Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

TRUYỀN THỐNG DẠY GIÁO LÝ CỦA TIỀN NHÂN


Michel Nguyễn Hạnh

Việc dạy giáo lý của tiền nhân bắt đầu từ truyền khẩu đến chép tay (năm 1621 có “cuốn giáo lý bằng tiếng Đàng Trong” chép tay, nhưng nay đã thất truyền) và cuối cùng là những bản in và khắc in. Ngoại trừ quyển giáo lý Phép giảng tám ngày, các sách giáo lý có truyền tử (imprimatur) từ xưa đến nay đều có bốn mục chính TIN – GIỮ – CHỊU  – XIN và hầu hết được trình bày theo dạng Hỏi-Thưa – cách thế mang tính hộ giáo, phù hợp với hoàn cảnh xưa
và cả ngày nay. Vì bài viết này đặt trọng tâm về truyền thống dạy giáo lý của tiền nhân nên sẽ dựa vào những bản giáo lý đã phát hành trên 50 năm, cũng là mượn ý của Khổng Tử: “lục thập nhi nhĩ thuận” 六十而耳順 (Luận Ngữ) – Những bộ sách giáo lý đã trải qua hơn 60 năm[1] thì nghe đã quen lắm vì có nhiều đóng góp trong công cuộc truyền giáo trên đất Việt mến  yêu.
TỪ NHỮNG DÒNG LỊCH SỬ…
Duarte Coelho Pereira (1485- 7/8/1554) – quý tộc người Bồ Đào Nha, quản lý thuộc địa Bồ Đào Nha ở Barzil – đã đến Đại Việt vào năm 1524 (thời Lê sơ) nhưng gặp lúc Nhà Mạc đang dấy binh để chiếm quyền hành nên phải rút lui để lại một Thánh Giá ở Cù Lao Chàm có khắc chữ INRI, số MDXXIII (1523) và tên của ông.
Năm 1533, lần đầu tiên sử Việt đề cập đến các vị thừa sai. Trong Khâm Định Việt Sử (XXXIII, tờ 6a và 6b) có ghi: “Theo sách Dã Lục (sách của tư gia trong dân), thì vào tháng 3 năm Nguyên Hòa nguyên niên (1533) đời Lê Trang Tông, có dương nhân tên Y-nê-xu (Ignatio) lén lút đến làng Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và làng Trà Lũ huyện Giao Thủy (nay thuộc tỉnh Nam Định), ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”[2]. Y-nê-xu hay I-nhi-khu có lẽ vị này người Bồ Đào Nha, nhưng không rõ là giáo sĩ triều hay thuộc dòng Đaminh hoặc Phanxicô.
Vào năm 1550, Tin Mừng chính thức được loan báo ở Đại Việt. Giáo sĩ Gaspar de (Santa) Cruz (OP) (1520-5/2/1570), người bồ Đào Nha, từ Malacca đã đến Cần Cảo, Hà Tiên giảng đạo[3].
Năm 1558, Malacca[4] có giám mục tiên khởi Georgio de Santa Lucia (OP), người Bồ Đào Nha. Đại Việt được phân chia thuộc ranh giới của địa phận này.
Năm 1573, cụ Đỗ Hưng Viễn, làng Bồng Trung, Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) là người Việt đầu tiên được nhận Phép Rửa Tội nhân một chuyến đi sứ đến Macao thời vua Lê Anh Tông (1556 - 1573)[5].
Từ năm 1542-1592, Đại Việt bị chia đôi – Nam-Bắc triều: Bắc triều (nhà Mạc) và Nam triều (nhà Lê). Năm 1573 Trịnh Tùng giết vua Lê Anh Tông, vài tuần sau đưa Lê Huy Đàm lên ngôi lúc mới 6 tuổi, gọi là Lê Thế Tông (1573-1599). Thời kỳ vua Lê-chúa Trịnh bắt đầu từ đây. Khi nhà vua còn bé, Công chúa Ngọc Hoa – chị cả của vua – làm nhiếp chính. Năm 1588, Công chúa mời các vị thừa sai từ Macao đến Đại Việt. Lúc ấy hai giáo sĩ triều là Alfonso de Costa và João da Sá (Bồ) đã đến rao giảng tại Thanh Hóa. Sau này có thêm giáo sĩ Pedro Ordonez de Cevallos gặp bão đã tạt vào cửa Lạch Trường (Thanh Hóa). Công chúa Ngọc Hoa có tiếp xúc với giáo sĩ Ordonez và xin học đạo, nhận Phép Rửa Tội ngày 22/5/1591. Công chúa đã chuyển cung của mình thành Đan Viện.[6]
Khi giáo sĩ Ordonez xuôi thuyền phía Nam để về nước, có ghé vào cửa biển Thuận An gặp tiên vương Nguyễn Hoàng. Giáo sĩ Ordonez đã Rửa Tội cho tiên vương Nguyễn Hoàng và những binh lính của ông vào ngày 17/9/1591. Từ đây, việc truyền giáo đã có những tia sáng mới…
Năm 1592, Trịnh Tùng chiếm lại Thăng Long, đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng rồi điều hành mọi việc trong nước. Năm 1593, Trịnh Tùng triệu Nguyễn Hoàng ra Bắc với lý do để cùng đánh tàn dư họ Mạc còn sót ở Bắc bộ. Nguyễn Hoàng đem quân ra Bắc, phá tan quân Mạc ở Hà Trung và Sơn Nam. Nguyễn Hoàng đóng quân ở Sơn Nam được 8 năm thì tìm cách thoát về Nam (1600).
Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, tức là Sãi vương (hay chúa Sãi). Năm 1627, lấy cớ Nguyễn Phúc Nguyên bỏ không nộp thuế cho vua Lê, chúa Trịnh lúc đó là Trịnh Tráng liền khởi binh vào Nam. Cảnh Nam-Bắc phân tranh diễn ra qua nhiều cuộc chiến lớn (1627, 1633, 1643, 1648, 1655-1660, 1661-1662, 1672) kéo dài trong 46 năm. Sau cùng nhà Trịnh và nhà Nguyễn đã đi đến thỏa thuận chia đôi Đại Việt thành Đàng Ngoài và Đàng Trong, lấy Linh Giang (sông Gianh) làm ranh giới.
Trong bối cảnh đó, các vị thừa sai đã gặp nhiều khó khăn trong việc truyền giáo cho người Việt vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Từ năm 1615, các giáo sĩ Dòng Tên dùng tiếng Việt để trình bày những khái niệm công giáo mới và dùng phong tục văn hóa, tín ngưỡng dân gian và tôn giáo bản địa để truyền giáo, khởi đầu từ tầng lớp trên của xã hội và lan tỏa đến tầng lớp bình dân.


BƯỚC ĐẦU DẠY GIÁO LÝ
Cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, ở Trung Hoa lưu hành hai cuốn sách bằng chữ Hán: 天主實錄 (tiān zhǔ shí lù) Thiên chủ thực lục (sách viết về Thiên Chúa – Giáo lý), năm 1584, của Michele Ruggieri (Minh Kiên) và 天主實義 (tiān zhǔ shí yì) Thiên chủ thực nghĩa (phép tắc của Thiên Chúa – Giáo luật), năm 1603, của Matteo Ricci (Mã Lợi Đậu). Tại Việt Nam lúc bấy giờ cũng sử dụng hai cuốn sách ấy[7]. Việc học giáo lý bằng chữ Hán (chữ Nho) quả là rất khó đối với đa số người Việt. Ví dụ theo Thánh Giáo Kinh Nguyện, “những tối ngắm sách về sự thương khó Đức Chúa Giê-su thì đọc kinh cầu chịu nạn, thay kinh cầu Đức Bà. Còn tối nào lần hạt chung cho kẻ qua đời thì phải đọc Kinh Cầu chữ Nho”. Nhưng hỏi mấy người đọc mà hiểu được nghĩa của Kinh Cầu (Chữ) (經求(𡦂):
“Thiên Chủ căng lân thần đẳng. 天主矜憐臣等 (Thiên Chúa, Đấng xót thương)
Ki-ri-xi-tô căng lân thần đẳng. 疎基移吹蘇矜憐臣等 (Đức Kitô, Đấng xót thương)
Thiên Chủ căng lân thần đẳng. 天主矜憐臣等 (Thiên Chúa, Đấng xót thương)
Ki-ri-xi-tô phủ thông thần đẳng. 疎基移吹蘇俯聰臣等俯聰 (phủ: lời người dưới; thông: Tai nghe sáng suốt)
Ki-ri-xi-tô thùy doãn thần đẳng. 疎基移吹蘇垂允臣等 (thùy: đoái thương; doãn: thuận ý)
Tại thiên Thiên Chủ phụ giả. 在天天主父者 (tại: nơi; Thiên Chủ phụ: Đức Chúa Cha; giả: trợ từ đệm cuối câu)
Căng lân thần đẳng. 疎矜憐臣等 (Đấng xót thương)
Thục thế Thiên Chủ tử giả. 贖世天主子者 (Đức Chúa Con cứu chuộc thế gian)
Thánh Thần Thiên Chủ giả. 聖神天主者 (Đức Chúa Thánh Thần)
Tam Vị Nhất Thể Thiên Chủ giả. 叁位壹體天主者 (Một Thiên Chúa Ba Ngôi)
Thánh Ma-ri-a. 聖瑪移亞
Thưa: Vị thần đẳng cầu. 疎爲臣等求 (Đấng nâng đỡ, cầu (cho chúng con))
Thiên Chủ Thánh Mẫu. 天主聖母 (Đức Mẹ Thiên Chúa)
Đồng thân chi Thánh đồng thân giả. 童身之聖童身者 (đồng trinh thực đồng trinh)
Ki-ri-xi-tô chi Mẫu. 基移吹蘇之母 (Mẹ Đức Kitô)
Thiên Chủ sủng ái chi Mẫu. 天主寵愛之母 (Mẹ được Thiên Chúa yêu thương)
Chí khiết chi Mẫu. 至潔之母 (Mẹ thật thanh khiết)
Chí trinh chi Mẫu. 至潔貞之母 (Mẹ thật kiên trinh)
Vô tổn giả Mẫu. 無損者母 (Không gì tổn hại đến Mẹ)
Vô điếm giả Mẫu. 無損坫者母 (Không bệ nào xứng với Mẹ)
Khả ái giả Mẫu. 可愛者母 (Mẹ thật khả ái)
Khả kỳ giả Mẫu. 可奇者母 (Mẹ thật lạ kỳ)
Thiện dụ chi Mẫu. 善諭之母 (Mẹ bảo điều lành)
Tạo vật chi Mẫu. 造物之母 (Mẹ của các loài)
Cứu thế chi Mẫu. 救世之母 (Mẹ của Đấng Cứu Thế)…
          …”
Vì vậy, để việc dạy giáo lý và Kinh Thánh ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài được dễ dàng, các vị thừa sai lúc ấy đã dùng những bản văn viết vội bằng chữ Nôm hay quốc ngữ. Vì thế, quyển sách giáo lý dành cho người Việt là một việc rất cần thiết. Năm 1621 có “cuốn giáo lý bằng tiếng Đàng Trong” được sử dụng trong việc truyền giáo.[8] Nhưng thật tiếc, cho đến nay chưa ai tìm ra dấu vết của sách ấy.
THIÊN CHÚA THÁNH GIÁO KHẢI MÔNG
SÁCH GIÁO LÝ ĐẦU TIÊN BẰNG TIẾNG VIỆT
(CHỮ NÔM)
Theo lệnh Đức Thánh Cha, Thánh Hồng Y ROBERTO Bellamino S.J. (1542-1621) soạn cuốn Controversiae (Các cuộc tranh luận), gồm những điều phi bác những luận cứ của Giáo Phái Tin Lành đi ngược với Giáo Lý Công Giáo Rôma.
Công Đồng Trento vừa mới kết thúc không lâu trước đó và đối với Giáo Hội Công Giáo cần phải chấn hưng và xác nhận lại căn tính của chính mình, cả đối với cuộc Canh Tân Tin Lành. Công việc của Cha Bellarmino được đặt vào trong bối cảnh đó. Từ năm 1588 đến năm 1594 Bellamino là Cha linh hướng cho các sinh viên Học Viện Rôma, giữa các sinh viên đó Cha có dịp tiếp xúc và hướng dẫn Thánh Luigi Gonzaga, và kế đến Cha trở thành Cha Bề Trên của tu viện. Đức Giáo Hoàng Clemente VIII bổ nhiệm Cha là nhà thần học tư vấn của Tòa Thánh và Viện Trưởng của Ủy Ban Cáo Giải Điện Chính Tòa Thánh Phêrô, truyền cho Cha biên soạn cuốn sách mang tính hộ giáo. Sau hai năm 1597-1598, cuốn Dottrina cristiana breveToát yếu Đạo lý Kitô giáo của Cha Bellarmino ra đời và được nhiều người biết đến. Ngày 3 tháng 3 năm 1599, Cha Bellarmino được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII phong chức Hồng Y ngày 18 tháng 3 năm 1602, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục ở Capua. Bellarmino được phong chức Giám Mục ngày 21 tháng 4 cùng năm. Đức Hồng Y Roberto Bellarmino mất ở Rôma ngày 17 tháng 9 năm 1621. Đức Thánh Cha Pio XI phong chân phước cho ngài năm 1923, phong thánh năm 1930 và tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Giáo Hội năm 1931.[9]
Năm 1623, Cha JERONlMO MAΪORICA (1591-1656) được phái sang Việt Nam và ngài liền bắt tay vào công trình biên soạn cuốn Dottrina cristiana breve sang tiếng Việt ở dạng thức chữ Nôm, với tên tác phẩm là天主聖教啟蒙Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (TCTGKM) – sách ra đời vào khoảng đầu thập niên 30 của thế kỷ XVII. Ngài đã thêm bớt một số chi tiết cho hợp với tâm lý người Việt: một số truyện, một số tư tưởng của “sách nọ sách kia” giúp người Việt Nam dễ tiếp thu lẽ đạo, và sống lời Chúa truyền lại sâu sắc hơn. Tuy nhiên, những câu chuyện của Cha kể lại xảy ra ở vùng trời nước Ý xa xôi, không phù hợp với tâm lý và văn hóa Đại Việt.
Sách dựa trên bốn chủ đề lớn của truyền thống Giáo Lý Công Giáo[10]: Tin (kinh Tin Kính), Chịu (Sacramento), Xin (kinh Tại Thiên và kinh Ave), Giữ (Mười sự răn). Tuy nhiên, phần Chịu (Sacramento) chỉ được nhắc đến ở đoạn thứ nhất và đoạn thứ ba (bảy Sa-ca-ra-men-tô), không có nội dung riêng. Ở đầu mỗi đoạn có phần trình bày khái quát về nội dung dưới dạng giải thích thuật ngữ, giải thích câu hỏi. Ngoài ra còn nói đến ảnh hưởng của nội dung đoạn đó trong đời sống Đức Tin. Sau đó là phần hỏi thưa mang tính hộ giáo. Sách TCTGKM được viết ở dạng hỏi thưa, hai trang đầu tiên viết như Bài Tựa: lai lịch và nội dung cuốn sách được trình bày. Nội dung sách chia làm 6 đoạn:
1. Đoạn thứ nhất: giảng khải mông là đí gì và có mấy phần. Mở đầu của đoạn thứ nhất tóm lược bốn nội dung truyền thống (bốn mối) của Giáo lý Công giáo về giáo dục Đức Tin: Tin, Chịu, Giữ, Xin. Nội dung gồm các câu Hỏi-Thưa và phần thí dụ:
H: Lời ấy có về mấy mối? Th: Về có bốn mối. Một là kinh Tin Kính, hai là kinh Tại Thiên, ba là Mười sự răn, bốn là Bảy Sa- ca--ra-men-tô.
H: Nhân sao có bốn mối mà thôi? Th: Bấy nhiêu sự Đức Chúa Giê-su truyền về bốn mối, vì giúp ba đức cái, là tin và cậy cùng mến, vì kinh Tôi Tin Kính giúp sự tin, vì dạy ta phải tin. Kinh Tại Thiên giúp sự cậy vì dạy ta sự phải xin. Mười sự răn giúp sự mến, vì dạy ta phải giữ sự gì cho đẹp lòng Đức Chúa Trời. Còn các Sa-ca-ra-men-tô chẳng khác gì giống mà gìn giữ sự tin sự cậy cùng sự mến cho bền.
2. Đoạn thứ hai: giảng sự dấu Câu-rút. Việc Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi qua dấu Câu-rút và cách làm dấu cùng kinh nguyện gắn liền với sự làm dấu. Nội dung gồm các câu Hỏi-Thưa và phần thí dụ:
H: Đức Chúa Trời có tính Ba Ngôi là làm sao? Th: Sự ấy cao lẽ lắm. Có bao giờ giảng sự phải tin, sẽ giảng sự ấy ít nhiều. Bây giờ giảng vậy, mặc sức trí suy được. Vậy phải biết mọi sự trên trời dưới đất, trước chẳng có, sau thì mới có. Lại phải biết có một sự hằng có liên, chẳng có bởi vật nào mà ra, cùng chẳng có khi nào hết, hay là chết. Một sự ấy sẽ nên mọi sự khác ta xem thấy hay là xem chẳng thấy, lại gìn giữ cùng trị mọi sự ấy, nhất sang trọng tốt lành vô cùng, có phép tắc chẳng hay hết. Sự ấy ta gọi là Dêu, nước này gọi Thiên Chúa. Lời ấy cũng là một chẳng có nhiều, vì chưng vốn tin Đức Chúa Trời là trọn lành gồm lại mọi sự lành. Nếu mà có nhiều Chúa, thì sự lành chia ra cùng Chúa Trời khác, vậy thì Chúa Trời chẳng có trọn lành, vì thiếu phần riêng ở Chúa khác. Vậy Chúa Trời thật có một mà thôi, chẳng có nhiều. Song le tính trọng vô cùng làm vậy ở Ba Ngôi gọi là Cha, Con, Phi-ri-tô San-tô và Ba Ngôi ấy là một Chúa Trời mà thôi, vì Ba Ngôi có một tính, một ý, một phép. Thí dụ dưới thế gian này có ba người, một là Phê-rô, hai là Bảo-lộc, ba là Giu-ong, mà ba người ấy có một linh hồn cùng một xác, dù mà ba ngôi vì Phê-rô khác, Bảo-lộc khác ngôi, Giu-ong cũng khác ngôi, thì chẳng khá rằng ba người vì có một xác cùng một linh hồn. Sự này chẳng có ở loài khác, vì quá sức mọi loài là thấp hèn, chẳng thông được tính mình cùng nhiều ngôi. Có một Đức Chúa Trời bởi chẳng cùng, thì trót Đức Chúa Cha ở cùng Chúa Con và Chúa Phi-ri-tô San-tô. Vậy phải Ba Ngôi vì một là Cha, hai là Con, ba là Phi-ri-tô San-tô, khác ngôi mà bởi chẳng có khác tính, thì chẳng phải ba Chúa Trời đâu.
H: Bây giờ xin giảng cho tôi sự về Đức Chúa Trời làm người. Th: Thì phải biết, Ngôi Thứ Hai gọi là Con, có hai tính, một là tính thiêng liêng trọng vô cùng, hằng có vậy, lại Ngôi Con lấy tính người là linh hồn cùng xác trong lòng người nữ đồng trinh rất sạch sẽ. Vì vậy Ngôi Con, xưa là Chúa Trời thật mà thôi, từ ấy cho đến sau làm người thật ở dưới thế gian ba mươi ba năm, đoạn truyền sự về rỗi linh hồn cùng làm nhiều phép lạ, thì để cho kẻ gian bắt mình đóng đinh trên cây Câu-rút, và chịu chết có ý đền tội thiên hạ. Ngày thứ ba sống lại khỏi bốn mươi ngày lên trời. Sự ấy sẽ giảng sau này.
3. Đoạn thứ ba: giảng mười hai điều phải tin. (Tin: Kinh Tin Kính) Giảng giải về kinh Tin Kính với mười hai điều phải tin. Nội dung gồm các câu Hỏi-Thưa và phần thí dụ:
H: Tôi tin kính Dêu là đí gì? Th: Nghĩa điều ấy là con mắt thịt xem chẳng thấy, thì phải tin có Dêu, lại phải tin có một Dêu, chẳng phải nhiều. Khi kia rằng: Dêu, chớ nghi là Đức Chúa Dêu giống sự gì có xác, vì chưng Chúa Dêu là một sự thiêng liêng, hằng có-mà chẳng có khi hết, dựng nên cùng bao phủ trên trời, thông biết và hay mọi sự. Dù mà ta tưởng sự gì, muôn vàn sự tốt lành thay, thì cũng phải rằng: Chúa Dêu chẳng phải như bấy nhiêu vật ấy, vì trọng hơn nữa muôn vàn trùng, đời đời suy chẳng đến là trọng thể nào.
H: Nhân sao rằng Dêu Cha? Th: Gọi là Cha vì là Cha thật Con trọng vô cùng, như sau này sẽ nói; cùng gọi là Cha vì là Cha mày (cha nuôi, từ cổ) những kẻ giữ đạo nên. Sau hết là Cha muôn vật vì lấy phép mà dựng nên mọi sự.
H: Nhân sao rằng hay trọn? Th: Có nhiều lẽ mà khen Đức Chúa Trời như sáng láng tốt lành, bao phủ vô cùng, cùng nhiều lẽ khác. Song le nói đây sự hay trọn, là phép vô cùng cho ta dễ tin khi Đức Chúa Trời hóa nên trời đất, lấy sự chẳng có mà làm cho có. Kẻ tin Đức Chúa Trời có phép trọn thì cũng tin chẳng có mắc sự gì mà làm được mọi sự. Ví bằng có ai rằng: Đức Chúa Trời chẳng được chết cùng chẳng được làm sự lỗi…
H: Xin giảng cho tôi phần thứ hai, là tôi tin một Con Chúa Dêu là Chúa Giê-su là đí gì? Th: Nghĩa điều ấy là Đức Chúa Trời có một Con thật, tên là Giô-suê. Song le kẻo kẻ u mê nghe tiếng con, nghĩ là cha con như người ta thế gian, thì phải xem thí dụ gương. Vì chưng như kẻ soi gương, liền dựng nên một ánh bóng giống mặt mình, chẳng những giống hình tượng cũng giống mọi sự khác; như kẻ soi gương, có động thì bóng trong gương cũng động. Lại bóng ấy bởi mắt ta mà ra, chẳng có khó mà nên, cùng chẳng có lâu mà ra. Xem thấy mình trong gương liền có bóng ấy. Ấy vậy cũng phải tin Đức Chúa Cha lấy trí mà soi trong tính mình như trong gương vậy, liền sinh nên một bóng giống mình. Sau nữa bởi Đức Chúa Trời cho bóng ấy tính mình, là sự ta làm chẳng được. Khi soi gương thì bóng ấy là Con Đức Chúa Trời thật, vì sự ấy Con Đức Chúa Dêu cũng là Dêu như Đức Chúa Cha, vì cũng một hình thể như Cha. Lại Con cực trọng ấy hằng có vậy, chẳng kém Đức Chúa Cha vì bởi Đức Chúa Cha hằng soi mình, thì hằng có sinh ra con làm vậy. Chớ nghi là con thiêng liêng ấy bởi lòng người nữ mà ra, hay là có giống sự gì hèn như các người thế gian làm chi. Vì chưng như đã rằng: Khi trước Đức Chúa Con bởi Đức Chúa Cha soi tính mình liền ra mà thôi.
H: Gọi Con Đức Chúa Trời là Giê-su Ki-ri-xi-tô làm chi? Th: Nghĩa tên Giê-su là cứu thế, Ki-ri-xi-tô là chức, có hai nghĩa, một là thầy cả trên hết thầy, hai là vua trên hết các vua, vì chưng bởi Con Đức Chúa Trời xuống thế làm người, có ý lấy máu mình chuộc tội ta, cùng đem lên thiên đàng, thì lấy tên cứu thế ấy. Lại Đức Chúa Cha phong chức cho là thầy trên hết thầy, cùng vua trên [hết] là Ki-ri-xi-tô. Vì sự ấy những kẻ theo Người gọi là Ki-ri-xi-tông (Kitô hữu).
H: Nhân sao rằng Chúa Giê-su là Chúa chúng tôi? Th: Vì chưng Đức Chúa Con cùng dựng nên ta cùng Đức Chúa Cha, vì sự ấy là Cha cùng Chúa ta. Sau nữa vì lấy máu mình mà chuộc ta, (thì) cho được khỏi làm tôi quỷ, thì gọi là Chúa. Khi trước giảng sự Câu-rút; lẽ thì truyền cho tôi phép nào lạ về sự Ba Ngôi, song le bây giờ cũng nên.
Có nhiều truyện nói đến sự lạ, Đức Chúa Trời làm cho thiên hạ tin về Ba Ngôi cực trọng.
4. Đoạn thứ bốn: giảng lời nguyện Đức Chúa Giê-su truyền (Xin: kinh Tại Thiên - Lạy Cha). Nội dung gồm các câu Hỏi-Thưa và phần thí dụ:
H: Lời trước hết là: Cha chúng tôi ở trên trời là đí gì? Th: Lời ấy như tựa, hay là lời dọn mà nguyện, vì gọi Đức Chúa Trời là Cha thì cậy trông mà xin sự ta dùng. Khi rằng ở trên trời, thì nhớ kính vì chẳng phải cha dưới đất, là Cha trên trời trọng vô cùng. Sau nữa vì bởi là Cha ta thì cho mọi sự con xin. Lại rằng: Trên trời, có ý cho ta được biết Đức Chúa Trời có phép làm được mọi sự. Sau hết, nói làm vậy cho ta nhớ còn ở thế gian như khách đi đường, trong kẻ nghịch, sự ấy xin Đức Chúa Trời phù hộ cho ta lắm.
H: Sao rằng Cha chúng tôi mà chẳng rằng Cha tôi? Th: Nói làm vậy cho ta được biết, các bổn đạo phải yêu nhau như anh em con cái một nhà vậy. Sau nữa cho được hay nguyện [chung] có ích hơn nguyện riêng.
H: Sao rằng ở trên trời chẳng có khắp mọi nơi ru? Th: Rằng ở trên trời vì là nơi trọng hơn, và trên trời xem được phép cùng sáng láng Đức Chúa Trời hơn nơi khác.
H: Danh Cha cả sáng là đí gì? Th: Danh chẳng phải tên, nghĩa là tiếng, như ta rằng: Nhà có tiếng lớn, ấy là có nhiều người biết. Ấy vậy, xin Danh Đức Chúa Trời cả sáng là xin cho thiên hạ biết Đức Chúa Trời mà thờ phượng; bởi dưới thế gian có nhiểu kẻ chẳng thờ Chúa sinh nên muôn vật, cho nên lại dể cùng bỏ vì chẳng biết, cùng kẻ biết chẳng kính nên, thì kẻ làm con thật muốn cho thiên hạ biết nghĩa Đức Chúa Cha cho nên, và kính trên hết mọi sự.
H: Hỏi hằng ngày dùng đủ là đí gì? Th: Lời ấy trước xin của nuôi linh hồn, sau mới xin của nuôi xác. Của về linh hồn là cực trọng Cô-mô-nhông (Comunhão), hay nuôi sống linh hồn là ga-ra-sa cùng là lời trong Kinh Thánh xin là nghe giảng. Sau hết xin sự Đức Chúa Trời soi trong linh hồn, vì bấy nhiêu sự nuôi ga-ra-sa làm cho linh hồn sống, của về xác là mọi sự ta dùng cho sống mà làm việc lành.
H: Nhân sao dùng đủ? Th: Vì chẳng cho ta xin sự thừa, và nhiều quá lẽ. Một cho xin sự đủ nuôi linh hồn và xác. Sau nữa cho biết ta là khách dưới thế gian. Ấy vậy phải xin ít mà chớ.
H: Sao rằng rầy? Th: Ý điều ấy là trọn đời, vì xin nuôi chúng tôi liên, cho đến khỏi thế gian mà về quê là thiên đàng vì khi chẳng còn dùng Cô-mô-nhong cùng nghe giảng hay là dùng của ăn về xác. Cùng có ý rầy là chẳng lo sự mai, vì đến mai chẳng có biết sống hay là chết, vì sự ấy chẳng cho lo sự sau quá lẽ.
H: Mà tha nợ chúng tôi là đí gì? Th: Khi trước xin sự lành chẳng có cùng, và sự lành có cùng. Bây giờ ba điều sau xin khỏi ba giống sự dữ, một là đã qua, hai là còn bấy bây giờ, ba là sự chưa đến. Điều trước xin khỏi tội là sự dữ đã qua.
H: Nhân sao tội gọi là nợ? Th: Có ba lẽ: Thứ nhất hễ là ai phạm tội thì làm lỗi cùng Đức Chúa Trời, vì sự ấy có nợ cùng bề trên, phải đền vì tội ấy. Thứ hai gọi là nợ vì kẻ giữ đạo đáng Đức Chúa Trời thưởng. Kẻ phạm tội đáng phạt; vì sự ấy, có nợ là đáng chịu phạt. Thứ ba, vì hễ là ai ở thế gian như kẻ làm vườn nhà kia mà phải trả trái vườn ấy. Vậy linh hồn ta là vườn Đức Chúa Trời để cho ta xem sóc, thì ta có nợ cùng chủ vườn mà phải làm sự lành. Bởi chẳng trả nên, thì xin tha nợ ấy.
5. Đoạn thứ năm: giảng kinh A-ve (Xin: Kinh Kính Mừng), nội dung gồm các câu Hỏi-Thưa và phần thí dụ:
H: Nhân sao rằng: A-ve Ma-ri-a? Th: Lấy lời ấy là chào Người, mà lấy lời An-giô Ga-bi-ri-e khi đi thăm Người, và rầy Đức Bà nghe lời ấy thì mừng lắm, vì nhờ tin rất lành Thánh An-giô xưa đem cho mình, và muốn cho ta trả nghĩa vì ơn trọng ấy Đức Chúa Trời xuống cho thiên hạ.
H: Đầy ga-ra-sa là đí gì? Th: Ga-ra-sa làm cho linh hồn được ba sự này. Thứ nhất ghét tội đi, là sự dơ dáy ở linh hồn. Thứ hai làm cho nên tốt. Thứ ba là cho sức làm được việc lành đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ấy vậy Đức Bà đầy ga- ra-sa vì chẳng hề có tội gì, dù mà tội A-dong để truyền cho người ta cùng tội mình làm thì chẳng hề có phạm sốt: Cùng đầy ga-ra-sa, vì được phúc đức khác cao lắm. Sau hết vì được phần thưởng trọng, cho nên ngự trên hết thần thánh.
H: Chúa Dêu ở cùng Bà là đí gì? Th: Điều ấy là Đức Chúa Trời ở cùng Người, từ linh hồn Người ở trong lòng mẹ cho đến trọn đời, mà phù hộ Người liên, vì sự ấy chẳng cho phạm tội gì, dù mà lòng lo miệng nói cùng việc làm. Mà Đức Chúa Trời chẳng những ở cùng Người vì cho làm trọn tốt, lại ngự ở linh hồn Người có ý giữ sự trọng ấy đã cho.
H: Nữ trung Bà có phúc lạ là đí gì? Th: Lời này là lời khen Đức Bà vì chẳng những có mọi sự lành về người đồng trinh, thì cũng có mọi sự lành về các người nữ nữa. Kẻ có chồng mà có con thì có lộc, sự ấy Đức Bà cũng được vì sinh đẻ một con trọng hơn trăm nghìn con nhà khác. Ví bằng rằng: Người có muôn vàn con kể chẳng xiết thì cũng phải, vì chưng các bổn đạo giữ nết thì nên con Đức Chúa Giê-su cùng là con Đức Mẹ. Chẳng phải con mày, vì Đức Bà có một con thật là Đức Chúa Giê-su. Song le kẻ khác cùng là con vì yêu dấu như con vậy. Vì sự ấy rằng: Nữ trung bà có phúc lạ thì phải, vì các người chẳng có đồng trinh nữ khác xa lắm, mà kẻ đồng trinh thì chẳng có con, kẻ có con chẳng có đồng trinh. Có một Đức Bà hợp lại hai sự ấy làm một và làm mẹ và còn đồng trinh với.
H: Bà thai tử Giê-su là đí gì? Th: Lời này khen Đức Bà chẳng những vì sự ở Người, cùng khen vì trái bởi cây ấy mà ra, vì sự tốt trái cùng về cây, thì con trọng cùng làm cho mẹ nên trọng nữa. Bởi Đức Chúa Giê-su chẳng những là người và là trọng nhất các người, lại là Chúa Trời trọng trên hết mọi sự, thì Đức Mẹ Người chẳng những có phúc trong các người nữ, lại có phúc trên hết vật dưới thế cùng trên trời nữa.
H: Xin giảng sự sau trong kinh A-ve. Th: Lời sau I-ghê-rê-gia nói là lời nhất khen Đức Bà thì gọi Người là Mẹ Đức Chúa Trời, mà bởi có phép xin sự gì được sự ấy, thì xin cầu cho chúng tôi vì là kẻ có tội, lại xin phù hộ khi còn sống và khi rình qua đời, vì khi ấy ta dùng sức Người chữa lấy ta hơn nữa.
6. Đoạn thứ sáu: giảng Mười sự răn (Giữ: Mười Điều Răn), nội dung gồm các câu Hỏi-Thưa và phần thí dụ:
H: Nhân sao trong mọi phép thiên hạ, đạo này có Mười sự răn thì trọng hơn mọi phép? Th: Có nhiều lẽ. Thứ nhất vì phép này Đức Chúa Trời truyền, mà trước soi trong lòng người ta mới thích hai bia là đá. Thứ hai vì phép này là phép trước hết như mạch mọi phép khác. Thứ ba vì là phép chung hơn mọi phép mọi vua mọi nước. Vì chẳng những dạy kẻ có đạo giữ đạo cùng dạy Giu-dêu và kẻ chẳng có đạo, nam nữ giàu khó, vua cùng dân, kẻ hay chữ, kẻ dốt cũng phải giữ hết. Thứ bốn vì là phép chẳng có ai cất được. Thứ năm vì phải giữ phép ấy cho được lên trời như Đức Chúa Giê-su dạy. Thứ sáu là phép trọng vì khi rao trước hết thì các Thiên Thần thổi loa có sấm sét xuống và uy nghi lắm, trước mặt các Giu-dêu.
H: Khi chưa có giảng mười sự ấy thì tôi muốn biết ý tắt vậy. Th: Các điều răn ấy có một là kính mến Đức Chúa Trời và yêu người ta. Vì sự ấy thích hai là đá, bia trước có ba điều về Đức Chúa Trời, bia sau có bảy điều về người ta, và là đá ấy có chữ bằng nhau.
H: Nhân sao có ba điều trước? Th: Vì dạy lấy lòng cùng lưỡi và việc làm mà kính mến Đức Chúa Trời.
H: Nhân sao bảy điều về người ta? Th: Vì một điều dạy làm lành cho người ta, sáu điều thì dạy chớ làm hại về mình, và sự tốt tiếng và sự của, chớ lấy việc dữ hay là lời nói hay là lòng mà làm hại. Lời Đức Chúa Trời phán rằng: Này Tao là Chúa Dêu mày đã cho mày khỏi làm tôi nước I-chi-tô. Thứ nhất chớ lấy sự khác mà thờ trước mặt Tao, cùng làm hình tượng mà thờ nó. Thứ hai chớ lấy tên Đức Chúa Trời mà thề dối. Thứ ba giữ ngày lễ lạy. Thứ bốn thảo kính cha mẹ cho được sống lâu. Thứ năm chớ giết người. Thứ sáu chớ làm tà dâm. Thứ bảy chớ ăn trộm cướp. Thứ tám chớ nói chứng dối. Thứ chín chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười chớ tham của người.


Nhận định sự đóng góp của TCTGKM:
1. Về mặt ngôn ngữ:
1.1. Chữ Nôm là dạng chữ biểu ý nên thừa hưởng nét độc đáo của chữ Hán về mặt chiết tự và được người xưa phát triển theo hướng tích cực trong việc truyền giáo. Chẳng hạn chiết tự trong sách TCTGKM:
“Cha chúng tôi ở trên trời là đí gì”? Trời 𡗶 được tạo bởi chữ thiên (bầu trời) và thượng (thiên đế), đó là bầu trời – nơi ở của thiên đế, đấng có phép làm mọi sự.
“Chúa Trời có phép làm được mọi sự”. Trời 𡗶 được tạo bởi chữ thiên (chúa tể muôn loài muôn vật) và thượng (thiên đế), đó là chủ tể. Từ “thiên” và “thượng” có gần một ý là cách dùng từ nhấn mạnh hoặc chỉ riêng về một ai, một vấn đề nào đó.
Như vậy, văn hóa Việt vốn coi trọng ơn nghĩa, trong đó việc thờ Trời cũng là cách tỏ lòng biết ơn của con người. Vì vậy, khi dùng từ “Chúa Trời", cha  Maïorica đã làm cho người Việt đón nhận giáo lý Công giáo một cách tự nhiên. Từ đây, chỉ có người Việt mới gọi Đức Chúa là Chúa Trời hay Thiên Chúa. Có ý cho rằng người Việt dùng từ Thiên Chúa là cách Nôm hóa từ Thiên Chủ của Trung Hoa mà thôi (khi truyền giáo ở Trung Hoa, cha cha Matteo Ricci dịch từ Deus là Thiên Chủ). Nếu dừng lại ở đó thì đúng vậy, nhưng từ Chúa Trời của người Việt lại có ý rõ hơn, với “Trời” 𡗶 được tạo bởi chữ thiên (chúa tể muôn loài muôn vật) và thượng (thiên đế), đó là chủ tể.
1.2. Ngôn từ Công giáo: Những từ Công giáo được ghi lại trong sách TCTGKM vẫn được dùng cho đến ngày nay, như: cả sáng, chịu chức, chịu nạn, chịu sự khó bằng lòng, công nghiệp Đức Chúa Giêsu, dùng đủ, đền cùng chuộc tội, hằng sống, khiêm nhường chịu luỵ, làm dấu, lên thiên đàng, Rất Thánh Đức Bà, rỗi linh hồn, rối đạo, rửa tội, sinh thì, sự thương khó Đức Chúa Giêsu, thầy cả, “tin, cậy, mến”, tin kính, trị đến, v.v.
1.3. Phiên âm tên riêng: tiếng Việt thuộc dạng tượng thanh, mượn từ biểu ý của Hán tự để tạo ra chữ Nôm. Do vậy trong TCTGKM, Cha Maïorica dùng hai cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng:
– Cách thứ nhất: phiên âm sang tiếng Hoa (bính âm). Sau đó dùng cách đọc Hán Việt để tạo ra từ. Td: Jordan (sông) được phiên bính âm là zhū róng. Cách viết theo Hán là 珠容, đọc âm Hán Việt là (sông) Châu Dong. Td: Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô lấy hình bồ câu khi Đức Chúa Giê-su ở sông Châu Dong”.
– Cách thứ hai: phiên âm tiếng nước ngoài theo âm tiếng Việt, sau đó dùng chữ Nôm để ghi lại. Td1: từ Maria được phiên âm thành ba âm tiết là Ma-ri-a, viết theo chữ Nôm là 瑪栘阿. Trong khi ấy, từ Maria người Hoa phiên âm là瑪利亞,đọc theo Hán Việt là Mã Lợi Á. ‖ Td2: từ Iesus được phiên âm thành hai âm tiết là Giê-su, viết theo chữ Nôm là 枝秋. Trong khi ấy, từ Iesus người Hoa phiên âm là耶穌,đọc theo Hán Việt là Da-tô hay Gia-tô.

2. Về việc đạo đức
TCTGKM nói về việc “có đạo” thì phải “thuộc lòng sự các bổn đạo nguyện”, tức các kinh như kinh Tại Thiên, Ave cùng kinh Tín Đức Yếu Đoạn (Kinh Lạy Cha, Kính Mừng cùng Kinh Tin Kính). Thói quen đạo đức này vẫn còn được giữ và phổ biến cho tới ngày nay. Thường ở các giáo xứ, khi người dự tòng học giáo lý phải thuộc những kinh căn bản.
TCTGKM nói về việc làm dấu Câu-rút: “Ngôi cực trọng, vì công nghiệp Đức Chúa Giê-su đã chịu nạn vì tội thiên hạ. Vì sự ấy, kẻ giữ đạo thì làm dấu trên mình, khi sớm mai trỗi dậy, khi bởi nhà mà ra, khi ăn cơm, khi đi nằm, khi dọn nguyện và toan làm mọi việc khác. Sau hết làm dấu có ý cho khỏi mọi chước quỷ, vì nó thấy dấu này thì dái sợ, chẳng khác gì kẻ có lỗi mà thấy quan cầm roi nó thì hãi, cho nên khi làm dấu mà cậy lòng lành Đức Chúa Trời và công nghiệp Đức Chúa Giê-su xưa chịu chết trên cây Câu-rút, thì ta thường khỏi nhiều sự khó về xác và linh hồn”. Ngày  nay,  trong  các  gia  đình  Công  Giáo,  cha  mẹ  vẫn  dạy  con  nhỏ  làm  dấu Thánh Giá như thế này, đúng theo những điều Cha Jeronimo Maÿorica mô tả và truyền dạy.
3. Về việc tín lý
TCTGKM dạy: H: Đức Chúa Trời có tính Ba Ngôi là làm sao? Th: Sự ấy cao lẽ lắm... Song le tính trọng vô cùng làm vậy ở Ba Ngôi gọi là Cha, Con, Phi-ri-tô San-tô và Ba Ngôi ấy là một Chúa Trời mà thôi, vì Ba Ngôi có một tính, một ý, một phép. Ngày nay, công thức về Ba Ngôi với các khái niệm “ngôi”, “tính”, “ý”, “phép” vẫn còn được dạy trong các sách giáo lý.
TCTGKM dạy: “Ngôi Thứ Hai gọi là Con, có hai tính, một là tính thiêng liêng trọng vô cùng, hằng có vậy, lại Ngôi Con lấy tính người là linh hồn cùng xác trong lòng người nữ đồng trinh rất sạch sẽ. Vì vậy Ngôi Con, xưa là Chúa Trời thật mà thôi, từ ấy cho đến sau làm người thật ở dưới thế gian ba mươi ba năm, đoạn truyền sự về rỗi linh hồn cùng làm nhiều phép lạ, thì để cho kẻ gian bắt mình đóng đinh trên cây Câu-rút, và chịu chết có ý đền tội thiên hạ. Ngày thứ ba sống lại khỏi bốn mươi ngày lên trời…”. Ngày nay, công thức về Ngôi Hai có hai bản tính, chịu tử nạn và phục sinh vẫn được giảng dạy như thế.
4. Về sư phạm giáo lý
TCTGKM dùng phương pháp Hỏi-Thưa mang tính minh giáo để giải thích và hướng dẫn giáo dân cách sống đạo – phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chẳng hạn, Cha Jeronimo Maÿorica dùng phương pháp Hỏi-Thưa để giảng kinh A-ve (kinh Kính Mừng):
H: Nhân sao nguyện Tại Thiên trước, mới nguyện A-ve sau? Th: Vì chẳng có thánh nào cầu cùng Đức Chúa Giê-su cho ta bằng Mẹ Người. Ấy vậy nguyện Tại Thiên, đoạn xin cùng Đức Mẹ cho được sự đã xin, như dưới thế gian khi dộng (tâu) Chúa sự gì, lại xin quan nào gần Chúa giúp ta cho được sự đã dộng.
H: Ai làm nên kinh A-ve? Th: Đức Chúa Trời làm nên. Song le khiến Đức Thánh Ga-bi-ri-a cùng bà Thánh I-sa-ve và I-ghê-rê-gia truyền cho ta, vì chưng lời trước cho đến rằng: Bà có phúc lạ, là lời Đức Chúa Trời truyền cho Thánh Ga--bi-ri-e đi sứ cùng Đức Bà. Lời sau cho đến San-ta Ma-ri-a là lời bà Thánh I-sa-ve khi đầy phép Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô truyền; lời khác I-ghê-rê-gia thêm mà Đức Chúa Trời soi cho. Ấy vậy Tại Thiên trước, A-ve sau là lời trọng hơn.
H: Nhân sao rằng: A-ve Ma-ri-a? Th: Lấy lời ấy là chào Người, mà lấy lời An-giô Ga-bi-ri-e khi đi thăm Người, và rầy Đức Bà nghe lời ấy thì mừng lắm, vì nhờ tin rất lành Thánh An-giô xưa đem cho mình, và muốn cho ta trả nghĩa vì ơn trọng ấy Đức Chúa Trời xuống cho thiên hạ.
H: Đầy ga-ra-sa là đí gì? Th: Ga-ra-sa làm cho linh hồn được ba sự này. Thứ nhất ghét tội đi, là sự dơ dáy ở linh hồn. Thứ hai làm cho nên tốt. Thứ ba là cho sức làm được việc lành đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ấy vậy Đức Bà đầy ga- ra-sa vì chẳng hề có tội gì, dù mà tội A-dong để truyền cho người ta cùng tội mình làm thì chẳng hề có phạm sốt: Cùng đầy ga-ra-sa, vì được phúc đức khác cao lắm. Sau hết vì được phần thưởng trọng, cho nên ngự trên hết thần thánh.
H: Cùng có thánh khác đầy ga-ra-sa, như ông Thánh Tê-vọng cùng thánh khác, nếu làm vậy Đức Bà chẳng có hơn các Thánh ru? Th: Dù mà có thánh đầy ga-ra-sa thì Đức Bà cũng đầy hơn. Thí dụ: Có nhiều vò, có cái nhỏ, cái lớn và đầy nước hết. Cái lớn thì có nước hơn, vì rộng hơn, thì các Thánh sánh cùng Đức Bà như giống bé sánh cùng giống lớn. Mà Người được sự ấy, vì Đức Chúa Trời cho lên chức cao hơn các Thánh, là nên Mẹ Chúa muôn vật. Ấy vậy chức Người trọng hơn các con Đúc Chúa Trời sinh ra, thì ga-ra-sa cùng trọng hơn nữa.
H: Chúa Dêu ở cùng Bà là đí gì? Th: Điều ấy là Đức Chúa Trời ở cùng Người, từ linh hồn Người ở trong lòng mẹ cho đến trọn đời, mà phù hộ Người liên, vì sự ấy chẳng cho phạm tội gì, dù mà lòng lo miệng nói cùng việc làm. Mà Đức Chúa Trời chẳng những ở cùng Người vì cho làm trọn tốt, lại ngự ở linh hồn Người có ý giữ sự trọng ấy đã cho.
H: Nữ trung Bà có phúc lạ là đí gì? Th: Lời này là lời khen Đức Bà vì chẳng những có mọi sự lành về người đồng trinh, thì cũng có mọi sự lành về các người nữ nữa. Kẻ có chồng mà có con thì có lộc, sự ấy Đức Bà cũng được vì sinh đẻ một con trọng hơn trăm nghìn con nhà khác. Ví bằng rằng: Người có muôn vàn con kể chẳng xiết thì cũng phải, vì chưng các bổn đạo giữ nết thì nên con Đức Chúa Giê-su cùng là con Đức Mẹ. Chẳng phải con mày, vì Đức Bà có một con thật là Đức Chúa Giê-su. Song le kẻ khác cùng là con vì yêu dấu như con vậy. Vì sự ấy rằng: Nữ trung bà có phúc lạ thì phải, vì các người chẳng có đồng trinh nữ khác xa lắm, mà kẻ đồng trinh thì chẳng có con, kẻ có con chẳng có đồng trinh. Có một Đức Bà hợp lại hai sự ấy làm một và làm mẹ và còn đồng trinh với.
H: Bà thai tử Giê-su là đí gì? Th: Lời này khen Đức Bà chẳng những vì sự ở Người, cùng khen vì trái bởi cây ấy mà ra, vì sự tốt trái cùng về cây, thì con trọng cùng làm cho mẹ nên trọng nữa. Bởi Đức Chúa Giê-su chẳng những là người và là trọng nhất các người, lại là Chúa Trời trọng trên hết mọi sự, thì Đức Mẹ Người chẳng những có phúc trong các người nữ, lại có phúc trên hết vật dưới thế cùng trên trời nữa.
H: Xin giảng sự sau trong kinh A-ve. Th: Lời sau I-ghê-rê-gia nói là lời nhất khen Đức Bà thì gọi Người là Mẹ Đức Chúa Trời, mà bởi có phép xin sự gì được sự ấy, thì xin cầu cho chúng tôi vì là kẻ có tội, lại xin phù hộ khi còn sống và khi rình qua đời, vì khi ấy ta dùng sức Người chữa lấy ta hơn nữa.
H: Nhân sao đánh chuông nguyện A-ve một ngày ba lần, sớm mai và nửa ngày, cùng ban hôm? Th: Đánh chuông cho ta được biết, dùng phép Đức Chúa Trời cùng các Thánh phù hộ, vì ta ở trong kẻ nghịch và thấy và xem chẳng thấy. Sau nữa phải nguyện liên chẳng những khi mới làm việc và nửa mùa, lại khi làm việc đoạn cùng phải nguyện nữa. Cùng có ý khác, đánh chuông ba lần cho ta nhớ ba sự trọng, Một là Đức Chúa Giê-su ra đời, hai chuộc tội, ba là sống lại, Vì sự ấy, sớm chào Đức Bà mà nhớ đến khi Con Người sống lại, chào nửa ngày, nhớ khi Con Người chuộc tội, chào ban hôm là khi Mẹ chịu thai.
H: Lời này có đẹp lòng Đức Bà hơn các lời nguyện khác chăng? Th: xưa bà Thánh Ti-đê khi xem lễ mà thầy cả chào Đức Bà thì người cũng muốn chào Đức Bà lắm, liền rằng: Chớ gì tôi biết lời gì trọng mà kính Chúa tôi. Bấy giờ linh hồn người như bỏ xác vậy, liền thấy Đức Bà có kinh A-ve chép bên ngực Người những chữ vàng, liền phán rằng: Con tôi, xưa nay chẳng có ai chào Mẹ mà đẹp lòng hơn khi nguyện A-ve, vì xưa Đức Chúa Cha lấy lời ấy mà cho phép cả, cho nên chẳng hề có phạm tội gì. Đức Chúa Con cho sáng láng, cho nên Mẹ chẳng khác gì ngôi sao soi cho thiên hạ. Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô cho Mẹ đầy ga-ra-sa và cho những kẻ, cậy Mẹ được sự ấy nữa, vì vậy rằng: Đầy ga-ra-sa. Khi rằng Chúa Dêu ở cùng Bà, thì làm cho nó nhớ khi Con Đức Chúa Trời ra đời làm người ở trong thai Mẹ. Khi rằng: Nữ trung thì các vật xem Mẹ có phúc hơn các vật Đức Chúa Trời dựng nên. Khi rằng: Gồm phúc lạ thì khen Con Mẹ làm phúc cho thiên hạ. Người phán điều ấy, thì bà Thánh ấy chẳng thấy nữa. Có truyện khác về A-ve thì phải xem sách phép lạ Đức Bà, trong sách ấy cùng nhiều truyện về Thân Mẫu Phúc, cùng sự Rô-sa-ri-ô và Cô-rô-na Đức Bà nữa.
TCTGKM dùng phương pháp Kể Chuyện với cách quy nạp. Dùng một câu chuyện cụ thể để trình bày chủ đề giáo lý. Từ thời Chúa Giêsu đi ra giảng cho đến ngày nay, phương pháp Kể Chuyện luôn là cách thức tốt giúp truyền tải giáo lý qua trí tưởng tượng và khả năng tư duy của người nghe. Chẳng hạn, Cha Jeronimo Maÿorica dùng phương pháp Kể Chuyện để giảng mở rộng sự răn thứ nhất trong Mười Sự Răn (Mười Điều Răn):
H: Nhân sao vẽ Đức Chúa Cha như ông già, vẽ Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô như chim bồ câu, và các Thiên Thần như trai có cánh, mà Đức Chúa Trời cùng các Thiên. Thần chẳng có xác hình tượng mà vẽ được? Th: Khi ta vẽ làm vậy, chẳng có vẽ sự tính thật Đức Chúa Trời hay là Thiên Thần, vì chẳng có tính nào con mắt ta xem thấy được, một vẽ hình xưa Đức Chúa Trời cùng các Thiên Thần lấy mà hiện cùng người ta thế gian, như Đức Chúa Cha lấy hình già mà hiện cùng ông Thánh Đa-ni-e, Đức Chúa Phi-ri-tô San-tô lấy hình bồ câu khi Đức Chúa Giê-su ở sông Châu Dong (Jordan) các Thiên Thần vẽ như người trai vì có nhiều lần lấy hình ấy. Sau nữa vẽ như còn trẻ vì hằng tốt lành cùng có phép liên. Vẽ cánh vì Đức Chúa Trời sai đi đâu thì vâng lời chóng lắm như bay vậy. Vẽ mặc áo trắng vì hằng sạch sẽ chẳng có tội gì. Bây giờ, nói đây một hai truyện về sự kính Đức Chúa Trời cùng sự vẽ ảnh. Trong kinh gương truyện rằng: Xưa có một người nữ sang trọng hay kính Đức Bà lắm, mà hằng xin cho được xem thấy con Người, là Đức Chúa Giê-su. Đến khi người ấy nên mười bốn tuổi, trước ngày lễ sinh nhật, thì Đức Bà bởi trời mà xuống sáng láng tốt lành và cho người ẵm Đức Chúa Giê-su có hình người trẻ. Bấy giờ Đức Chứa Giê-su hỏi nó rằng: Mày mến Tao chăng? Nó rằng: Tôi kính mến Chúa tôi. Lại hỏi mến bao nhiêu? Nó rằng: Bằng yêu xác tôi. Lại hỏi: Mày mến hơn xác mày chăng? Thì nó thưa rằng: Tôi kính Chúa tôi bằng lòng tôi. Đức Chúa Giê-su lại hỏi: Chẳng hơn lòng ru? Con ấy liền chảy nước mắt ra mà thưa rằng: Sự ấy trái tim tôi thưa mà chớ. Nói đoạn ngực cùng trái tim người mở ra và linh hồn ra khỏi xác. Đức Chúa Giê-su cùng Đức Mẹ đem lên trời, các [Thiên] Thần hát mừng chung quanh khéo lắm. Kẻ ở trong nhà nghe tiếng hát liền chạy đi xem, thì thấy con ấy đã chết, song le được sống ở trên trời, vì thấy trái tim có chữ vàng rằng: Kính mến Chúa tôi hơn mình tôi, vì dựng nên, có chuộc tội tôi. Trong sách thầy cả Sô-phô-ni-ô có truyện này về thờ ảnh. Xưa trên núi Ô-li-vê-tê có một thầy tu nhiều năm, thì quỷ cám dỗ thầy ấy làm tà dâm; mà bởi người cậy Đức Chúa Giê-su thì được nó liên. Có một lần quỷ xui lòng lắm, cho nên người ấy kêu rằng: Thôi thôi, mày xui lòng tao lâu năm làm gì. May tao đã già chẳng còn phải mày nữa. Bấy giờ quỷ hiện ra mà rằng: Mày thề giữ kín lời tao bảo bây giờ, thì tao sẽ thôi chẳng có xui lòng nữa. Đến khi người ấy đã thề thì quỷ rằng: Mày bỏ ảnh thờ ấy thì tao sẽ thôi. Ảnh ấy là hình Đức Bà ẵm Đức Chúa Giê-su. Bấy giờ thầy ấy rằng: Tao xin liệu sự ấy đã, sẽ thưa mày. Sớm mai đi tìm thầy khác mà hỏi cho biết lấy lời phải mà thưa cùng quỷ. Bấy giờ thầy ấy rằng: Quỷ dối thầy vì nó ép thề sự chẳng nên. Song le bởi thầy tỏ sự này thì ngoan. Vậy thầy rằng: Phạm tội ma quỷ giục lòng chẳng bằng tội là bỏ ảnh chẳng có thờ nữa. Vậy chớ nghe ma quỷ làm chi. Thầy ấy nghe sự làm vậy, dốc lòng thờ ảnh Đức Bà hơn khi trước, quỷ liền đến mà quở rằng: Ớ thằng già kia đã lỗi lời thề ru? Ngày phán xét sẽ cáo mày. Thầy ấy liền rằng: Tao đã thề lầm. Từ này về sau tao càng thờ ảnh Đức Chúa Giê-su cùng Đức Mẹ hơn nữa, mà chẳng nghe mày trọn đời. Quỷ nghe điều ấy liền đi chẳng còn bên thầy ấy nữa.


[1] Theo ngành Lịch sử văn hóa, một đời là 30 năm. Vậy 60 năm là hai đời, từ đời ông truyền đến đời cháu.
[2] Thời đó, đạo Khổng là chính đạo, các tôn giáo còn lại là dị đạo hay tả đạo.
[3] Lúc này Hà tiên còn thuộc Khmer. Thạch Bi do vua Lê Thánh Tông dựng ở Phú Yên là nơi phân định ranh giới. Xem thêm nguồn (Jesuits prepare to celebrate 400 years in Vietnam): http://en.gloria.tv/?media=554966
[4] Vương quốc Malacca được thành lập năm 1402, đến năm 1511 trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha.
[5] Việc này chỉ dựa trên gia phả nên vẫn chỉ là dã sử, chưa xem là chính sử được. Xem thêm PHẠM HỒNG LAM, Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Dũng Lạc.
[6] Xem thêm PHẠM HỒNG LAM, Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Dũng Lạc.
[7] x. Mission and Catechesis Alexandre de Rhodes, Peter Phan, 1998, tr. 54, 115, 117, 122, 188.
[8] Xem thêm nguồn: Về cách thức dạy dỗ những người giáo hữu đầu tiên – sách Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Phạm Hồng Lam. Dũng Lạc xuất bản.
[9] Tham khảo Lời mở đầu trong Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Nhóm Dịch Thuật Hán Nôm Công Giáo.
[10] Năm 430, thánh Augustinô viết sách giáo lý dự tòng (De catechizandis rudibus) gồm bốn phần: đạo nghĩa tóm lại nơi kinh Tin Kính (Tin); phụng vụ và việc cử hành (Chịu); hoán cải và thực hiện các điều răn (Giữ); cầu nguyện (Xin).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét