ban này lên kế hoạch hoạt động theo kế hoạch mục vụ do Ban giáo lý
cấp giáo phận đề ra, tham gia, đôn đốc và hỗ trợ tích cực các sinh hoạt thường
kỳ của giáo lý viên giáo phận, các hội nghị hoặc đại hội giáo lý hàng năm do
Ban Giáo lý cấp giáo phận tổ chức.
Cấp giáo phận
68.
Ban Giáo lý cấp giáo phận là thành phần không thể thiếu trong
hệ thống tổ chức mục vụ của giáo phận[119],
trong đó, Giám mục với tư cách là thầy dạy đức tin, chịu trách nhiệm điều hành
và hướng dẫn tất cả các hoạt động giáo lý của giáo phận[120].
Khi chăm lo hoạt động giáo lý trong giáo phận, Giám mục cần theo sự chỉ dẫn của
Toà Thánh, cụ thể, thiết đặt những “quy định về huấn giáo trong giáo phận, soạn
thảo sách giáo lý, cổ võ và phối hợp các chương trình giáo lý, dự liệu những
phương tiện thích hợp cho việc huấn giáo”[121],
quan tâm đến việc đào tạo các giáo lý viên nhằm giúp họ có thể thi hành trọn vẹn
nhiệm vụ của mình[122].
69.
Ban Giáo lý cấp giáo phận gồm có một linh mục trưởng ban do
Giám mục bổ nhiệm và các thành viên với những vai trò khác nhau do linh mục trưởng
ban đề cử và được Giám mục phê duyệt. Ban này có nhiệm vụ phân tích tình hình
giáo dục đức tin để xác định nhu cầu liên quan đến huấn giáo; soạn thảo một
chương trình hành động, ấn định rõ tầm nhìn, mục tiêu, phương hướng và hành động
cụ thể; khuyến khích và hỗ trợ công cuộc đào tạo giáo lý viên; soạn thảo sách
giáo lý và cung cấp cho giáo lý viên những phương tiện hỗ trợ cho việc dạy giáo
lý; cung cấp và cải thiện nguồn nhân lực và vật lực ở cấp giáo phận, giáo hạt
và giáo xứ; cộng tác với các ban mục vụ khác, cách riêng với Ban Phụng tự và
Truyền giáo. Để hoàn tất những công việc trên, cần có một văn phòng giáo lý do
một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân có khả năng chuyên môn đảm nhận[123].
Ban Giáo lý cấp giáo phận lên kế hoạch hoạt động theo kế hoạch mục vụ của giáo
phận mình, đồng thời liên kết chặt chẽ với đường hướng chung đã thống nhất
trong các Hội nghị và Đại hội Giáo lý Toàn quốc.
Cấp giáo tỉnh
70.
Các giáo phận trong cùng một giáo tỉnh nên kết hợp hoạt động,
góp chung kinh nghiệm và việc làm, khả năng và phương tiện, để những giáo phận
có nhiều khả năng hơn giúp đỡ các giáo phận khác và có thể soạn thảo một chương
trình hành động chung mang tính địa phương[124].
Ban Giáo lý cấp giáo tỉnh liên kết chặt chẽ với Ban Giáo lý toàn quốc để thống
nhất đường hướng sinh hoạt chung.
71.
Ban Giáo lý cấp giáo tỉnh gồm một trưởng ban, một phó ban và
một thư ký, ngoài ra còn có các thành viên là trưởng ban giáo lý của các giáo
phận trực thuộc giáo tỉnh và các chuyên viên được mời. Ban Giáo lý cấp giáo tỉnh
có trách nhiệm lên kế hoạch triển khai những quyết định chung của Ban Giáo lý
Toàn quốc theo tình hình địa phương, đồng thời hỗ trợ và liên đới với các giáo
phận trong giáo tỉnh. Ban Giáo lý cấp giáo tỉnh nên tổ 33 chức họp mỗi năm một
lần theo chương trình đề nghị của Ban Giáo lý Toàn quốc và nhu cầu của giáo tỉnh.
Cấp quốc gia
72.
Ban Giáo lý Toàn quốc được thiết lập để phối hợp và cổ võ hoạt
động giáo lý trong nước, nhằm hỗ trợ các giáo phận trong những công việc vượt
quá khả năng của giáo phận hay giáo tỉnh, như nghiên cứu và xuất bản những tài
liệu cấp quốc gia, tổ chức những hội nghị giáo lý toàn quốc, phổ biến những
thông tin và kế hoạch về giáo lý, phối hợp sinh hoạt và giúp đỡ các giáo phận
thiếu trang bị về hoạt động giáo lý[125].
73.
Ban Giáo lý Toàn quốc có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề
liên quan đến hoạt động Loan báo Tin Mừng và giáo lý, trong tương quan với sự
tiến triển của môi trường xã hội-văn hóa và Hội Thánh trong nước; soạn thảo
chương trình mục vụ giáo lý đáp ứng những đòi hỏi và nhu cầu của cộng đoàn Hội
Thánh; cổ võ việc thực hiện những dự án mục vụ đã soạn thảo qua việc cung cấp
những phương tiện và công cụ để hỗ trợ và định hướng; phối hợp hoạt động của
Văn phòng giáo lý các giáo tỉnh và các giáo phận cũng như những tổ chức và cơ
chế khác như học viện giáo lý, trung tâm huấn giáo cấp quốc gia; cổ võ và hỗ trợ
việc đào tạo giáo lý viên; biên tập, soạn thảo và xuất bản sách giáo lý và các
tài liệu liên quan đến hoạt động giáo lý theo sự ủy thác của Hội đồng Giám mục
thông qua Ủy ban Giáo lý Đức tin; phổ biến, theo dõi và đôn đốc thực hiện kế hoạch
mục vụ huấn giáo; nghiên cứu và thường xuyên đào sâu những vấn đề liên quan đến
hoạt động huấn giáo. Để đạt những mục đích trên, Văn phòng Giáo lý Toàn quốc phải
giữ mối dây liên lạc chặt chẽ với Ủy ban Giáo lý Đức tin cũng như với các văn
phòng và những phong trào, tổ chức cấp quốc gia trong lãnh vực giáo lý.
74.
Ban Giáo lý Toàn quốc gồm một trưởng ban, ba phó ban và một
thư ký do trưởng ban giáo lý các giáo phận đề cử và được Đức cha chủ tịch Ủy
ban Giáo lý Đức tin phê duyệt. Ban này họp mỗi năm một lần, để thảo luận những
vấn đề trong quyền hạn và khả năng của mình. Văn phòng giáo lý toàn quốc do thư
ký đảm nhận, có trách nhiệm giúp Ban Thường vụ: nối kết và hỗ trợ văn phòng
giáo lý các giáo phận; tổ chức đại hội thường kỳ 3 năm một lần cho trưởng ban
giáo lý của các giáo phận và những người cộng tác với họ nhằm chia sẻ, phổ biến
và đào sâu những vấn đề liên quan đến hoạt động huấn giáo; tổ chức hội nghị cấp
quốc gia giữa 2 lần đại hội cho trưởng ban giáo lý của các giáo phận, nhằm tổng
kết việc thực hiện những quyết định của lần đại hội trước và chuẩn bị cho lần đại
hội sau.
Phối hợp các hoạt động giáo lý
75.
Các hoạt động loan báo Tin Mừng nói chung và huấn giáo nói
riêng cần đến sự cộng tác tích cực của toàn thể cộng đoàn Dân Chúa[126].
Sự phối hợp này không chỉ là vấn đề thuần túy chiến lược để làm cho các hoạt động
được hiệu quả hơn, nhưng còn là vấn đề liên quan đến sứ vụ duy nhất và toàn vẹn
của Hội Thánh: duy nhất vì khởi đi và quy hướng về Đức Giêsu Kitô, toàn vẹn vì
bao gồm nhiều hoạt động từ loan báo Tin Mừng đầu tiên đến tăng trưởng đức tin
và đem Tin Mừng thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hoá[127].
Ngoài ra, cần có sự thống nhất đường lối, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa các
thành phần Dân Chúa: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, giữa các giáo phận,
các giáo xứ và các gia đình[128].
76.
Cần có sự phối hợp giữa những hình thức dạy giáo lý cho các lứa
tuổi và hoàn cảnh xã hội khác nhau, giữa việc dạy giáo lý với những hình thức
khác của tác vụ Lời Chúa và loan báo Tin Mừng, giữa sinh hoạt truyền giáo và
sinh hoạt dự tòng, giữa hoạt động giáo dục và loan báo Tin Mừng cho mọi đối tượng
nhất là ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ[129].
Kế hoạch giáo lý cấp giáo phận bao gồm những tiến trình dạy giáo lý khác nhau
dành cho những đối tượng thuộc các lứa tuổi khác nhau[130].
Để các tiến trình dạy giáo lý khác nhau này có được sự liên kết chặt chẽ với
nhau trong một kế hoạch giáo lý duy nhất, cần quan tâm đến việc dạy giáo lý cho
người trưởng thành đồng thời lấy nó làm trục chính[131].
KẾT LUẬN
77.
Những định hướng và chỉ dẫn nêu trên nhằm canh tân việc dạy
giáo lý để phục vụ hữu hiệu hơn cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.
Qua những định hướng và chỉ dẫn này, chúng tôi không những muốn làm sáng tỏ bản
chất của việc dạy giáo lý và nêu rõ những quy chuẩn hướng dẫn việc dạy giáo lý
cho hợp với tâm thức và nhu cầu của các tín hữu, mà còn muốn khuyến khích và
nuôi dưỡng niềm hy vọng nơi các mục tử cũng như các giáo lý viên, những người
đang dấn thân trực tiếp giúp các tín hữu tăng triển trong đức tin[132].
78.
Chúng tôi xác tín rằng việc dạy giáo lý hoàn toàn lệ thuộc
vào hành động của Thiên Chúa, Đấng hoạt động nhờ Thánh Thần của Ngài, đồng thời
hiệu quả của việc dạy giáo lý luôn là ân huệ của Thiên Chúa. Xác tín này giúp
giáo lý viên luôn kiên nhẫn trong việc dạy giáo lý, vì biết rằng hạt giống Lời
Chúa một khi được gieo vào tâm hồn vẫn nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái,
dù người gieo thức hay ngủ[133].
79.
Chúng ta cùng trao gửi ước nguyện của mình cho Á thánh Anrê
Phú Yên - quan thầy các giáo lý viên - người đã lấy tình yêu đáp lại tình yêu,
lấy sự sống đáp đền sự sống và đã trở thành chứng nhân anh dũng của đức tin.
80.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang, chúng ta nài xin Thiên
Chúa làm trổ sinh hoa trái từ những ý hướng tốt lành và củng cố nỗ lực canh tân
việc dạy giáo lý trong đức tin, đức cậy và đức mến, giúp Hội Thánh tại Việt Nam
trào dâng một sức mạnh mới, để không ngừng sinh ra những người con trong đức
tin và giáo dục họ đạt tới sự sung mãn trong Đức Kitô.
[1]HDTQ 282
[2] Hội Đồng Giám Mục
Việt Nam (HĐGMVN), Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng
Dân Chúa Việt Nam. Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, (11).
[3] HDTQ 282
[4] HĐGMVN, Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam. Niên Giám 2016, Hà Nội, Tôn giáo, 2016, 481.
[5] x.
http://kehoachviet.com/thap-dan-so-viet-nam-2016/.
http://kehoachviet.com/tinh-hinh-dan-viet-nam-2016/
[6] x.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/dan-so-viet-nam-cham-nguong-90-trieu-nguoi-1383667296.htm.
http://kehoachviet.com/tinh-hinh-dan-viet-nam-2016/.
[7] x.
http://www.baomoi.com/chenh-lech-ti-so-gioi-tinh-khi-sinh-ngay-cang-gia-tang/c/19966755.epi
[8] x.
http://www.baomoi.com/chenh-lech-ti-so-gioi-tinh-khi-sinh-ngay-cang-gia-tang/c/19966755.epi.
http://giaothongvantai.com.vn/chinhtri-xahoi/xa-hoi/201312/chenh-lech-gioi-tinh-o-viet-nam-tiep-tuc-tang-433236/
[9] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam. Cùng
nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, (4).
[10] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam. Cùng
nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, (6)
[11] x.
http://viettimes.net.vn/dan-so-viet-nam-uoc-tinh-927-trieu-nguoi-ty-le-that-nghiep-la-227-64198.html
[12] x. HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam. Cùng
nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, (45)
[13] Hiến
pháp nước
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, điều 4, x.
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/toan-van-hien-phap-nuoc-chxhcn-viet-nam-201311281149826.htm
[14] x.
http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?
topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT29121139510
[15] HĐGMVN, Thư nhận
định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 01/3/2013.
[16] . x. Báo cáo.
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015,
kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm
2016-2020. (Báo cáo của chính phủ do phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại
kỳ họp thứ 11, quốc hội khoá XIII, ngày 21 tháng 3 năm 2016): Những kết quả đạt
được về giáo dục-đào tạo: Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và
chất lượng được nâng lên. Đẩy mạnh dạy nghề, nhất là cho lao động nông thôn; tỉ
lệ lao động qua đào tạo đạt 51,6%. Những hạn chế, yếu kém chủ yếu: chất lượng
giáo dục, đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu lao động chất lượng cao. Đổi mới
giáo dục, đào tạo có mặt còn lúng túng, chưa gắn chặt chẽ với nhu cầu xã hội.
Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo khắc phục chậm.
x.
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Toan-van-Bao-cao-cua-Chinh-phu-tai-ky-hop-thu-11-Quoc-hoi-khoa-XIII/250204.vgp
[17] Sóc Vui Vẻ -
Nguyễn Đức Lập, Truyền thống dân tộc Việt Nam, x.
http://www.hdvietnam.de/web/?id=142
[18] Theo
thống kê
năm 2009, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc,
khoảng 5 triệu
tín đồ, 958 tổ chức, x. Lịch sử đạo Cao Đài,
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_%C4%91%E1%BA%A1o_Cao_%C4%90%C3%A0i
[19] Theo thống kê
năm 2009, có khoảng 1.433.252 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, số tín đồ đông thứ 4 tại
Việt Nam, x.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o_H%C3%B2a_H%E1%BA%A3o.
[20] Trong số hơn 90
triệu dân, có 85% nhận mình theo niềm tin Phật giáo (dù chỉ có 8% thực hành đạo
thường xuyên), 8% theo Kitô giáo mà đa số là Công Giáo (6.7%), ngoài ra còn có
các tín đồ của Islam (64.000):
chanlyislam.net/home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=191www.worldpopulationstatistics.com/vietnam-population-2013;
và cộng đồng tôn giáo Baha’i (7.400): Ban Tôn giáo Chính phủ: www.mattran.org.vn/Home/TapChi/so%2057/hdll.htm.
[21] HĐGMVN, Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2016, Hà Nội, Tôn giáo, 2016, 480-481.
[22] Nguyễn Hoàng,
8.000 lễ hội mỗi năm khiến người Việt tụt hậu, nguồn:
http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/8-000-le-hoi-moi-nam-khien-nguoi-viet-tut-hau-2952576.html
[23]
x. .
http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/49/van-hoc-va-van-hoa-tam-linh-nhung-bien-chuyen-xua--nay/122107.html
[24] x. HĐGMVN, Thư
Chung về giáo dục đức tin năm 2007. Giáo dục hôm nay, Xã hội và Hội Thánh ngày
mai, (17)
[25] Cha mẹ là những
nhà giáo dục đầu tiên về đức tin cho con cái mình, x. HDTQ 226-227
[26] Dạy giáo lý là
trách nhiệm của tất cả cộng đoàn, x. HDTQ 220-211.
[27] x. GM. Giuse
Nguyễn Năng, Tân Phúc-âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo trong lãnh vực
huấn giáo, Tham luận tại Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần IV, Huế, 2014.
[28] x. HĐGMVN, Thư
Chung gửi cộng đồng Dân Chúa 2007, Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội Và Giáo Hội Ngày Mai,
15; x. Sứ Điệp Của Thượng Hội Đồng Giám Mục Về Tân Phúc Âm Hóa Gởi Dân Chúa,
7-28/10/2012, Tý Linh chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, có tham khảo bản tiếng Anh,
https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2012/10/29/su-diep-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tan-phuc-am-hoa-goi-dan-chua/
[29] Ủy ban Giáo lý
Đức tin, Đại hội Giáo lý Toàn quốc 2014, Bản Ghi Nhớ, số 4 và 6
[30] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Việt Nam, Cùng
nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, 8.
[31] Đối thoại với
người nghèo bằng cách sống nghèo và ưu tiên chọn lựa người nghèo; đối thoại với
các nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo khác nhau bằng cách khám phá và
phát triển những hạt giống Tin Mừng trong các nền văn hóa và tôn giáo ấy; đối
thoại với người vô thần bằng cách coi trọng lý trí, tự do, hạnh phúc của con
người, hun đúc niềm hy vọng về một thế giới mới khởi đi từ việc chu toàn bổn phận
trần thế, x. HĐGMVN, Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 gửi toàn thể cộng đồng
Dân Chúa Việt Nam, Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, ss.
39, 40, 41, 42; x. Tông huấn Hội Thánh tại Á Châu, 29; x. CĐ Vaticanô II, Hiến
chế Vui mừng và Hy vọng Gaudium et Spes, 20, Bản dịch tiếng Việt của UBGLĐT
2012.
[32] Theo dã sử,
tháng 3 năm 1533, một người châu Âu tên là Inêkhê đến truyền giáo ở làng Ninh
Cường, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thủy, Nam Định (Bùi Chu), x.
Văn Phòng Tổng Thư Ký HĐGMVN, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên giám 2004, Nhà
xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2004, 204.
[33] x. Văn Phòng Tổng
Thư Ký HĐGMVN, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên giám 2004, Nhà xuất bản Tôn
giáo, Hà Nội, 2004, 204-225
[34] HĐGMVN, Thư
Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo
dân cả nước, 17: “Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành
của Thiên Chúa, đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt
Nam của chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ
đức tin và lòng yêu nước của mình”.
[35] . x. F.X. Nguyễn
Hai Tính S.J., “Sơ lược về cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, trong
Girolamo Maiorica S.J., Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, Nhóm dịch thuật Hán
Nôm Công Giáo Tổng Giáo Phận Tp.HCM, Lưu hành nội bộ, 2014. Tác phẩm Thiên Chúa
Thánh Giáo Khải Mông (TCTGKM) của linh mục Dòng Tên Girolamo Maiorica
(1591-1656) là cuốn giáo lý đầu tiên viết bằng văn Việt (dưới dạng chữ Nôm) được
soạn thảo dựa trên cuốn Giáo lý ngắn của Bêllarminô (Dottrina cristiana breve
1597): theo sát cấu trúc và hình thức (hỏi thưa); lấy ý từ Giáo lý công đồng
Trentô xuất bản năm 1566.
[36] x. Borgia Trần
Văn Khả, “Việc dạy giáo lý thời kỳ Cha Đắc Lộ”, trong Rực sáng một vì sao. Tìm
về chân dung Á thánh Anrê Phú Yên (1625-1644), Nxb Tôn Giáo, 2016, 82-91
[37] x. Quyên Di
(tuyển lọc tài liệu, hiệu đính và nhận định), Cha Đắc Lộ: mẫu gương truyền bá đức
tin với tinh thần sáng tạo và hội nhập văn hoá,
http://loanbaotinmung.net/noidung/417
[38] . x. Quyên Di
(tuyển lọc tài liệu, hiệu đính và nhận định), Cha Đắc Lộ: mẫu gương truyền bá đức
tin với tinh thần sáng tạo và hội nhập văn hoá,
http://loanbaotinmung.net/noidung/417
[39] x. Quyên Di
(tuyển lọc tài liệu, hiệu đính và nhận định), Cha Đắc Lộ: mẫu gương truyền bá đức
tin với tinh thần sáng tạo và hội nhập văn hoá,
http://loanbaotinmung.net/noidung/417
[40] Bộ Truyền giảng
Phúc Âm cho các Dân tộc gọi tắt là Bộ Truyền giáo (Congregatio pro Gentium
Evangelisatione) hướng dẫn và phối hợp các công cuộc truyền giáo của Công giáo
trên khắp thế giới, vận động sự hỗ trợ về tinh thần và tài chính cho hoạt động
truyền giáo.
[41] HĐGMVN, Thông
báo về việc tôn kính tổ tiên, Ban hành tại Đà Lạt, ngày 14 tháng 6 năm 1965, x.
Sacerdos-Linh Mục Nguyệt San, số 43, tháng 7-1965, trang 489-492
[42] F.X. Nguyễn Hai
Tính S.J., “Sơ lược về cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, trong Girolamo Maiorica
S.J., Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, Nhóm dịch thuật Hán Nôm Công Giáo Tổng
Giáo Phận Tp.HCM, Lưu hành nội bộ, 2014, tr. 344.
[43] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A9p_gi%E1%BA%A3ng_t%C3%A1m_ng%C3%A0y
[44] Trần Văn Toàn,
Bàn về thuyết “Tam Phụ” trong đạo Thiên Chúa: Một bước đi vào văn hóa Việt Nam,
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=97&ia=9178
[45] http://bangiaoly.net/tri-thuc/than-hoc/sach-giao-ly-tieng-viet-tu-1651-den-1991/
[46] Giáo phận Cần
Thơ, Ban mê thuột, Long Xuyên, Mỹ Tho, Vĩnh Long
[47] Những thuận lợi
và khó khăn trong việc hội nhập niềm tin Kitô giáo vào văn hóa VN: Về thuận lợi:
Người dân VN có sẵn một niềm tin vào Trời - cảm thức tôn giáo rất mạnh; Tin vào
sự thưởng phạt đời sau; Quý trọng các nhân đức, các tương quan xã hội. Về khó
khăn: Tôn giáo độc thần, ngược với bối cảnh đa nguyên về tôn giáo; Chống lại việc
đa thê (trong khi xã hội Nho giáo lại trọng nam khinh nữ, “nam năm thê bảy thiếp”);
Không tham gia các nghi lễ tế tự ở địa phương (vì chỉ thờ kính một Đức Chúa Trời);
Bài bác một số tục lệ về tang tế; Giáo dân trung thành với các thừa sai (xung
khắc với xã hội phong kiến tập quyền nơi mà quyền vua là tối thượng), x.
Antôn-Phaolô Trần Quốc Anh, SJ., Thuyết Tam Phụ và Đạo Hiếu: Một Nỗ Lực Hội Nhập
Thần Học Trong Nền Văn Hoá Nho Giáo Tại Việt Nam Thời Xưa,
http://dongten.net/noidung/37552
[48] Lm. Trần Anh
Dũng, Paris, Sử Lược Hội Thánh Công Giáo Việt Nam (1533-2000),
http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/LichSuGHCGVN.htm
[49] Thầy giảng Anrê
Phú yên tử đạo ngày 27-06-1644, được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong
lên hàng chân phước vào ngày 05-03 tại Quảng Trường Thánh Phêrô dịp Ðại Năm
Thánh 2000, x. Lm. Trần Anh Dũng, Paris, Sử Lược Hội Thánh Công Giáo Việt Nam
(1533-2000), http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GiaoHoiVN/LichSu/LichSuGHCGVN.htm
[50] Cha Martial
Jannin Phước, sau là Giám Mục Tiên Khởi Giáo Phận Kontum (23/06/1933 –
16/07/1940), x.
http://giaophankontum.com/Giao-Ly-9_%C3%90uc-Cha-Martial-Jannin-Phuoc-Giam-Muc-Tien-Khoi-Giao-Phan-Kontum.aspx.
„Công đầu trong việc thành lập trường này thuộc về Cha Martial Jannin Phước. Thật
vậy, mặc dù gặp nhiều chống đối, nhưng Cha Martial Jannin Phước vẫn quyết tâm
thực hiện chương trình của mình: ngài can đảm gánh vác công việc và lên chương
trình đào tạo Yao Phu một cách chính qui và có hiệu năng trong một môi trường
chuyên biệt. Đến năm 1905, ngài cho xúc tiến xây dựng Trường đào tạo các Yao
Phu và hoàn tất vào cuối năm 1907. Chính Ngài đã dám thực hiện mẫu người Yao
Phu theo cung cách huấn luyện Thầy Giảng ở Trung Châu. Ngài là linh hồn của
công trình trọng điểm này“, x.
http://giupkontum.org/vi-VN/chuyevuibuon/303-thietlaptongtoakontum
[51] x.
https://gpkontum.files.wordpress.com/2014/08/so-luoc-tieu-su-giao-phan-kontum2.pdf.
x. http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/giao-phan-kontum-mung-kinh-thanh-to-va-ngay-hoi-yao-phu-2015_a2251
[52] F.X. Nguyễn Hai
Tính S.J., “Sơ lược về cuốn Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, trong Girolamo
Maiorica S.J., Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông, Nhóm dịch thuật Hán Nôm Công
Giáo Tổng Giáo Phận Tp.HCM, Lưu hành nội bộ, 2014, 363.
[53] x. HDTQ 35
[54] x. HDTQ, 81.
[55] EN 14; HDTQ 46
[56] x. HDTQ 49
[57] x. HDTQ 59
[58] Thánh Cyrille
De Jerusalem: Catecheses illuminandorum I, 11: PG 33, 351-352
[59] x. HDTQ 64.
[60] x. HDTQ 36 và
42
[61] CT 27
[62] DV 9
[63] DV 9
[64] DV 10b
[65] DV 10c
[66] x. HDTQ 96
[67] HDTQ 80 và 82
[68] x. HDTQ 81
[69] x. HDTQ 82
[70] x. HDTQ 144
[71] x. HDTQ 84.
[72] x. HDTQ 288
[73] x. EN 75d
[74] HDTQ 288
[75] x. HDTQ
139-140.
[76] x. HDTQ 137; x.
Vâng phục trong đức tin, HDTQ 45 và 54
[77] x. HDTQ
141-144.
[78] x. HDTQ 145 và
149.
[79] x. HDTQ 111 và
112.
[80] x. HDTQ 149 và
152
[81] HDTQ 145 và
151.
[82] x. CĐ Vaticanô
2, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Ánh sáng muôn dân Lumen Gentium 1, Bản dịch tiếng
Việt của UBGLĐT 2012
[83] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 13.
[84] . HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 10
[85] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 16.
[86] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 39.
[87] HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 11.
[88] x. HDTQ 81
[89] . x. Ủy ban
Giáo lý đức tin (UBGLĐT), Đại hội Giáo lý Toàn quốc Việt Nam 2014, Bản Ghi Nhớ
2
[90] x. UBGLĐT, Đại
hội Giáo lý Toàn quốc Việt Nam 2014, Bản Ghi Nhớ 4.
[91] x. UBGLĐT, Đại hội
Giáo lý Toàn quốc Việt Nam 2014, Bản Ghi Nhớ 6.
[92]
Id
[93] x. UBGLĐT, Đại
hội Giáo lý Toàn quốc Việt Nam 2014, Bản Ghi Nhớ 7.
[94] x. UBGLĐT, Đại
hội Giáo lý Toàn quốc Việt Nam 2014, Bản Ghi Nhớ 6
[95] Gioan-Phaolô
II, Tông huấn Kitô-Hữu Giáo Dân (Christifideles laici) Về Ơn Gọi Và Sứ Mạng Của
Giáo Dân Trong Giáo Hội Và Thế Giới, 30/12/1988, 32.
[96] x. HDTQ 234
[97] x. HDTQ 234.
[98] x. HDTQ 59
[99] x. HDTQ 219.
234. 156
[100]
x. HDTQ
233-234.
[101]
x. HDTQ
221.
[102] x. HDTQ 235; DGC
(1971) 111.
[103]
x. HDTQ
236
[104]
Bộ Rao giảng
Phúc Âm cho các Dân tộc, Chỉ dẫn dành cho Giáo lý viên, 1992, 18.
[105]
x. HDTQ
235-236
[106]
x. HDTQ
237
[107]
x. HDTQ
237.
[108]
x. HDTQ
238
[109]
x. HDTQ
238-239.
[110]
x. HDTQ
240-247.
[111]
x. HDTQ
248-251
[112]
x. HDTQ
131
[113]
x. HDTQ
131-132.
[114]
x. HDTQ
133-135; CĐ Vaticanô 2, Hiến chế Mục vụ Vui mừng và hy vọng Gaudium et Spes
62b, Bản dịch tiếng Việt của UBGLĐT 2012
[115]
x. HDTQ
136
[116]
Giáo Luật,
điều 777, Bộ Giáo Luật 1983, Bản dịch năm 2006 của HĐGMVN,
http://giaoluatconggiao.com/download/Tai-lieu/BO-GIAO-LUAT-1983-Ban-dich-HDGMVN-2006.html.
[117]
Giáo Luật,
điều 776, Bộ Giáo Luật 1983, Bản dịch năm 2006 của HĐGMVN,
http://giaoluatconggiao.com/download/Tai-lieu/BO-GIAO-LUAT-1983-Ban-dich-HDGMVN-2006.html.
[118]
Giáo Luật,
điều 776, Bộ Giáo Luật 1983, Bản dịch năm 2006 của HĐGMVN,
http://giaoluatconggiao.com/download/Tai-lieu/BO-GIAO-LUAT-1983-Ban-dich-HDGMVN-2006.html
[119]
x. HDTQ
267
[120]
x. HDTQ
265.
[121]
Giáo Luật,
điều 775 §1, Bộ Giáo Luật 1983, Bản dịch năm 2006 của HĐGMVN,
http://giaoluatconggiao.com/download/Tai-lieu/BO-GIAO-LUAT-1983-Ban-dich-HDGMVN-2006.html
[122]
Giáo Luật,
điều 780, Bộ Giáo Luật 1983, Bản dịch năm 2006 của HĐGMVN,
http://giaoluatconggiao.com/download/Tai-lieu/BO-GIAO-LUAT-1983-Ban-dich-HDGMVN-2006.html.
[123]
x. HDTQ
267
[124]
x. HDTQ
268.
[125]
x. HDTQ
269
[126]
. “...
Trong Hội Thánh, ta không thể phó mặc mọi điều trên cho may rủi hay ứng biến bừa
bãi. Chúng đòi một cam kết chung đối với một phương án mục vụ có thể gợi lên điều
chủ chốt nghĩa là đặt trọng tâm vào Đấng chủ chốt, tức Chúa Giêsu Kitô”, Bài diễn
văn ngày 14/10/2012 của Đức Phanxicô với Hội nghị Toàn thể của Hội đồng Giáo
Hoàng về việc cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa, Bản dịch tiếng Việt của Vũ Văn An,
http://vietcatholic.com/News/Html/117622.htm.
[127]
x. HDTQ
272.
[128]
x.
UBGLĐT, Đại hội Giáo lý Toàn quốc Việt Nam 2014, Bản Ghi Nhớ, số 7.
[129]
x. HDTQ
273
[130]
x. HDTQ
274
[131]
x. HDTQ
275
[132]
x. HDTQ
286-287
[133]
x. HDTQ
288-289
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét