DẪN NHẬP
1. Trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, Đức Thánh Cha
Phanxicô mời gọi chúng ta tham gia vào công cuộc canh tân Hội Thánh bằng cách lấy
truyền giáo làm mục tiêu cho các hoạt động mục vụ của Hội Thánh hay đặt mọi hoạt
động mục vụ của Hội Thánh trong nhãn quan truyền giáo. Ngài viết: “Tôi ước mơ một ‘chọn
lựa truyền giáo’, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo, có khả năng biến đổi mọi sự,
để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.”1 Ngài xác quyết: “Nếu chúng ta cố gắng đặt tất cả vào trong một nhãn quan truyền giáo, việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta thông truyền sứ điệp.”2
để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.”1 Ngài xác quyết: “Nếu chúng ta cố gắng đặt tất cả vào trong một nhãn quan truyền giáo, việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta thông truyền sứ điệp.”2
2. Nhằm hưởng ứng lời mời
gọi của Đức Thánh Cha, chúng ta, những người đang dấn thân trong lãnh vực huấn
giáo tại Việt Nam muốn đặt hoạt động giáo lý trong nhãn quan này, để tìm hiểu
xem phải thông truyền sứ điệp Tin Mừng thế nào hầu có thể chuyển đạt được cả nội
dung căn bản lẫn vẻ đẹp và hương thơm của nó cho người Việt trong bối cảnh xã hội
hiện nay. Theo Đức Thánh Cha, để bước vào công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn
niềm vui, các tín hữu phải đi vào cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Chúa Giêsu, một
cuộc gặp gỡ với tình yêu Thiên Chúa được triển nở thành một tình bạn phong phú
đồng thời đưa họ vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về sự hiện
hữu của mình; đây chính là “nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực Phúc Âm hóa”.3
3. Trong tập sách này, trước hết chúng ta sẽ
tìm hiểu thực tại xã hội, giáo hội và việc dạy giáo lý tại Việt Nam, để thấy những
thực tại này ảnh hưởng trên đời sống đức tin của người tín hữu như thế nào; từ
đó nhận ra những thách đố cho huấn giáo hiện nay (I); kế đến, chúng ta nhìn lại
đường hướng của Giáo Hội hoàn vũ cũng như địa phương về huấn giáo (II); cuối
cùng, xác định phương hướng cho việc canh tân huấn giáo tại Việt Nam (III).
CHƯƠNG I
BỐI CẢNH
4. Chúng
ta không có ý mô tả chi tiết và phân tích đầy đủ về bối cảnh mà trong đó người
kitô hữu Việt Nam đang sống và làm việc nhưng chỉ trình bày vắn tắt một số nhân
tố, nhằm khám phá ra những thách đố cho việc sống và loan báo Tin Mừng nói
chung và cách riêng cho huấn giáo hiện nay trên quê hương đất nước.
1. Thực tại xã hội Việt Nam
Chúng ta sẽ tìm hiểu hiện trạng xã hội dựa
trên hai cấu tố: một gồm các yếu tố về dân số, kinh tế và chính trị; hai gồm
các yếu tố xã hội, văn hóa, giáo dục và tôn giáo.
Thực tại dân số - kinh tế và chính trị
Về dân số
5. Theo
Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ngày 01/11/2013 dân số Việt Nam đạt
ngưỡng 90 triệu người, cơ cấu dân số vàng mà các quốc gia trên thế giới đều ao
ước. Gọi thế là vì cứ 2 người lao động mới có một người phụ thuộc (trẻ em dưới
15 tuổi và người già trên 65 tuổi). Với quy mô dân số này, Việt Nam xếp thứ 14
trong các nước đông dân nhất thế giới, đứng thứ 3 về quy mô dân số ở các nước
Đông Nam Á. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình
phát triển của lịch sử dân tộc. Nếu mỗi phụ nữ duy trì mức sinh từ 2-2,1 con
thì mỗi năm dân số Việt Nam tăng hơn 1 triệu người và năm 2050 dân số khoảng
110 triệu, trong đó người già trên 65 tuổi chiếm 18%, một cơ cấu dân số đẹp vì
hài hòa giữa các lứa tuổi và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.4
Tuy nhiên,
“Việt Nam đang bị mất cân bằng giới tính ở mức báo động đỏ”. Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh năm 2013
là 113,8 bé trai/100 bé gái, tăng so với mức 112,3 bé trai/100 bé gái của năm
2012.5
Tỷ lệ nạo phá thai gia tăng và ngày một trẻ hóa; trung
bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70%
là học sinh và sinh viên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị
thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới. Tỷ lệ vô sinh của Việt
Nam ngày càng tăng do viêm nhiễm qua đường sinh sản hay phá thai ở vị thành
niên và thanh niên.6
Về kinh tế
6. Việt
Nam đã tiến một bước dài trên đường chuyển đổi từ kinh tế chỉ huy sang kinh tế
thị trường. Sau hai mươi năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường (1990-2010), Việt
Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với thu nhập đầu người khoảng
200-300 đôla một năm đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với thu nhập
đầu người khoảng 1000-1500 đôla một năm và đang cố gắng đạt tới 1500-3500 đôla
một năm. Thành quả này bắt nguồn từ những thay đổi về tư duy hội nhập vào kinh
tế thế giới với các hiệp định AFTA,7 hiệp định song phương Việt Mỹ
(BTA)8 và gia nhập WTO.9 Kinh tế Việt Nam phát triển
nhanh nhờ “đổi mới” môi trường đầu tư khiến khu vực tư doanh bấy lâu ngủ yên
nay sống lại và đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam.
Tuy
nhiên, từ năm 2008, kinh tế Việt Nam bắt đầu suy giảm một phần do khủng hoảng
kinh tế, phần khác do kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng kém hiệu
quả dẫn đến thua lỗ, bội chi ngân sách, lạm phát gia tăng tới mức trên dưới 20%
năm 2011. Hậu quả là một nửa số doanh nghiệp mới thành lập bị phá sản hay đóng
cửa. Kinh tế Việt Nam đang ở vào giai đoạn thực sự khó khăn, nhưng phát triển
là chuyện khả thi, vì Việt Nam là vùng đất có nhiều tài nguyên, với một dân số
đọc thông viết thạo và một tinh thần kinh doanh dám chấp nhận rủi ro. Kinh tế
Việt Nam phải cần một chính sách thích hợp cho sự phát triển.10
Về chính trị
7. Từ năm 1975, Việt Nam
thống nhất dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hiến pháp khẳng định Đảng
“lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
làm nền tảng tư tưởng."11 Với sự lãnh đạo thống nhất, công cuộc
đổi mới đất nước từ 1986 giành được nhiều thành quả; kinh tế tăng trưởng, xã hội
và văn hóa phát triển, hệ thống chính trị gồm ba
phần Đảng, Nhà nước và Mặt trận đổi mới về tổ chức, cán bộ và phương thức hoạt
động của các tổ chức chính trị đó.12
Vì
chỉ có một lãnh đạo duy nhất là Đảng nên quyền bính của Nhà Nước là tập trung,
dẫn đến tình trạng
lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công và quyền của người dân chưa được
tôn trọng.13 Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 đã thừa nhận một số
quyền căn bản của con người. Đảng và Nhà nước thì cố gắng lành mạnh hóa đội ngũ
cán bộ, gia tăng sự giám sát của dân chúng trong việc lãnh đạo của Đảng cũng
như việc quản lý của Nhà nước, để củng cố lòng tin của dân chúng vào hàng ngũ
lãnh đạo.
Thực tại xã hội, văn hóa, giáo dục và tôn giáo
Về xã hội
8. Khi
chuyển đổi sang kinh tế thị trường, Việt Nam phải giải quyết một vấn đề xã hội
đi kèm sự phát triển; đó là sự bất bình đẳng về thu nhập dẫn đến tình trạng người
nghèo không được hưởng thành quả của sự phát triển cũng như sự cách biệt giầu
nghèo. Việt Nam đã đạt được những thành tích quan trọng về mặt giảm tỷ lệ người
nghèo trong dân chúng từ 50% năm 1990 xuống còn 19% năm 2008. Tuy nhiên, mức chênh lệch thu
nhập và mức sống ở Việt Nam mỗi năm một tăng, tạo ra nhiều bất công và tệ nạn
trong xã hội, nhiều triệu người phải rời xa gia đình hoặc cả gia
đình phải di chuyển đến nơi khác để học hành, làm việc, nhất là đến các đô thị
hay thành phố lớn, nhiều gia đình bị tan vỡ, môi trường bị ô nhiễm.14
Về văn hóa
9. Dân
tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa ngàn đời, người Việt luôn tự hào với các
giá trị tinh thần và đạo đức như thờ cha kính mẹ, tôn sư trọng đạo, trọng tín
nghĩa, khẳng khái, chân thành, thậm chí sẵn sàng chết vì lòng trung nghĩa, đoàn
kết hào hùng chống ngoại xâm.
Từ
năm 1975 đến nay, người Việt cố gắng xây dựng lại đất nước bằng cách du nhập
khoa học kỹ thuật cũng như lối sống của các nước. Người Việt ngày càng thông thạo
khoa học nhờ có nhiều phương tiện truyền thông hơn như báo chí, sách vở, phim ảnh,
truyền thanh, truyền hình, và cả mạng lưới thông tin toàn cầu (internet).
Trình độ học vấn của người dân được nâng cao, nhưng có những
dấu hiệu cho thấy họ đang
trải qua một cuộc “khủng hoảng về giá trị” làm nẩy sinh nhiều hiện tượng bi thảm về đạo đức, văn hóa và xã hội: gia đình và
xã hội ngày một rạn nứt, giả dối, lừa lọc, tàn nhẫn; giáo dục xuống dốc;
tham nhũng thành quốc nạn; đạo lý thành đảo điên ; nhiều người trẻ choáng ngợp
trước vẻ quyến rũ của xã hội tiêu thụ nên sống cuồng sống vội, sống buông thả
phó mặc.15
Về giáo dục
10. Theo phúc
trình của Chính phủ về tình hình giáo dục tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI,
giáo dục Việt Nam đã đạt những thành tựu sau:
nhu cầu học tập của nhân dân được đáp ứng tốt hơn; đạt được một số kết quả quan
trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; chính
sách xã hội về giáo dục đã được thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn; chất lượng
giáo dục đã có chuyển biến bước đầu và điều kiện bảo đảm phát triển giáo dục được
tăng cường.
Tuy nhiên, giáo dục còn vướng phải những yếu kém sau: chất
lượng còn thấp; phương pháp lạc hậu, chậm đổi mới; các điều kiện bảo đảm phát
triển còn nhiều bất cập: con em gia đình nghèo, gia đình có thu nhập thấp và
con em đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận
giáo dục, nhất là ở các bậc học cao; một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục
chậm được giải quyết như dạy thêm học thêm, mua bán văn bằng, bệnh thành
tích...16
Về tôn giáo
11. Dù chủ nghĩa vô thần là
ý thức hệ chính thức trong cả nước từ năm 1975, nhưng Việt Nam vốn là một xã hội
đa tôn giáo. Tôn giáo tại Việt Nam mang đặc tính tổng hợp, hội nhập và tiếp biến.
Điển hình là sự khai sinh các tôn giáo bản địa như Cao Đài (1926) với 2,4 triệu
tín đồ17 và Phật giáo Hòa Hảo (1939) với 1,3 triệu tín đồ.18
Bên cạnh tín ngưỡng dân gian, niềm tin vào Ông Trời và thực hành việc tôn kính
Ông Bà tổ tiên, đời sống tâm linh và nhân sinh quan của người Việt mang đậm dấu
ấn của truyền thống Tam giáo, đặc biệt là Phật giáo. Theo thống kê của World Population Statistics 2013,19
trong số hơn 90 triệu dân, có 85% nhận mình theo niềm tin Phật giáo (dù chỉ có
8% thực hành đạo thường xuyên), 8% theo Kitô giáo mà đa số là Công giáo (6,7%).
Ngoài ra còn có các tín đồ của Islam (64.000)20 và cộng đồng tôn
giáo Baha’i (7.400).21
Trong
hệ thống giáo dục Nhà Nước, từ giữa thập niên 1990, có một sự chuyển biến trong
cách nhìn về tôn giáo: từ sự nhấn mạnh luận điểm “tôn giáo là thuốc phiện của
nhân dân” (Karl Marx) sang việc nhìn nhận “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh
thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc…”, theo các văn
bản pháp quy.22 Trong thực tế, khuynh hướng xem tôn giáo như “văn
hóa tâm linh” đang ngày càng phổ biến nơi các phương tiện truyền
thông xã hội lẫn một số tôn giáo. Các lễ hội dân gian và nhiều hiện tượng mang
tính chất tâm linh, ngoại thường, đang bùng phát khắp nơi, cùng với giai đoạn
“mở cửa”, di dân và bùng nổ thông tin. Dù chưa nhìn nhận như pháp nhân, chính
phủ không phủ nhận vai trò và giá trị của các tôn giáo đối với thiện ích của cộng
đồng, luân lý gia đình và đạo đức-nhân bản cá nhân.
Tuy
nhiên, không phải vì thế mà công cuộc loan báo Tin Mừng trở nên dễ dàng hơn!
Thách đố hiện nay đối với các vị chức trách các tôn giáo, không tập trung vào
việc đối phó với chủ nghĩa vô thần (như 3 thập niên sau 1975), cho bằng đương đầu
với chủ trương thế tục hóa, xu hướng thực dụng, duy hưởng thụ, chủ nghĩa tương
đối hóa về chân lý và luân lý cùng những hệ quả của trào lưu toàn cầu hóa.
Nhận định
Bối
cảnh trên đây cho thấy xã hội
mà chúng ta đang sống và làm việc đã thay đổi rất nhiều, thay đổi một cách mau
chóng và thay đổi trên nhiều bình diện khác nhau. Những thay đổi ảnh hưởng
nhiều trên con người và đời sống của người tín hữu và đặt ra nhiều vấn đề nan
giải cho đời sống đức tin của người tín hữu, đòi hỏi các hoạt động mục vụ cũng như việc dạy giáo lý của
Giáo Hội phải thay đổi để thích nghi với tâm thức và nhu cầu của con người
Việt Nam hiện nay, nhưng xem ra các hoạt động của chúng ta chưa đáp ứng được những đòi hỏi cấp
bách này. Chúng ta phải can đảm trực diện với thực trạng này.
12. Đời sống của người Việt
hiện nay được nâng cao, phúc lợi của dân chúng được cải thiện; tuy nhiên, họ vẫn phải sống trong lo âu và
sợ hãi: lo âu bởi cuộc sống đầy những bất ổn và xáo trộn; sợ hãi vì xã hội
đầy những bất công và bạo lực. Người giàu thay vì giúp đỡ, tôn trọng và thăng
tiến lại khai thác và bóc lột người nghèo, tình trạng lạm quyền và tham nhũng
âm thầm hủy hoại hệ thống chính trị và xã hội, đạo đức bị coi là mối đe dọa cho
các hành vi thao túng và hạ thấp phẩm giá con người, sự thánh thiêng của
hôn nhân và sự bền vững gia đình bị tấn công, môi trường bị hủy hoại nặng nề.
Sống
trong lo âu và sợ hãi, người
Việt trở nên phòng thủ và tự vệ, che đậy và giả hình, thiếu tin tưởng và ít cộng
tác với người khác, bất hòa và chia rẽ trong mọi ngành nghề, tổ chức xã hội và
cả trong các tổ chức tôn giáo. Tâm tính này tạo ra nhiều bất lợi cho đời
sống gia đình vì gia đình là một cộng đồng đòi hỏi sự hiệp thông trọn vẹn, sự cởi
mở chân thành, tin tưởng và lo lắng cho nhau. Nó cũng tác hại rất lớn đến xã hội
vì xã hội là một cộng đồng lớn hơn đòi hỏi mọi thành viên phải tin tưởng để
cùng hợp tác với nhau lo cho công ích.
Thử hỏi cách thức dạy giáo lý của chúng ta hiện nay
có giúp người Việt thoát khỏi ngục tù của lo âu và sợ hãi, của mặc cảm tự ti và
tâm lý phòng vệ, đồng thời chữa lành và tái tạo một con người mới đầy niềm vui
và hy vọng, lạc quan và tin tưởng, chân thành và cởi mở không?
13. Não trạng thế tục hóa
(secularism) đang thấm nhập cách nhẹ nhàng vào cách suy nghĩ và cách sống của
người tín hữu. Nó là thách đố lớn cho công cuộc Phúc Âm hóa vì hoàn toàn nghịch
lại tinh thần phúc âm, nghịch lại đức tin và luân lý kitô giáo, khi tìm cách loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi
đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Gắn với não trạng thế tục hóa là
não trạng duy vật (materialism), cá nhân (individualism), tương đối
(relativism) và hưởng thụ khoái lạc (hedonism); tất cả đang lan tràn và ảnh hưởng
trên cách suy tư và hành động của con người Việt Nam.23
Thử hỏi cách thức dạy giáo lý của chúng ta hiện nay
có giúp người tín hữu khám phá ra sự hiện diện đầy yêu thương và quyền năng của
Chúa trong cuộc sống để rồi cộng tác với Ngài trong công cuộc biến đổi cuộc sống
của mình và xã hội không?
2. Thực tại Giáo Hội Việt Nam
Chúng ta sẽ tìm hiểu thực tại Giáo Hội tại
Việt Nam dựa trên các yếu tố dân số, đời sống và sứ vụ.
Về cơ cấu tổ chức
14. Từ năm 1975, đất nước thống nhất,
Giáo Hội tại Việt Nam ở hai miền Nam Bắc được xum họp một nhà. Từ 1980,
Đại hội các Giám Mục toàn quốc đã được tiến hành hằng năm và Giáo Hội tại Việt Nam muốn là "Hội Thánh
Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam, để phục vụ hạnh phúc của đồng
bào"24 và “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự
sống.25
Nhìn chung, Giáo Hội tại Việt Nam không ngừng đổi mới và
phát triển. Số tín hữu tăng từ 2 triệu vào năm 1960 đến 5.2 triệu vào năm 2000
và hơn 6 triệu vào năm 2008.26 Số người theo đạo hàng năm khoảng 30
– 40.000 trong những năm gần đây. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2012, Giáo Hội tại Việt Nam có 4.441 linh mục, 4.195
chủng sinh, 2.679 tu sĩ nam, 17.280 tu sĩ nữ, 59.524 giáo lý viên, gần một
triệu đoàn viên các hội đoàn Công giáo Tiến hành và 6.560.879 tín hữu giáo dân,27
trên tổng số 88,78 triệu dân.28
Sau 1960, sáu địa phận khác được
thành lập là Đà Nẵng (1963), Xuân Lộc (1966), Phú Cường (1966), Ban Mê Thuột
(1967) Phan Thiết (1975), và Bà Rịa (2005), nâng tổng số giáo phận Việt Nam hiện nay lên 26 giáo phận (Giáo tỉnh Hà Nội 10, Huế 6, Sài Gòn 10).
Về đời sống đức tin
15. Nhìn từ bên ngoài, người ta thấy
Giáo Hội tại Việt Nam còn rất sinh động: đời sống đạo còn sầm uất vì bầu khí
các gia đình còn rất tốt, vẫn còn đông đảo ơn gọi linh mục và tu sĩ, giáo dân
còn tích cực tham dự thánh lễ và các giờ đạo đức cũng như các công tác chung
của giáo xứ và giáo phận.
Thực tế có
nhiều dấu hiệu cho thấy số gia đình công giáo ly dị, số người trẻ công giáo phá
thai, nghiện ngập, phạm pháp không phải ít. Số ơn gọi ở các thành phố có xu
hướng giảm so với ngoại thành hoặc nông thôn; trong số này, nhiều người thiếu
động cơ trong sáng. Số giáo dân, nhất là giới trẻ, tham dự thánh lễ, kể cả
thánh lễ Chúa Nhật, và các sinh hoạt đạo đức trong giáo xứ đã giảm nhiều. Nhiều
bạn trẻ dự lễ ngày Chúa Nhật chỉ đứng ở ngoài nhà thờ cho có lệ. Cũng có những
nơi, những dịp lễ lớn, giới trẻ tham dự còn đông, nhưng “số đông” đó, nếu tính
về tỉ lệ thì chỉ là một thiểu số nhỏ của tất cả giới trẻ.29
Về hoạt động truyền giáo
16. Có nhiều cố gắng truyền giáo tại một số giáo phận,
nhất là các giáo phận miền Cao nguyên nơi có nhiều anh chị em dân tộc, hoặc
những nơi xa xôi như miền Tây.
Tuy nhiên, con số thống kê sau cho thấy
tỉ lệ người công giáo trong mấy chục năm qua như dặm chân tại chỗ:
Năm
|
1970
|
1990
|
1993
|
2004
|
2010
|
Dân số
|
31.993.143
|
63.286.000
|
70.257.700
|
82.320.147
|
86.927.700
|
Công giáo
|
2.679.776
|
4.341.976
|
4.641.677
|
5.667.428
|
6.187.486
|
Tỷ lệ
|
8,37%
|
6,86%
|
6,60%
|
6,88%
|
7,11%
|
Công tác tông đồ tại các giáo xứ và nhiều dòng tu chỉ
gói ghém trong công tác mục vụ. Chương trình huấn luyện trong các
chủng viện, học viện … thiếu môn truyền giáo hoặc có học mà không có
hành, có huấn mà không có luyện. Nhìn chung, ý thức và dấn thân truyền giáo tại
Việt nam chắc chắn là có nhưng mới chỉ là tinh thần dấn thân của một số cá nhân
hay nhóm các tín hữu chứ chưa phải là tinh thần chung của cả Giáo Hội tại Việt
Nam.30
Nhận định
Trước
thực tại này, Giáo Hội Việt Nam không ngừng “tự vấn lương tâm trong tư cách cộng
đồng cũng như trong tư cách cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào
cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa
Giêsu”.31
17. Nhìn vào đời sống người Kitô hữu hiện nay, chúng ta
thấy có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Ðời sống đạo tập trung vào các nghi
lễ, các hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên
trong. Ở Việt Nam, hơn 60% dân số dưới tuổi 30. Đa số là những người trẻ và
những người trẻ này có xu hướng chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối
với các thần tượng như cầu thủ, diễn viên, người mẫu và sở thích của họ là ham
chuộng thời trang, âm nhạc, thể thao như biểu hiện của cái đẹp. Trong khi đó,
chúng ta hô hào họ hãy xóa bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó, nhưng lại
chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp và chưa giúp họ hiểu
tinh thần nghèo khó của Ðức Giêsu thật sự là gì.32
Thử hỏi cách thức dạy giáo lý của chúng ta hiện nay
có giúp người Kitô hữu gặp gỡ và kết hợp với Chúa Giêsu hiện diện trong các hoạt
động phụng vụ cũng như trong cuộc sống thường ngày, một trải nghiệm thiêng
liêng cho phép họ biến đổi cuộc sống của mình và góp phần biến đổi xã hội
không? Liệu cách giảng dạy của chúng ta hiện nay có đáp ứng cách thỏa đáng những
nhu cầu mới đang hình thành, có thích hợp
với não trạng đang chuyển biến của xã hội, nhất là của giới trẻ không?
18. Phần đông người tín hữu Việt Nam chưa nhận thức và quan tâm đầy đủ về
việc truyền giáo. Nhiều người vẫn còn cho rằng truyền giáo là công việc
của linh mục và tu sĩ chứ không phải là bổn phận của chính mình. Nhiều vị có trách nhiệm lại cho rằng truyền giáo là mở những
lớp giáo lý dự tòng để dạy cho người muốn theo đạo những bài giáo lý soạn sẵn
hay học thuộc lòng một số kinh, là lập đạo binh Đức Mẹ để thăm nom và khuyến dụ
người ta theo đạo. Mục
vụ truyền giáo tại Việt Nam còn thiếu tổ chức, định hướng và liên kết trong một
kế hoạch chung.33
Thử hỏi cách thức dạy giáo lý của chúng ta hiện nay
có “mở ra cho sự năng động truyền giáo và làm cho các môn đệ của Chúa Giêsu biết
hiện diện với tư cách là người Kitô hữu trong xã hội, trong đời sống nghề nghiệp,
văn hóa và xã hội… hiệp thông một cách có hiệu quả với những người thuộc các
tôn giáo khác… biết dung hòa và phân biệt giữa ‘loan báo Đức Kitô’ và ‘đối thoại
liên tôn’ không?34
3. Thực tại dạy giáo lý tại Việt Nam
Trước
những biến chuyển đang thay đổi bộ mặt của xã hội và ảnh hưởng đến đời sống đạo
của Dân Chúa, Giáo Hội tại Việt Nam ra sức giáo dục đức tin cho các tín hữu, chủ
yếu qua việc dạy giáo lý. Mặc dù công tác mục vụ này đã gặt hái được nhiều kết
quả tốt đẹp, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn cần khắc phục.
Về mục tiêu
19. Việc
dạy giáo lý nhắm trình bày nội dung đức tin có hệ thống, trung thành
với giáo huấn và truyền thống của Giáo Hội,
hơn là dẫn đưa người thụ giáo đến gặp gỡ Chúa để khám phá ra
khuôn mặt của Chúa Giêsu và cảm thấy nhu cầu phải dâng hiến chính mình cho Chúa
hoặc giúp cho họ hiểu và chấp nhận những hệ luận của đức tin cho cuộc sống để
tạo nên một nếp sống, phong tục và văn hóa dưới ánh sáng của đức tin.
Về nội dung
20. Giáo
lý viên thường quy chiếu vào các nguồn Thánh Kinh và Thánh Truyền được giải
thích bởi Huấn quyền, nhưng chưa
vận dụng được các chứng từ sống động trong đời sống Giáo Hội, các giá trị hay những nét đẹp
trong nền văn hóa Việt Nam vốn đòi hỏi giáo lý viên phải có khả năng giải thích các dấu chỉ thời đại (?!), để khám phá ra sự hiện
diện và kế hoạch của Thiên Chúa dưới ánh sáng của Lời.
Về hình thức
21. Việc
dạy giáo lý bằng phương pháp hỏi-thưa phát triển song hành với việc dạy giáo lý
bằng phương pháp trình bày, theo cách thức “dạy dỗ, bảo ban” hoặc theo cách thức
“đối thoại, đồng
hành”. Cách thức đầu thường sử dụng quyền lực cứng
(biện pháp kỷ luật) còn cách thức sau vận dụng quyền lực mềm
(thuyết phục bằng các giá trị). Do quan tâm đến nội dung hơn là người thụ giáo
nên “một số nơi, giáo lý vẫn bị xem là những bài lý thuyết cần phải thuộc lòng
để được lãnh bí tích. Việc dạy giáo lý chưa thực sự có phương pháp sư phạm phù
hợp và chưa đi với chứng từ sống động của người rao truyền”.35
Về chủ thể
22. Phần
đông các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo xứ đều coi trọng việc giáo dục
đức tin và tích cực tham gia vào việc dạy giáo lý với tinh thần tự nguyện; nhiều
giáo lý viên giáo dân phục vụ cho huấn giáo như những thiện nguyện viên trong một
thời gian lâu dài.
Tuy
nhiên, các linh mục thường giao phó hết việc dạy giáo lý cho tu sĩ và giáo dân
nhưng ít quan tâm đến việc bồi
dưỡng kiến thức và đời sống đức tin cho họ(?!). Nhiều giáo lý viên giáo dân chưa được
huấn luyện đầy đủ, chưa thực sự “dạy điều mình tin và thực hành điều mình dạy”
và chưa được hỗ trợ thỏa đáng về vật chất cũng như tinh thần.
Về đối tượng
23. Việc
dạy giáo lý chủ yếu dành cho thiếu nhi chuẩn bị xưng tội, rước lễ lần đầu và
thêm sức, dự tòng chuẩn bị gia nhập Giáo Hội và các đôi chuẩn bị lãnh nhận bí
tích hôn phối. Trong những năm gần đây, anh chị em dân tộc cũng được quan tâm
và chăm lo học giáo lý nhiều hơn.
Tuy
nhiên, giáo lý dành cho
người trẻ và người trưởng thành chưa được phát triển, giáo lý dành trong
gia đình cũng như cho những người có hoàn cảnh đặc biệt chưa được quan tâm. Sau
khi lãnh nhận các bí tích khai tâm và hôn phối, các tân tòng và các đôi hôn phối
hoặc không được tiếp tục quan tâm và nâng đỡ hoặc không thiết tha học hỏi và
đào sâu đức tin.
Về môi trường
24. Các
gia đình và giáo xứ phần đông còn giữ được tinh thần đạo đức truyền thống, bầu
khí thiêng liêng thuận lợi cho việc nuôi dưỡng và phát huy đời sống đức tin của
các tín hữu. Các bậc làm cha mẹ khuyến khích và hỗ trợ cho con cái tham gia dạy
và học giáo lý.
Việc dạy giáo
lý trong gia đình hiện nay dường như là con số không,
việc dạy giáo lý
trong giáo xứ thường là việc của giáo lý viên hơn là của cộng đoàn. Việc dạy giáo lý còn thu hẹp
trong “lớp học”, chưa mở ra cho cộng đoàn và vươn tới mọi người trong xã hội
để nhận diện các vấn đề và tìm câu trả lời cách cụ thể, hầu có thể đáp ứng những
nhu cầu mới đang hình thành.
Nhận định
25. Trong
khi người tín hữu Việt Nam phải chống chọi với não trạng thế tục hóa đang thấm nhiễm dần vào đời sống
đức tin, não trạng “muốn gạt bỏ Thiên Chúa, nhưng tận sâu xa, đó lại là một sự
trống rỗng to lớn khao khát được lấp đầy bằng chân lý và tình thương của Thiên
Chúa. Nhân loại khao khát nước đem lại sự sống, nhưng thế giới lại có quá nhiều
nguồn nước đục ô nhiễm (x. Sứ điệp,
s.1), mà việc dạy giáo lý lại bị xem là thuyết giáo khô
khan với những công thức khô cứng và xa lạ với truyền thống văn hóa thì thách đố
lớn nhất của huấn giáo tại Việt Nam là chuyển trọng tâm từ huấn luyện kiến thức
sang xây dựng tương quan với Chúa và tha nhân.
Liệu cách thức dạy giáo
lý của chúng ta hiện nay có dẫn người tín hữu đến gần Thiên Chúa hơn, Đấng duy
nhất có thể lấp đầy khát vọng sâu xa trong lòng họ không?
26. Gắn
liền với xã hội tục hóa là xã hội tiêu thụ, trong xã hội này con người bị mê hoặc
bởi lối sống hưởng thụ và ích kỷ, vứt bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm và sống những giá
trị tôn giáo, kết cuộc là đạo đức suy thoái, lương tâm bị coi rẻ và nhân phẩm bị
xúc phạm. Sự chuyển biến này đang ảnh hưởng sâu xa đến đời sống đức tin của người
tín hữu, thế nhưng chúng ta vẫn dạy giáo lý theo lối cũ, xa rời các thực tại xã
hội. Thoát khỏi khuôn khổ của một lớp học để vươn ra đời sống cộng đoàn cũng
như vươn tới các vấn đề xã hội cũng là một thách đố không nhỏ đối với huấn giáo
tại Việt Nam.
Liệu cách thức dạy giáo
lý của chúng ta hiện nay có giúp các tín hữu khám phá ra sự hiện diện của Chúa
Giêsu, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết và không ngừng “làm cho mọi sự nên mới” (Kh
21,5), và nghe được lời thách đố của Ngài “có một cái nhìn mới về cuộc sống, sống
những giá trị mới và đi vào những tương giao mới với tha nhân như những anh chị
em của nhau” không?
27. Trong một đất nước đa phần là người trẻ, những con
người say mê khoa học kỹ thuật qua việc tìm tòi và học hỏi, say mê cái đẹp qua
việc chạy theo các thần tượng và bị mê hoặc bởi sự chiếm hữu và hưởng thụ,
nhưng cách dạy giáo lý của chúng ta hiện nay vẫn chưa thu hút và hấp dẫn được
người trẻ. Làm thế nào để dạy giáo lý cách sinh động và hấp dẫn hơn vẫn là một
thách đố gay go đối với giáo lý viên chúng ta.
Liệu phương pháp, ngôn ngữ và phương tiện mà chúng ta sử dụng để dạy giáo
lý cho người trẻ có mới mẻ và thích hợp với tâm thức của họ không? Lời Chúa có
được diễn đạt đúng hơn, rõ hơn, sống động và hợp thời hơn không?
28. Sống trong một đất nước có nhiều dân tộc, nhiều nền văn
hoá và nhiều tôn giáo khác nhau, thậm chí vô thần, giáo lý viên không những
phải thông thạo về Lời Chúa mà còn phải thấu hiểu các giá trị văn hóa của dân
tộc, các chân lý tiềm tàng nơi các tôn giáo và các vấn đề nhân sinh để có thể
đồng hành với mọi người trong cuộc lữ hành hướng về một chân lý cứu độ duy
nhất.
Liệu cách thức dạy giáo lý của chúng ta hiện nay có giúp cho các tín hữu
đối thoại với đồng bào của mình cách khiêm nhu, bao dung và cảm thông hơn là
kết án và loại trừ không?
Chúng
ta xác tín rằng những thách đố trên có thể trở thành cơ hội thuận tiện cho Giáo
Hội tại Việt Nam canh tân việc dạy giáo lý, nhờ đó, Giáo Hội có thể thi hành
hiệu quả hơn sứ vụ yêu thương và phục vụ đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu cho đồng
bào của mình. Điều này đòi hỏi chúng ta phải duyệt xét lại cách thức dạy giáo
lý của chúng ta hiện nay bằng cách nhìn vào đường hướng chung của Giáo Hội về
huấn giáo.
CHƯƠNG II
ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA GIÁO HỘI VỀ HUẤN GIÁO
29. Chúng ta nhìn lại đường
hướng của Giáo Hội hoàn vũ về việc dạy giáo lý kể từ Thượng Hội Đồng Giám Mục
1974 và Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii
Nuntiandi - 1975) đến THĐGM 2012 và tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium - 2013). Trước những
thách đố cũng như cuộc khủng hoảng gây ra bởi môi trường văn hóa hiện nay, Giáo
Hội đã duyệt xét lại việc dạy giáo lý trong toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội là
Loan Báo Tin Mừng, đặc biệt phục vụ cho công cuộc “Tân Phúc Âm hóa để thông
truyền đức tin Kitô giáo”.
1. Dạy giáo lý trong viễn tượng Phúc Âm Hóa
30. Ngay
từ thập niên 50, nhờ nghiên cứu lịch sử thời các giáo phụ và vận dụng công
trình khảo cứu của các khoa xã hội nhân văn, phong trào Canh tân Giáo lý đã được
hình thành từ Munich (Đức - 1925) lan rộng sang các nước khác. Với phong trào
này, việc DGL được canh tân trên nhiều bình diện: a/ về đối tượng (từ dự tòng đến
người lớn, trẻ em và các tín hữu), b/ về mục đích (từ đạo lý căn bản đến đào
sâu đức tin), c/ về phương pháp (từ phương pháp học thuộc lòng và giải thích đến
phương pháp tâm lý và hoạt động), d/ về nội dung (từ dạy kiến thức hay luân lý
đến loan báo sứ điệp Kitô giáo), e/ về phương tiện (ngoài thủ bản còn có kinh
thánh, phụng vụ, chứng tá…).36
31. Cho
dù cuộc canh tân này đã đem lại cho huấn giáo một sinh khí mới trong Giáo Hội,
nó cũng chỉ là nỗ lực của một số Giáo Hội địa phương, chưa phải là nỗ lực chung
của cả Giáo Hội. Nhiều nơi trong Giáo Hội vẫn thu hẹp việc dạy giáo lý trong việc
dạy đạo lý hay luân lý nhằm bênh vực đạo hay giữ đạo hơn là sống đạo và truyền
đạo; giáo lý viên “chỉ truyền dạy những tín điều phải tin và những luật phải giữ
… qua những công thức khô cứng, xa lạ với truyền thống văn hóa, và có vẻ dửng
dưng với các vấn nạn của thời đại, hầu như trong suốt thời gian ‘học giáo lý’, người dự tòng không một lần được
hướng dẫn đến gặp gỡ được một Đức Kitô, đối tượng của đức tin, một Đức Kitô nhập
thể và nhập thế, nhập thể để cùng chia sẻ thân phận với con người, nhập thế để
đưa ra những lời giải đáp cho các vấn nạn của con người trong bất cứ thời đại
nào, vì Người là Lời yêu thương của Thiên Chúa được mạc khải cho con người cho
mọi nơi và mọi lúc”.37
32. Theo
đề nghị của Công Đồng Vaticanô II, Bộ Giáo Sĩ đã soạn Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý (1971) nhằm hướng dẫn các HĐGM soạn thảo
sách giáo lý riêng. Sau đó, hàng loạt văn kiện liên quan đến huấn giáo được ban
hành: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI với tông huấn Loan Báo Tin Mừng (1975), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với tông
huấn Catechesi Tradendae (1979) là kết
quả của Thượng hội đồng Giám mục 1977 về việc dạy giáo lý trong thời đại của
chúng ta; với sách Giáo Lý Hội Thánh Công
Giáo (1992) là kết quả của THĐGM 1974 về việc Loan Báo Tin Mừng và 1985 kỷ
niệm 20 năm bế mạc Công Đồng, Bộ Truyền bá Phúc âm với Hướng dẫn dành cho Giáo lý viên (1993) bàn về ơn gọi, căn tính và
linh đạo của giáo lý viên cũng như việc tuyển chọn và đào tạo giáo lý viên. Vì
thế, Bộ Giáo Sĩ đã phải cập nhật hóa Hướng dẫn việc Dạy Giáo lý (1971) bằng
cách soạn Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy
Giáo lý (1997), một văn kiện được cả Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI và Phanxicô
trân trọng nhắc tới trong Tông huấn Lời
Chúa38 và Tông huấn Niềm
vui của Tin Mừng.39
33. Trong
văn kiện này, Bộ Giáo Sĩ một lần nữa đặt huấn giáo trong viễn tượng Loan Báo
Tin Mừng theo tông huấn Evangelii Nuntiandi
1975; từ đó, xác định lại bản chất, mục đích, nhiệm vụ, nguồn mạch, nội dung,
sư phạm của việc dạy giáo lý và việc tổ chức các hoạt động giáo lý. Hướng Dẫn
này cống hiến cho các Giáo Hội địa phương một cái nhìn chung về huấn giáo, nhờ
đó, có thể thống nhất và hợp tác với nhau trong việc thi hành thừa tác vụ giáo
lý.
Bản chất của giáo lý
34. Đức
Thánh Cha Phaolô VI, trong tông huấn Loan báo Tin Mừng (EN) không chỉ sử dụng thuật ngữ Phúc Âm hóa hay Loan báo Tin Mừng (Evangelizatio) theo nghĩa
hẹp là công bố Tin Mừng
cho lương dân,
mà còn dùng nó
theo nghĩa rộng là đem men Tin Mừng
vào trong hết mọi lãnh vực của cuộc sống, là biến đổi mọi thực thể nhân loại
cho phù hợp với Tin Mừng, từ lối suy tư cá nhân đến lối sinh hoạt của các dân tộc.40 Hướng dẫn Tổng quát việc dạy giáo lý 1997 sử dụng thuật ngữ Loan
báo Tin Mừng (LBTM) theo nghĩa rộng: “Loan báo, làm chứng, giáo huấn, các bí tích, yêu tha
nhân, thâu nạp môn đệ: tất cả những sắc thái ấy đều là những con đường và
phương tiện cho việc truyền đạt Phúc Âm và cấu thành những yếu tố của việc
LBTM […]. Những thừa tác viên của việc LBTM phải biết hành động với một “cái
nhìn tổng thể” về chính việc LBTM và đồng hóa nó với toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội”.41
“Vì thế, LBTM phải được quan niệm như tiến trình mà qua đó Hội Thánh loan báo
và phổ biến Tin Mừng cho toàn thế giới dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần”.42
35. Trong tiến trình loan báo Tin Mừng, dạy giáo lý DGL là một
thời điểm và là thời điểm chính yếu: «Việc
dạy giáo lý nằm trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng của Giáo Hội và được coi là ‘thời
điểm’ chính yếu, nó kín múc trong công cuộc LBTM động lực truyền giáo đã đem lại
cho nó sự phong phú nội tại và căn tính đặc thù».43 Thời điểm của việc DGL là thời gian để
phát huy cuộc hoán cải ban đầu: “Việc DGL, ‘khác với lời loan báo Tin Mừng đầu
tiên’, nhằm
phát huy và làm cho sự trở lại đầu tiên được chín chắn, qua việc giáo dục đức
tin cho người trở lại và tháp nhập họ vào cộng đoàn Kitô giáo”.44
36. Trong ý hướng này, “việc dạy giáo lý là một hình thức đặc
biệt của tác vụ Lời Chúa của Giáo Hội làm cho sự hoán cải ban đầu được hoàn hảo,
làm cho việc tuyên xưng đức tin trở nên sống động, minh nhiên và hữu hiệu”.45
Lời Chúa mà Giáo Hội rao giảng là Lời Chúa mà Giáo Hội đã cưu mang trong lòng
và thể hiện trong cuộc sống: “Theo gương Mẹ Chúa Giêsu, Giáo Hội trung thành
gìn giữ Phúc Âm trong lòng mình, rồi loan báo, cử hành, sống và rao truyền Phúc
Âm đó bằng việc dạy giáo lý cho tất cả những ai quyết định đi theo Chúa Giêsu
Kitô”.46
37. Như thế, dạy giáo lý không đơn thuần là việc truyền bá kiến thức
tôn giáo, mà là việc đào tạo người Kitô hữu phát triển một đức tin
trưởng thành và toàn diện.47 Việc này không thể hoàn tất một sớm một
chiều nhưng đòi hỏi
“một tiến trình hoán cải thường xuyên đến suốt đời”.48 Đặc
tính này dẫn đến việc coi dạy giáo lý người lớn, những người có khả năng đón nhận
đức tin với đầy đủ trách nhiệm, là hình thức dạy giáo lý chính yếu và kiểu mẫu
cho mọi hình thức dạy giáo lý khác.49
Mục đích của việc dạy giáo lý
38. “Mục đích tối hậu của
việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được thông
hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”.50 Sự thông hiệp với Chúa Giêsu
Kitô dẫn họ đến sự hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, hiệp
thông với Ba Ngôi chí thánh.
Theo
mục đích này, việc dạy giáo lý phải luôn qui Kitô nghĩa là luôn giới thiệu và
tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô và qui Ba Ngôi nghĩa là dẫn đến việc tuyên xưng và kết
hợp với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.51
Những nhiệm vụ của việc dạy giáo lý
39. Mục
đích của việc dạy giáo lý đạt được qua các nhiệm vụ khác nhau nhưng bao hàm lẫn
nhau; đó là các nhiệm vụ sau: giúp
hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ,
huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện,
giáo dục đời sống cộng đoàn và khai tâm cho việc truyền giáo.52
Các
nhiệm vụ này đan quyện với nhau và cắm rễ sâu vào kinh nghiệm con người. Chúng
được thực hiện bằng hai phương thế chính: lắng nghe sứ điệp Tin Mừng và thực
thi sứ điệp ấy trong đời sống luân lý và cầu nguyện. Nhờ được vun trồng đủ mọi
khía cạnh phong phú và đa dạng như vậy mà đức tin Công giáo được phát triển trọn
vẹn và đời sống Kitô hữu đạt tới sự trưởng thành.
Nguồn mạch của việc dạy giáo lý
40. Nguồn mạch chính của
giáo lý là Lời Chúa được trình bày
trong Thánh Kinh và Thánh Truyền: “Việc dạy giáo lý luôn luôn kín múc nội dung
nơi nguồn mạch sống động là Lời Chúa, được loan truyền trong Thánh Truyền và
Thánh Kinh”.53 Lời Chúa là nguồn quan trọng nhất để loan truyền và
giáo dục đức tin, vì nó thực sự là lời của Thiên Chúa.
Những
nguồn mạch sống động của việc dạy giáo lý xuất phát từ Lời Chúa và giải thích Lời
Chúa như những bản văn của phụng vụ, những tác phẩm của các Giáo Phụ, những hướng
dẫn của Huấn Quyền, những biểu thức đức tin, những chứng tá của các Thánh và những
suy tư thần học…, tất cả đều cung cấp cho việc dạy giáo lý những tiêu chuẩn để
truyền đạt sứ điệp của mình.54
Nội dung của việc dạy giáo lý
41. Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo là “điểm quy chiếu để giáo lý viên trình bày một cách chính
thống nội dung đức tin”,55 vì sách giáo lý này “trình bày một cách
có hệ thống và tổng hợp những nội dung cốt yếu và căn bản của đạo lý công giáo
về mặt đức tin cũng như về mặt luân lý, dưới ánh sáng của Công Đồng Vaticanô II
và toàn bộ Truyền thống của Hội Thánh”.56 Sách này “xoay quanh bốn
chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu: tuyên xưng đức tin, cử hành phụng vụ,
đời sống luân lý theo Tin Mừng và việc cầu nguyện”.57 Bốn chiều kích
này đều phát xuất từ mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô “là đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), đường dẫn chúng ta tới đời sống
mới trong Ba Ngôi Thiên Chúa.58
Sư phạm Đức tin
42. Việc dạy giáo lý vừa phải trung thành với Lời Chúa vừa phải trung thành với
con người, cho nên phương pháp và nội dung giáo lý liên hệ mật thiết với nhau.
Phương pháp trình bày Đức Tin phải “thích hợp với bản chất của sứ điệp, với nguồn
gốc và ngôn ngữ của nó, với những hoàn cảnh cụ thể của cộng đoàn Hội Thánh và
điều kiện của mỗi người tín hữu mà việc dạy giáo lý nhắm đến”.59
Nhiệm
vụ của việc dạy giáo lý không những làm cho Lời “vang dội” nơi con người,
nhưng còn trợ giúp họ tích cực đáp lại Lời: “Một đàng, giáo lý viên giúp
cho con người mở ra với chiều kích tôn giáo của đời sống, đàng khác, một cách
nào đó họ giới thiệu Tin Mừng, để rồi Tin Mừng thấm nhiễm và biến đổi những
thái độ của trí tuệ, lương tâm, tự do, hành động của con người, làm cho cuộc đời
trở thành một hiến thân, theo gương Chúa Giêsu Kitô. Với mục đích ấy, giáo lý
viên cũng cần đến những khoa về giáo dục, phù hợp với tinh thần Kitô giáo”.60
Trong
việc gặp gỡ Lời, thái độ căn bản của con người là lắng nghe; đó chính là thái độ
của người vâng phục: “Đối với Thiên
Chúa, Đấng mạc khải, con người phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” (DV 5).
Cuộc gặp gỡ như thế được thực hiện khi mà người ta dành một khoảng không gian
cho Đấng muốn đến gặp gỡ con người. Vì thế, một đàng, giáo lý viên phải trình
bày Lời trong tính tổng thể và quy mô, toàn bộ và không thay đổi, không được chắp
vá hoặc dùng Lời Chúa như phương tiện; đàng khác, phải lưu ý đến nhân cách và
khả năng của tham dự viên để Lời Chúa có thể chạm đến tâm hồn của họ, nơi mà
toàn bộ sức mạnh được thâu tóm nên một.
43. Muốn được như thế, theo
Hướng dẫn việc dạy giáo lý 1971, giáo
lý viên cần thực hiện những việc sau:
Trung thành với
Thiên Chúa
nghĩa là biết chờ đợi và tôn trọng hoạt động của
Thánh Thần với những đề nghị và ơn ban, nhờ sự thinh lặng nội tâm, mong đợi…
Chính Thiên Chúa mới là Đấng mạc khải, thúc giục và làm cho lớn lên, còn giáo
lý viên chỉ là người được gọi để làm chứng cho sứ điệp Lời Chúa.
Trung thành với
con người
nghĩa là việc dạy giáo lý phải nhắm đến con người để
hướng dẫn họ lãnh hội Tin Mừng nhờ nội tâm hóa các giá trị của nó, hướng đến sự thể hiện cá nhân hay diễn tả lại mầu nhiệm trong cuộc sống thường ngày.
Trợ giúp tiến
trình xã hội hóa
nghĩa là giúp mở ra cho kinh nghiệm cộng đoàn và xã
hội, giúp họ hòa nhập vào sự năng động của đời sống cộng đoàn tín hữu cũng như
xã hội.
Thực hiện tiến
trình cá nhân hóa
trong học tập cũng như kinh nghiệm đức tin, trong
nhịp độ phát triển, trong những thói quen, trong những khuynh hướng riêng,
trong những niềm vui và sự đau khổ…
Chú ý đến
phương pháp hoạt động để có thể trình
bày sứ điệp Tin Mừng cách sống động, giúp
học viên dễ lãnh hội và đáp lại lời Chúa mời gọi.
44. Giáo Hội không dùng một phương pháp nào duy nhất, mà dùng nhiều phương
pháp miễn là chúng phù hợp với phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, thích hợp với
nội dung giáo được giảng dạy. Qua nhiều thế kỷ, nhiều phương pháp khác nhau đã
được sử dụng tùy theo tài năng của các giáo lý viên và các học viên.
Khi nói về cách dạy giáo lý, người ta thường nói đến phương pháp quy nạp
và diễn dịch. Phương pháp quy nạp hệ tại trình bày những sự kiện trong lịch sử
cứu độ cũng như trong cuộc sống thường ngày để khám phá ra mạc khải của Thiên
Chúa dành cho chúng ta. Phương pháp diễn dịch hệ tại giải thích các sự kiện khởi
đi từ các nguyên nhân của chúng. Phương pháp trước bắt đầu từ những vấn đề và
những hoàn cảnh của con người, được soi dẫn bằng ánh sáng Lời Chúa; phương pháp
sau bắt đầu từ việc loan báo sứ điệp, đem ra thực hành trong cuộc sống. Cả hai
phương pháp, hai cách tiếp cận đều hợp pháp và bổ túc cho nhau.61
45. Chúng ta phải phân tích và định giá cẩn thận vai trò của kinh nghiệm con
người trong việc dạy giáo lý vì kinh nghiệm giúp người ta hiểu giáo lý đức tin
dễ dàng. Thiên Chúa cũng tỏ mình ra cho mỗi người qua kinh nghiệm sống của họ.
Giáo Lý viên có nhiệm vụ giúp học viên nhìn đến các kinh nghiệm sống hằng ngày
dưới lăng kính của Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh. Chỉ có như thế việc dạy
giáo lý mới dẫn đến một cuộc sống nội tâm Kitô sâu xa.
46. Việc học thuộc lòng giúp học viên thu nhận vào bản thân các chân lý đức
tin. Việc học thuộc lòng các công thức chính yếu của đức tin rất hiệu quả sau
khi đã hiểu tường tận chúng. Trong số các công thức của đức tin, học viên cần
phải nhớ những đoạn Thánh Kinh chính, các kinh quan trọng trong Phụng Vụ, và
các kinh thường nhật (Dấu Thánh Giá, Kinh Tin Kính của các Tông Đồ, Kinh Lạy
Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Ăn Năn Tội …).
Chủ thể của việc dạy giáo lý
47. Giáo
Hội là chủ thể đầu tiên của việc dạy giáo lý, cụ thể trong Giáo Hội địa
phương thì “các giám mục là những người
có trách nhiệm đầu tiên về việc dạy giáo lý và phải là những giáo lý viên
tuyệt vời”.62 “Trong giáo phận, dạy
giáo lý là một công việc duy nhất, được hoàn thành nhờ sự hợp tác giữa các linh
mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, trong sự thông hiệp với giám mục. Tất cả cộng đoàn phải cảm thấy có trách
nhiệm đối với công việc này”.63
Đối tượng của việc dạy giáo lý
48. Mọi
tín hữu đều có nhu cầu và quyền lợi được tiếp nhận một nền giáo lý vững chắc:64
“Mọi người đã được rửa tội, vì được Chúa mời gọi tiến đến một đức tin trưởng
thành, đều cần và có quyền được tiếp nhận một huấn giáo thích hợp. Vì thế, bổn
phận hàng đầu của Giáo Hội là phải cung cấp theo nhu cầu. Về vấn đề này, nên nhắc
lại ngay rằng đối tượng đón nhận Tin Mừng ‘là một con người cụ thể, trong lịch
sử đã bén rễ sâu vào một hoàn cảnh nhất định và không ngừng chịu ảnh hưởng bởi
những hoàn cảnh tâm lý, xã hội, văn hóa và tôn giáo, dù họ có ý thức hay không.
Trong việc dạy giáo lý, người đón nhận phải có thể tỏ ra là một chủ thể tích cực,
ý thức và cùng chịu trách nhiệm, chứ không như một máy thu thanh im lặng và thụ
động”.65 Muốn được như thế, việc dạy giáo lý phải được tổ chức theo
những cấp độ khác nhau (từ căn bản đến chuyên sâu), theo sự phát triển tâm sinh
lý của học viên (theo lứa tuổi), và theo những bối cảnh văn hóa, xã hội khác
nhau (theo từng hoàn cảnh khác nhau).
Tổ chức việc dạy giáo lý
Những người thừa hưởng việc dạy
giáo lý
49. Chúa
Giêsu “là giáo lý viên về Nước Thiên Chúa cho mọi người không phân biệt: lớn
hay bé, giầu hay nghèo, khỏe hay yếu, gần hay xa, Do Thái hay lương dân, đàn
ông hay đàn bà, người công chính hay kẻ tội lỗi, dân chúng hay chính quyền, cá
nhân hay tập thể … Ngài quan tâm đến từng người và lo lắng đến những nhu cầu của
họ”.66
Tiếp
nối công trình cũng như tinh thần của Chúa Giêsu, Giáo Hội không ngừng quan tâm
đến con người với những hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau đồng thời mở ra những nẻo
đường khác nhau để gặp gỡ họ và thích nghi cách dạy giáo lý cho phù hợp với tâm
thức cũng như nhu cầu của họ.
Do
đó, có nhiều cách dạy giáo lý khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của con người
trong những hoàn cảnh khác nhau: giáo lý dự tòng và tân tòng nhằm khơi dậy đức
tin ban đầu, giáo lý căn bản nhằm tăng triển đức tin của người đã được rửa tội,
giáo lý lứa tuổi nhằm thích ứng với sự phát triển tâm sinh lý của người học
giáo lý, giáo lý theo từng hoàn cảnh nhằm thích ứng với những bối cảnh xã hội
và văn hóa khác nhau. Nhờ đó, mọi tín hữu - từ ấu nhi, thiếu nhi và thiếu niên
đến giới trẻ, người cao tuổi và những người có hoàn cảnh đặc biệt - đều có thể
tiếp nhận một nền giáo lý vững chắc và thích hợp.67
Những người thi hành thừa tác vụ dạy
giáo lý
50. Trong giáo phận, dạy giáo lý là công việc duy nhất, được hoàn thành nhờ
sự hợp tác giữa các linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân, trong sự thông hiệp với
giám mục. Tất cả cộng đoàn Kitô hữu phải cảm thấy có trách nhiệm đối với dạy
giáo lý và tất cả đều phục vụ cho thừa tác vụ duy nhất của Giáo Hội.68
51. Các giám
mục là những người có trách
nhiệm đầu tiên về việc dạy giáo lý và phải là những giáo lý viên tuyệt vời. Các
ngài đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn tối cao việc dạy giáo lý trong giáo phận:
phải dành ưu tiên cho việc dạy giáo lý, quan tâm đến sự xác thực của lời tuyên
xưng đức tin, khuyến khích mọi người tham gia vào việc dạy giáo lý, lo cho các
giáo lý viên được đào tạo phù hợp với nhiệm vụ của mình, đặc biệt là về giáo lý
cũng như các nguyên tắc tâm lý và sư phạm, thiết lập trong giáo phận một dự án
tổng quát, rõ ràng và mạch lạc về huấn giáo.69
52. Do bí tích truyền chức thánh, các linh mục là
những nhà giáo dục đức tin. Là cộng tác viên của giám mục, các ngài
khuyến khích ơn gọi và công việc của các giáo lý viên, thúc đẩy trong cộng đoàn
tinh thần trách nhiệm chung đối với việc dạy giáo lý, chăm lo cho việc dạy giáo
lý, khuyến khích các ơn gọi phục vụ cho việc dạy giáo lý, đảm bảo việc dạy giáo
lý của cộng đoàn hòa hợp với chương trình mục vụ của giáo phận.70
53. Kinh
nghiệm Kitô giáo đầu tiên của trẻ em được thể hiện trong tương quan giữa các em
và cha mẹ. Không gì có thể thay thế được việc khơi dậy ý thức tôn
giáo cho tuổi thơ trong gia đình. Kinh nghiệm này sẽ được đào sâu nếu như cha
mẹ biết giải thích và giúp con cái nội tâm hóa các bài học giáo lý mà chúng
nhận được nơi cộng đoàn giáo xứ. Cha mẹ nhận được nơi bí tích Hôn Phối ân sủng
và trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ phải được giúp đỡ để chu toàn nhiệm vụ này qua những cuộc
tiếp xúc cá nhân, những cuộc gặp gỡ, những khóa học hỏi và các chương trình
giáo lý dành cho người trưởng thành.71
54. Sự tham gia vào hoạt động giáo lý của các
tu sĩ phát sinh từ cuộc sống theo các lời khuyên Phúc Âm. Sự đóng góp của
họ vào việc dạy giáo lý không thể thay thế bằng các linh mục hay giáo dân.
Nhiều dòng tu được thành lập để lo việc giáo dục đức tin cho các trẻ em và
thanh thiếu niên, nhất là những người bị bỏ rơi. Các đặc sủng khác nhau của các
dòng tu không làm mất đi tính đặc thù của hoạt động giáo lý mà còn làm cho nó
trở nên phong phú và để lại những dấu ấn sâu sắc về tôn giáo, xã hội và sư
phạm.72
55. Hoạt động giáo lý của giáo dân
có tính cách riêng do ơn gọi sống giữa thế gian và biến đổi nó như ý Chúa muốn,
ơn gọi này phát xuất từ bí tích Rửa Tội và được củng cố bằng bí tích Thêm Sức.
Nhờ hai bí tích này, họ được thông phần vào các chức vụ của Đức Kiô; một số
được mời gọi đảm nhận trách vụ giáo lý viên. Có những giáo lý viên chỉ dạy giáo
lý trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có nhiều người kiên trì hy sinh với
lòng quảng đại cho công việc này. Sự phục vụ và cộng tác của họ không kém phần
quý giá.73
Việc đào tạo giáo lý viên
56.
Giáo phận phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc đào tạo giáo lý viên giáo
dân,74 cũng như đào tạo về dạy giáo lý cho
các linh mục và cả các đại chủng sinh nữa vì họ cung ứng một hỗ trợ đặc
biệt và cần thiết cho công cuộc giáo dục đức tin của Giáo Hội;75
phải đào tạo giáo lý viên cho các độ tuổi và hoàn cảnh khác nhau;76
phải đào tạo kỹ lưỡng, toàn diện và chuyên biệt để họ nên thành thạo, đảm bảo
chất lượng và hiệu quả cho việc dạy giáo lý77 vì phẩm cách kitô hữu
tốt đẹp nơi người giáo lý viên quan trọng hơn thủ bản giáo lý và những công cụ
làm việc khác;78 phải đào tạo để mỗi nơi, mỗi cấp bậc có một số giáo
lý viên chuyên nghiệp, dưới sự hướng dẫn của các mục tử và của tổ chức huấn
giáo;79 và phải đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo các giáo lý viên
cho người trưởng thành,80 vì giáo lý cho người lớn là hình thức dạy
giáo lý ưu việt nhất.81
57. Việc đào
tạo này có mục đích giúp giáo lý viên ý thức về ơn gọi cao quý và chuyên biệt
của mình trong Giáo Hội;82 giúp họ hiểu biết các mầu nhiệm kitô giáo
và trở nên người môn đệ chân chính của Chúa Kitô, tham dự vào sứ mạng cứu rỗi
của Ngài;83 giúp họ có đủ khả năng và tư cách để loan báo Chúa Giêsu
Kitô và cuộc đời của Ngài trong lịch sử cứu độ, vì việc dạy giáo lý phải mang
tính cách quy Kitô cách rõ nét;84 và loan báo nhân danh Giáo Hội.85
58. Các ứng
viên được tuyển chọn vào trách nhiệm giáo lý viên theo các tiêu chuẩn đầy đủ,
chính xác và dễ phối kiểm do quyền bính của Giáo Hội địa phương thẩm định và đề
ra.86 Họ phải được đào tạo để có được sự thống nhất và hài hòa trong
nhân cách của giáo lý viên nghĩa là đạt đến sự thống nhất đời sống trên các
bình diện thiêng liêng, thế tục và tông đồ;87 và có được một đức tin
sâu sắc, gắn bó với Chúa Kitô và Giáo Hội, đồng thời nhạy cảm với các vấn đề
của xã hội.88
59. Tóm lại,
phải đào tạo giáo lý viên thế nào để họ có thể là thầy dạy, là nhà giáo dục và
là chứng nhân,89 thành một người tốt, một tín hữu sốt sắng và một
tông đồ nhiệt thành.90 Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải được đào
tạo Thánh kinh và Thần học, được tiếp xúc với các khoa học tâm lý, xã hội, giáo
dục và truyền thông, được đào tạo về sư phạm và được đào tạo giữa lòng các cộng
đoàn Kitô hữu91 cũng như trong các trường dành cho giáo lý viên
thông thường, cho người có trách nhiệm về huấn giáo và cho các chuyên viên về
huấn giáo.92
Những địa điểm huấn giáo
60.
Trong lịch sử, địa điểm hay trung tâm huấn giáo chính là cộng đoàn tín hữu dưới
những dạng thức khác nhau, mẫu mực như Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương,
gần gũi như gia đình, giáo xứ, trường học Công giáo, các hiệp hội và phong trào
Công giáo, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản…, ở những nơi ấy người Kitô hữu được
sinh ra, được giáo dục và sống trong đức tin.93
Việc tổ chức mục vụ huấn giáo
Cấp giáo phận
61.
Việc dạy giáo lý là một sinh hoạt rất quan trọng trong đời sống của một Giáo Hội
địa phương, đến nỗi không một giáo phận nào mà không cần đến một Ban giáo lý.94
Ban giáo lý (BGL) là cơ quan qua đó giám mục, người chịu trách nhiệm cộng đoàn
và thầy dạy đức tin, điều hành và hướng dẫn tất cả các sinh hoạt huấn giáo của
giáo phận.95
Nhiệm
vụ chính của BGL giáo phận là:
a/
phân tích tình hình giáo dục đức tin để xác định nhu cầu liên quan đến huấn
giáo,
b/
soạn thảo một chương trình hành động ấn định rõ mục tiêu, phương hướng và hoạt
động cụ thể, c/ khuyến khích và đào tạo giáo lý viên,
d/
soạn thảo hay cung cấp cho giáo lý viên những phương tiện hỗ trợ cho việc dạy
giáo lý,
e/
tăng cường và nâng đỡ những học viện chuyên biệt về giáo lý của giáo phận,
f/
cải thiện nguồn nhân vật lực ở cấp giáo phận, giáo hạt và giáo xứ, và
g/
cộng tác với ủy ban Phụng vụ, đặc biệt trong việc dạy giáo lý khai tâm và dự
tòng.96 Để hoàn tất những công việc trên, văn phòng giáo lý phải nhờ
đến một nhóm linh mục, tu sĩ và giáo dân có khả năng chuyên môn.97
Cấp liên giáo phận
62. Các giáo phận khác nhau, đặc biệt các
giáo phận gần gũi về mặt địa lý và đồng nhất về văn hóa, nên kết hợp những hoạt
động riêng lại với nhau, góp chung những kinh nghiệm và những việc làm, những
khả năng và những phương tiện, để những giáo phận có nhiều khả năng hơn giúp đỡ
các giáo phận khác và người ta có thể soạn thảo một chương trình hành động
chung mang tính địa phương.98
Cấp quốc gia
63.
Bên cạnh Hội đồng Giám mục, phải thiết lập một ban huấn giáo hay trung tâm quốc
gia về huấn giáo mà nhiệm vụ chính là giúp đỡ mỗi giáo phận về công việc dạy
giáo lý, những công việc vượt qua khả năng của giáo phận hay của miền như xuất
bản những tài liệu cấp quốc gia, tổ chức những hội nghị toàn quốc, phổ biến những
thông tin và kế hoạch về huấn giáo, phối hợp sinh hoạt và giúp đỡ các giáo phận
thiếu trang bị về vấn đề huấn giáo.99
Cấp quốc tế
64.
Trong việc huấn giáo, tác vụ của Phêrô được thực thi một cách tuyệt vời qua những
giáo huấn của người. Về vấn đề huấn giáo, Đức Thánh Cha hành động cách trực tiếp
và đặc biệt qua trung gian của Bộ Giáo Sĩ.100
Tầm quan trọng của sự phối hợp
65.
Các hoạt động loan báo Tin Mừng nói chung và huấn giáo nói riêng cần có sự phối
hợp tốt.101 Sự phối này không chỉ là vấn đề thuần túy chiến lược để
làm cho các hoạt động được hiệu quả hơn, nhưng còn là vấn đề thần học liên quan
đến sứ vụ duy nhất và toàn vẹn của Giáo Hội: duy nhất vì khởi đi và quy hướng về
Đức Giêsu Kitô, toàn vẹn vì bao gồm nhiều hoạt động từ loan báo Tin mừng đầu
tiên đến tăng trưởng đức tin cũng như đem Tin Mừng thấm nhập mọi lãnh vực đời sống
xã hội và văn hoá.102
66.
Trong thực tế, cần có sự phối hợp giữa những hình thức dạy giáo lý cho các lứa
tuổi và môi trường xã hội khác nhau, giữa việc dạy giáo lý với những hình thức
khác của tác vụ Lời Chúa và loan báo Tin Mừng, giữa sinh hoạt truyền giáo và
sinh hoạt dự tòng, giữa hoạt động giáo dục và giáo dục đức tin cho cùng một đối
tượng nhất là ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên và giới trẻ.103
67.
Kế hoạch giáo lý cấp giáo phận bao gồm những tiến trình dạy giáo lý khác nhau
dành cho những người được thừa hưởng thuộc các lứa tuổi khác nhau”.104
Để các tiến trình dạy giáo lý khác nhau này có được sự liên kết chặt chẽ với
nhau trong một kế hoạch giáo lý duy nhất, cần quan tâm đến việc dạy giáo lý cho
người trưởng thành đồng thời lấy nó làm trục chính.105
2. Dạy giáo lý trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hóa
68. Công đồng Vaticanô II từ năm 1965 đã nhận ra những
đổi thay sâu xa trong đời sống xã hội tác động lớn lao trong trên đời sống đức
tin của các tín hữu: “nhân loại hôm nay đang sống vào một giai đoạn mới của
lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng
đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và
nỗ lực sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con
người, trên những phán đoán và ước vọng cá nhân hay tập thể con người, trên
cách suy tư và hành động đối với sự vật cũng như con người. Như vậy, chúng ta
có thể nói đến sự biến đổi đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa, sự biến
đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo”.106
69. Từ những nhận định của Công Đồng, Đức Thánh Cha Chân
Phước Gioan Phaolô II đã đưa ra chương trình mục vụ “Tân Phúc âm hóa” mà nội
dung chính đã được Ngài diễn tả trong bài nói chuyện với các Giám mục Châu Mỹ La tinh nhân dịp kỷ niệm 500 năm
rao giảng Phúc Âm tại châu lục này: “Công cuộc kỷ niệm bán thiên niên việc
rao giảng Phúc Âm sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu chư huynh, là giám mục, cùng với
hàng linh mục và giáo dân, dấn thân không phải trong việc Tái Phúc âm hoá
(re-evangelization), nhưng trong cuộc Tân Phúc âm hóa (new evangelization): mới
về lòng nhiệt thành, mới về phương pháp và mới về cách diễn tả.”
70. Trong tông huấn “Người Kitô Hữu Giáo Dân”
(Christifideles laici), công bố năm 1988, ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II lại nói
đến Tân Phúc Âm hóa nhưng trong một hoàn cảnh khác, hoàn cảnh của “nhiều
quốc gia, trước đây có một đời sống Kitô phồn thịnh và có khả năng làm phát
sinh những cộng đồng đức tin sống động, nay bị thử thách nặng nề hay có khi bị
biến đổi sâu xa vì những hiện tượng thờ ơ, thế tục hoá và vô thần. Đây đặc biệt
là hoàn cảnh của các nước thuộc thế giới tân tiến. Tại các vùng khác trên thế
giới, các truyền thống đạo đức và các tâm tình Công giáo vẫn còn được bảo tồn
sống động. Nhưng các gia sản thiêng liêng đó đang gặp nguy cơ bị tan biến dưới
sức mạnh của nhiều trào lưu, trong đó có trào lưu tục hóa và sự lan tràn của
các giáo phái (sects). Chỉ có cuộc Tân Phúc âm hoá mới có thể đoan chắc cho đức
tin thăng tiến tinh nguyên và sâu xa, có khả năng làm cho những truyền thống ấy
trở thành một sức mạnh tự do thật”.107
Tân phúc âm hóa là gì?
71. Những thay đổi trong xã hội ngày càng sâu rộng và gây
ra cuộc khủng hoảng đức tin trong đời sống Giáo Hội. Vì thế, ĐTC Bênêđictô XVI
đã coi Tân Phúc âm hóa như chương trình mục vụ chính yếu, qua việc thiết lập
Hội đồng Giáo hoàng về việc cổ vũ Tân Phúc âm hóa và triệu tập Thượng Hội đồng
Giám mục khóa thường lệ, lần thứ XIII, tháng 10 năm 2012, với đề tài “Tân
phúc âm hóa để thông truyền Đức Tin”.
72. Trong Tài liệu Chuẩn bị cho Hội Nghị vào tháng 10 năm
2012, Thượng Hội đồng Giám mục không chỉ muốn duyệt xét lại thái độ của chúng ta đối với việc LBTM trên bình diện hành động, nhưng còn
muốn: “duyệt xét lại phẩm chất của đức tin của
chúng ta, duyệt xét lại cách thức là Kitô hữu, môn đệ của Chúa Giêsu Kitô,
được sai đi để giới thiệu Ngài cho thế giới, là chứng nhân đầy tràn Chúa Thánh
Thần (x. Lc 24,48; Cv 1,8), được kêu gọi để ra đi làm cho mọi người thuộc mọi
dân nước trở thành môn đệ của Chúa Kitô (x. Mt 28,19). Câu hỏi về việc
truyền đạt đức tin không được xoay vần chung quanh chiến thuật truyền đạt cho
hữu hiệu hơn, hay chung quanh đối tượng của việc truyền đạt, nhưng phải được
hiểu như câu hỏi nhắm đến chủ thể được trao phó trách nhiệm lo công việc thiêng
liêng này. Phải trở thành một câu hỏi của Giáo Hội về
chính mình”.108
Tân Phúc Âm hóa những gì?
73. Trong ba lãnh vực cần canh tân là lòng nhiệt thành,
phương pháp và cách diễn tả, thì ưu tiên hàng đầu là canh tân lòng nhiệt
thành nơi những người dấn thân trong các lãnh vực mục vụ của Giáo Hội, gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân; sau đó, mới đến phương pháp
và sau cùng là cách diễn tả.
Tân Phúc Âm hóa chủ thể dạy giáo lý
74. Để có thể đổi mới lòng
nhiệt thành trong công cuộc “Tân Phúc
Âm hóa”, trước hết cần đổi mới nhiệt tình của chủ thể giáo lý, nghĩa là đổi mới
nhiệt tình loan báo Tin Mừng của chính giáo lý viên, những người trực tiếp tham
gia dạy giáo lý. Điều này đòi hỏi tái xác định căn tính của giáo lý viên và
khám phá lại linh đạo của giáo lý viên theo tinh thần Tân Phúc Âm hóa.
Xác định lại căn tính của Giáo lý viên
75. Trong cái nhìn của
Giáo Hội, giáo lý viên là: (1) “những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp,
những người rao giảng Phúc âm không thể thay thế; họ là những người tiêu biểu
cho sức mạnh căn bản của các cộng đoàn Kitô hữu”;109 (2) “một giáo
dân được Giáo Hội đề cử, tùy theo những nhu cầu địa phương, để làm cho Đức Kitô
được nhận biết, yêu mến và bước theo, nơi những người chưa biết Chúa và ngay cả
nơi các tín hữu”;110 (3) một
ơn gọi phát xuất từ bí tích Rửa tội và được củng cố bằng bí tích Thêm sức.111
Khám phá lại linh đạo giáo lý viên
76. Trong bài nói chuyện với
khoảng 1.600 giáo lý viên tại Đại Hội Quốc tế về Giáo lý diễn ra ở Rôma từ
26-29/9/2013, ĐTC Phanxicô cho thấy nét chính yếu trong linh đạo giáo lý viên:
(1)
kết hợp mật thiết với Đức Kitô,
(2)
noi gương Đức Kitô ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác, và
(3)
đến tận những vùng biên để loan báo Tin Mừng.
Theo
Đức Thánh Cha, đổi mới lòng nhiệt thành là khởi sự lại từ Đức Kitô, là “đi vào
một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp
gỡ mình”,112 cụ thể là sống
thân mật với Chúa trong thinh lặng, trong sự hiện diện của Ngài, để cho
lửa tình yêu của Ngài sưởi ấm tâm hồn để có thể sưởi ấm tâm hồn những người
khác; là học với Chúa để ra khỏi chính
mình và gặp gỡ những người khác. Giáo lý viên phải ý thức rằng mình đã
nhận được một món quà đức tin, đến lượt mình, cũng phải trao nó lại cho những
người khác như một món quà; là đi với
Chúa đến tận các vùng biên, nơi Chúa
Giêsu chờ đợi chúng ta trong con tim của anh em chị em, nơi vết thương hằn sâu
trên da thịt của họ, trong đời sống bị áp bức của họ, trong tâm hồn thiếu vắng
niềm tin của họ.113
Linh đạo này giúp giáo lý
viên đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng
ngập tràn niềm vui.
Tân Phúc Âm hóa phương pháp dạy giáo lý
77. Trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, ĐTC Phanxicô dành tất cả 14 số [160-174] để
bổ sung cho những văn kiện của Tòa Thánh về việc dạy giáo lý. Sau khi xác định
việc dạy giáo lý như là đòi hỏi của mệnh lệnh truyền giáo nhằm giúp người thụ
giáo lớn lên trong đức tin (Gl 2,20)
[160] nhờ tăng trưởng trong đức ái (1 Tx
3,12) [161] hay giúp họ được biến đổi trong Đức Kitô nhờ sống một đời sống
“theo Thần Khí” (Rm 8,5) [162], Đức Thánh
Cha đề cập tới trọng tâm của việc dạy giáo lý [163-165], khía cạnh khai tâm mầu
nhiệm (mystagogic initiation) trong việc dạy giáo lý [166-168], đồng hành
thiêng liêng [169-173] và nguồn mạch của việc dạy giáo lý [174]. Chúng ta cùng
tìm hiểu các vấn đề này, ngoại trừ việc khai tâm mầu nhiệm sẽ được bàn tới
trong đề mục sau.
Lời loan báo Tin Mừng đầu tiên phải không ngừng vang lên
78. Theo Đức Thánh Cha, lời
loan báo Tin Mừng đầu tiên “Đức Kitô yêu bạn và hiến mạng sống để cứu bạn. Ngài
đang sống bên cạnh bạn để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn” phải không
ngừng vang lên trên môi miệng của giáo lý viên. Nó là lời rao giảng chính yếu
mà giáo lý viên phải không ngừng nghe đi nghe lại cũng như lặp đi lặp lại bằng
nhiều cách khác nhau trong suốt tiến trình huấn giáo, ở mọi cấp độ và mọi thời
điểm, vì chính bản thân giáo lý viên cần được loan báo Tin Mừng.114
Lời rao giảng này được phản ánh trong huấn giáo và không ngừng soi sáng huấn
giáo. Nó phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa và đi trước mọi bổn phận
luân lý hay tôn giáo. Nó không được áp đặt nhưng kêu gọi tự do đón nhận sự thật.
Nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và sự cân bằng hài
hòa để không bị giản lược vào mớ lý thuyết khô khan mang tính triết học hơn là
tính phúc âm. Điều này đòi hỏi giáo lý viên phải có thái độ gần gũi, sẵn sàng đối
thoại, kiên nhẫn, nồng ấm, niềm nở, tựu trung là không phê phán nhưng giúp người
nghe mở lòng ra cho sứ điệp Tin Mừng.115
Đồng hành với người thụ giáo trong tiến trình tăng trưởng đức tin
79. Trong thế giới mà con người đau khổ
không những vì không được ai biết đến mà còn vì tò mò tọc mạch đời sống của người
khác, thì kitô hữu phải học biết đồng hành với người khác trong sự tôn trọng
huyền nhiệm của họ, phải thể hiện được thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của
Đức Kitô để giúp chữa lành và khích lệ họ tăng trưởng trong đời sống kitô giáo.116
Đồng hành thiêng liêng phải dẫn người
khác đến gần Chúa hơn, nơi Người họ đạt tới
sự tự do đích thực. Nó sẽ phản tác dụng khi giúp họ trở nên tự mãn hơn và không
còn lữ hành với Đức Kitô trên đường về với Chúa Cha.117
80. Việc đồng hành với người
khác đòi hỏi sự thận trọng, cảm thông, kiên nhẫn và ngoan ngoãn vâng theo sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, cần phải biết lắng nghe người khác với lòng
tôn trọng và cảm thông để có được những lời nói và cử chỉ thích hợp giúp đánh
thức khát vọng lý tưởng kitô giáo, ước muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa ở
nơi họ và làm cho những gì Ngài gieo trong cuộc đời họ sinh hoa kết trái. Vì vậy,
cần có khoa sư phạm dẫn người ta từng bước một tới sự lãnh hội đầy đủ mầu nhiệm,
đạt tới sự trưởng thành thể hiện qua những quyết định tự do và trách nhiệm.118
81. Đồng hành viên cần hiểu
hoàn cảnh và đời sống thiêng liêng của mỗi người là một huyền nhiệm không thể
thấu triệt từ bên ngoài. Do đó, khi cần phải sửa lỗi để họ lớn lên, đồng hành
viên sẽ giúp họ nhận ra điều xấu đã làm mà không quy trách và kết tội. Đồng
hành viên giỏi không đầu hàng trước thất bại và sợ hãi nhưng mời gọi người khác
bỏ lại mọi sự phía sau để lên đường loan báo Tin Mừng.119
Việc
đồng hành thiêng liêng đích thực luôn khởi đầu và triển nở trong lãnh vực phục
vụ cho truyền giáo. Khi đồng hành với các môn đệ, thánh Phaolô cống hiến cho họ
những quy tắc cho đời sống cá nhân và hoạt động mục vụ, chứ không can thiệp
hay bỏ mặc họ tự thể hiện cách đơn độc.120
Việc dạy giáo lý phải dựa trên Lời Chúa
82. Mọi hoạt động loan báo
Tin Mừng phải dựa trên Lời Chúa, phải lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm
chứng cho Lời. Lời Chúa chính là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng. Lời
Chúa phải không ngừng được đặt một cách đầy đủ hơn vào tâm điểm của mọi hoạt động
của Hội Thánh. Việc giảng Lời sống động và hiệu quả có tác dụng chuẩn bị cho việc
lãnh nhận bí tích và Lời đạt được hiệu quả tối đa trong bí tích.121
Thiên
Chúa đã nói với chúng ta tất cả những gì chúng ta cần biết về Người trong Kinh
Thánh. Vì thế, chúng ta cần phải học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh
Thánh, đặc biệt đọc Lời Chúa trong tâm thế cầu nguyện (lectio divina). Lời Chúa
phải triệt để làm cho việc dạy giáo lý và mọi cố gắng thông truyền đức tin của
chúng ta trở nên phong phú.122
Tân Phúc Âm hóa cách diễn tả trong việc dạy giáo lý
83. Đức Thánh Cha nhắc nhở giáo lý viên phải quan tâm đến
khía
cạnh khai tâm mầu nhiệm (mystogogic initiation) trong việc dạy giáo lý. Việc
khai tâm này đòi hỏi sự tham gia của cộng đoàn và việc đánh giá lại các dấu chỉ
phụng vụ. Theo Đức
Thánh Cha, nhiều thủ bản và chương trình chưa lưu ý đủ đến nhu cầu khai
tâm mầu nhiệm vốn có nhiều dạng thức khác nhau tùy nhận thức của mỗi cộng đoàn
giáo dục.
Vận dụng các biểu tượng giầu ý nghĩa
84. Huấn giáo là việc công
bố Lời và luôn tập trung vào Lời, nhưng cũng đòi hỏi môi trường thích hợp và sự
trình bày hấp dẫn, việc sử dụng các biểu tượng giầu ý nghĩa vốn tháp nhập người
nghe vào tiến trình tăng trưởng rộng hơn, việc toàn nhập mọi chiều kích của con
người vào hành trình lắng nghe và đáp lại của cộng đoàn.123
Vận dụng cái đẹp để thông truyền đức tin
85. Huấn giáo không chỉ nhấn
đến sự thật nhưng cần chú ý và quý chuộng cái đẹp vì nó là phương tiện làm rung
động lòng người và giúp cho sự thật cũng như sự tốt lành của Đấng Phục Sinh trở
nên rạng rỡ trong lòng họ. Vì vậy, cần phải huấn luyện vận dụng cái đẹp để
thông truyền đức tin. Mỗi Giáo hội phải khuyến khích dùng nghệ thuật cổ điển hoặc
đương đại trong công cuộc Phúc Âm hóa, mạnh dạn khám phá những ký hiệu mới, những
biểu tượng mới, những cách thể hiện khác nhau của cái đẹp cũng như những hình
thức phá cách của nó trong các nền văn hóa để thông truyền đức tin.124
· Nhấn mạnh đến sự hấp dẫn và lý tưởng của đời sống trung thành với Tin Mừng
86. Về khía cạnh luân lý
trong huấn giáo, cần nhấn mạnh luôn đến sự hấp dẫn và lý tưởng của đời sống
khôn ngoan, thành toàn và phong phú khi trung thành với Tin Mừng. Nhờ sự hấp dẫn
và lý tưởng đó, người ta hiểu được tại sao mình phải từ bỏ điều xấu. Giáo lý
viên không nên là chuyên viên báo họa hay quan tòa khắc nghiệt, trái lại, nên
là sứ giả vui tươi của những đề nghị đầy thách thức hay người bảo vệ cái tốt và
cái đẹp trong đời sống trung thành với Tin Mừng.125
Nhận định chung
87. Hướng dẫn của Giáo Hội hoàn vũ về huấn giáo cho chúng
ta thấy việc dạy giáo lý trước hết và trên hết phải
phục vụ cho sứ vụ chung của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho
mọi người, nhờ đó họ khám phá ra ý nghĩa đời sống và được lớn lên như những con
người mới. Nếu như sứ vụ này có tính duy nhất vì khởi đi và quy hướng về Đức
Giêsu và có tính toàn diện vì bao gồm nhiều hoạt động khác, từ loan báo Tin
Mừng đầu tiên đến giáo dục đức tin trưởng thành và đem tinh thần Phúc Âm thấm
nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa, thì mọi hoạt động giáo lý cũng phải duy nhất và toàn diện: duy nhất khi
công bố Danh Chúa Giêsu và toàn diện khi làm cho đức tin của các tín hữu lớn
lên qua các giai đoạn cho đến mức trưởng thành và trở thành tác nhân biến đổi
xã hội.
88. Trong bối cảnh
Tân Phúc Âm hóa, huấn giáo hồi sinh đức tin cho những người đã được rửa tội,
dẫn đưa họ đến cùng Chúa Giêsu, đến cuộc gặp gỡ cá vị với Ngài, để chính họ có
thể trở thành người thông truyền đức tin, thông truyền kinh
nghiệm gặp gỡ Chúa cho mọi người.
Như thế, dù có nhiều hình thức Phúc Âm hóa khác nhau và sử dụng nhiều
phương pháp khác nhau thì mọi nỗ lực và hoạt động giáo lý vừa phải trung
thành với Thiên Chúa, nghĩa
là trung thành với sứ điệp Đức Kitô là Con Thiên Chúa, Đấng làm người, đã chết
và sống lại, vừa phải trung thành với con người, nghĩa là phải khởi đi
từ những hoàn cảnh cụ thể và các mối quan tâm của họ, rồi quy về mối tương quan
giữa con người với nhau cũng như giữa con người với Thiên Chúa
CHƯƠNG III
HƯỚNG CANH TÂN GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM
Bên cạnh những hướng dẫn tổng quát của Giáo Hội hoàn vũ, còn có những hướng
dẫn cụ thể của Giáo Hội địa phương mà chúng ta phải quan tâm để hoạt động giáo
lý được hòa hợp với kế hoạch mục vụ chung của Giáo Hội tại Việt Nam. Hơn nữa, các giám mục là những người đầu tiên chịu trách nhiệm đối
với vấn đề huấn giáo của Giáo Hội địa phương.126
1. Hội đồng Giám mục Việt Nam và việc dạy giáo lý
89. Chúng ta có thể nhận được sự hướng dẫn của Hội đồng Giám
mục Việt Nam qua thư chung về giáo dục đức tin năm 2007 và thư chung Hậu Đại Hội
Dân Chúa 2010.
Thư Chung về giáo dục đức tin năm 2007
Sau khi nhận định về hiện tình giáo dục và giáo dục đức
tin tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã đề ra những phương hướng cụ thể cho hoạt
động giáo dục Kitô giáo, cách riêng trong lãnh vực đức tin.
90. Trong Thư
Chung năm 2007, các giám mục lạc quan khi thấy đông đảo học viên theo học các lớp giáo
lý dự tòng và hôn nhân hay giới trẻ
vẫn còn quí trọng những giá trị Kitô giáo. Các ngài cũng
tỏ ra quan ngại khi thấy nhiều bậc phụ huynh công giáo, kể
cả các vị mục tử, vẫn còn lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thông truyền
đức tin cho con cái, không tổ chức hoặc không lo lắng cho con em tham dự những
lớp giáo lý tại giáo xứ. Một số nơi,
giáo lý vẫn còn bị xem là những bài lý thuyết cần phải thuộc lòng để được lãnh
bí tích. Việc giảng dạy chưa thực sự có phương pháp sư phạm phù hợp và chưa đi
với chứng từ sống động của người rao truyền. Những bất cập trên đây đòi chúng
ta phải điều chỉnh lại cung cách giáo dục đức tin cho đúng tinh thần Tin Mừng.127
91. Đối với các giám mục, giáo lý viên giống như cành nho
gắn liền với thân nho là Chúa Kitô, hút nhựa sống Lời Chúa từ thân cây là Chúa
Giêsu để chuyển đến các học viên bằng chứng từ rao giảng và thực thi huấn lệnh
Chúa (20), đồng thời mọi Kitô hữu chúng ta đều là giáo lý viên, bởi vì qua bí
tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi tham gia vào một công trình giáo dục trong
đó, theo lời Ðức Gioan Phaolô II, "mỗi chúng ta vừa là đích điểm, vừa là
khởi điểm của việc huấn luyện: chúng ta càng tự rèn luyện mình, càng có khả
năng huấn luyện người khác".128
92. Theo các giám mục, giáo dục đức tin trong gia đình
không thể tách rời khỏi giáo dục đức tin tại giáo xứ. Nếu tại gia đình, đức tin
được truyền thụ bằng phương pháp tiếp cận và thực hành, những bài học được
giảng dạy ngay giữa thực tế, thì tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ
giảng giải và cử hành phụng vụ. Chính khi đối chiếu và đón nhận cảm tưởng của
nhau, đoàn kết yêu thương và cầu nguyện chung với nhau, đức tin của Kitô hữu
được nuôi dưỡng và củng cố.129 Những lớp giáo lý là những phương
cách căn bản của giáo dục Kitô giáo, cha xứ cùng với các giảng viên sẽ chịu
trách nhiệm khai tâm Kitô giáo và dạy giáo lý cho các học viên chuẩn bị lãnh
các bí tích. Tại đây, giáo dân có môi trường thể hiện đức tin với các thành
phần khác của cộng đoàn và được tham dự cách ý thức vào các giờ kinh lễ, phụng
vụ, bí tích. Cùng với giáo xứ, các tổ chức, các đoàn thể Công Giáo và cộng đoàn
Giáo Hội cơ bản cũng là những môi trường không thể thiếu để giáo dục Kitô giáo
được triển nở toàn vẹn và quân bình.130
93. Trong các nhiệm vụ của việc dạy giáo lý, các giám mục
nhấn mạnh đến việc huấn luyện lương tâm. Huấn luyện lương tâm, theo các giám
mục, không chỉ là giảng dạy những mệnh lệnh luân lý nhưng còn tập cho học viên
hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác. Khi có lương tâm ngay thẳng,
con người sẽ dễ dàng cộng tác để xây dựng cuộc sống công bằng, tôn trọng phẩm
giá và sự sống con người hơn.131
94. Sau hết, các giám mục nhắc nhở các nhà giáo dục cũng
như giáo lý viên phải quan tâm đến truyền thống văn hóa Việt Nam và phát huy
nền văn hóa của dân tộc. Dân tộc chúng ta lấy đạo hiếu làm nền tảng đạo đức. Vì
thế, nó phải là tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam (37).132
Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010
Xây dựng hiệp thông, mối bận tâm mục vụ chính của Giáo Hội tại Việt Nam
95. Giáo Hội tại Việt Nam quan tâm đến
việc củng cố và
phát huy sự hiệp thông với Giáo Hội phổ quát cũng như các Giáo Hội chị em khác,
nhằm thể hiện
sự hợp nhất như Chúa Giêsu mong đợi (x. Ga 17,21) đồng thời nỗ lực xây dựng
hiệp thông trong Giáo Hội địa phương qua
sự hợp nhất yêu thương giữa mọi thành
phần Dân Chúa.133
Mối tương quan
giữa giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân được đặt nền trên phẩm giá bình đẳng
của mọi tín hữu, cũng như tinh thần đồng trách nhiệm của từng tín hữu nơi Thân
Mình Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến. Đại Hội Dân Chúa mong muốn Giáo Hội tại
Việt Nam củng cố sự hiệp thông và tham gia trong đời sống Giáo Hội ở mọi cấp
bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và
sứ vụ của Giáo Hội. Việc xây dựng một Giáo Hội hiệp thông và tham gia phải là
mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới.134
96. Đại Hội Dân
Chúa ý thức rằng việc dạy và học giáo
lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời
đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Dân Chúa mong
mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như
một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn
hóa Việt Nam. Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường
huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên.135
97. Để hiểu rõ hơn
những mong mỏi của Dân Chúa được ghi lại vắn tắt trong Thư Chung, chúng ta có
thể xem lại những đề nghị của Đại Hội về huấn giáo. Trong đề nghị số 2, Dân
Chúa kiến nghị: Trong chương trình đào tạo linh mục, cần tạo điều kiện cho các chủng sinh có
những kinh nghiệm về dạy giáo lý cho nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau; trong chương trình thường huấn linh mục, cần củng
cố ý thức về tầm quan trọng của huấn giáo trong cuộc canh tân liên lỉ của Giáo
Hội; trong mục vụ giáo xứ, cần đặt
huấn giáo thành mối quan tâm hàng đầu; trong việc đào tạo giáo lý viên, cần giúp các
giáo lý viên hun đúc tinh thần tông đồ, đạt được một kiến thức giáo lý vững
chắc và được canh tân dựa trên Lời Chúa, cùng với phương pháp sư phạm thích
hợp, để trình bày giáo lý cách hữu hiệu, cũng cần có những
khóa nâng cao trình độ giáo lý viên cũng như những buổi tĩnh tâm, linh thao,
trại hè, giao lưu… cho giáo lý viên trong giáo phận; cần chú trọng
đến chương trình giáo lý trước và sau Hôn phối, nhằm giúp các gia đình trẻ sống trọn vẹn ơn gọi đời sống hôn nhân. Để
thực hiện chương trình này, cần có sự hợp tác giữa linh mục và tu sĩ với anh
chị em giáo dân có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm đời sống gia đình.
98. Trong đề nghị
21, Dân Chúa ý thức rằng Giáo Hội tại Việt Nam gặt hái nhiều thành quả tông đồ
nhờ các giáo lý viên, trẻ cũng như đứng tuổi, đang dấn thân quảng đại cho việc
dạy giáo lý, trong các cộng đoàn cũng như ở những nơi rất hẻo lánh. Để các giáo
lý viên có thể chu toàn sứ mạng cao cả, cần chú tâm đến việc đào tạo. Chương
trình đào tạo giáo lý viên phải quan tâm đến cả bốn chiều kích: nhân bản, tri
thức, thiêng liêng và mục vụ. Giáo phận nên tìm ra những phương thức cụ thể để
hỗ trợ các giáo lý viên, ngay cả về vật chất tài chính, vì nhiều người trong họ
tuy rất quảng đại song đời sống còn rất chật vật.
Có thể nói
thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2012 đã thực hiện được một bước đi mang tính đột
phá. Nó không chỉ là công trình của hàng giám mục mà của mọi thành phần Dân
Chúa: “Các vị đại diện của mọi thành phần Dân Chúa sẽ cùng với Hội Đồng Giám
Mục cầu nguyện, suy nghĩ và trao đổi nhằm nhận diện những thuận lợi và thách đố
cho Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện tại, đề ra những hướng đi mục vụ
thích hợp trong giai đoạn tới, mong xây dựng Giáo Hội như lòng Chúa mong muốn
là Giáo Hội của Chúa Kitô ở giữa dân tộc của mình” (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam,
Thư Chung gởi Cộng đồng Dân Chúa, ban
hành tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, ngày 9 tháng 4 năm 2010).
Trong ý
hướng ấy, Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, là hướng dẫn căn bản của Giáo
Hội cho việc canh tân huấn giáo tại Việt Nam. Cho dù, Thư Chung chỉ trực tiếp
đề cập tới huấn giáo khi đề cập tới việc học hỏi Lời Chúa ở số 11, nhưng hướng
đi mục vụ mà các giám mục chọn lựa cho hoàn cảnh hiện tại mới là điều quan
trọng và định hướng cho mọi hoạt động mục vụ nói chung và cho huấn giáo nói
riêng.
2. Hiệp thông, cách thức mới để sống và hoạt động mục vụ
99.
Trong Thư Chung này, các giám mục không chỉ quan tâm đến sự hiệp thông mà còn đặt
sự hiệp thông làm cách thức mới để sống
và hoạt động mục vụ của Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Chọn
lựa này mở ra cuộc hoán cải theo Tin Mừng trên bình diện Giáo Hội. Cuộc hoán cải
này đòi hỏi Giáo Hội xuất phát lại từ bản chất của mình là hiệp thông, sự hiệp
thông năng động với Thiên Chúa được sống và thể hiện trong sự hiệp thông với
anh chị em của mình, như các tín hữu và như những con người-hình ảnh Thiên
Chúa.
Xuất phát lại từ sự
hiệp thông mà Thiên Chúa ban tặng cho mình từ ban đầu, Giáo Hội tại Việt Nam không
thể giam mình trong “tháp ngà” nhưng phải “ra khỏi chính mình” để đến với mọi
người, chia sẻ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” của họ, nhờ đó, có thể
nhận ra hoạt động Thánh Thần nơi những người nghèo hèn bé mọn. Giáo Hội phải
xâm nhập thực tế, phân tích xã hội, suy tư thần học trước khi lập ra những kế
hoạch mục vụ.
100.
Như thế, sự hoán cải dưới ánh sáng của sự hiệp thông Giáo Hội khơi nguồn cho sự
hoán cải trong mục vụ, mở ra một chu kỳ mục vụ năng động (Dynamic Pastoral
Cycle) và dẫn đến một lối tiếp cận mục vụ toàn diện (Asian Integral Pastoral
Approach) vốn được đánh giá dựa trên tình yêu của người môn đệ dành cho những
người bé mọn. Kế hoạch mục vụ vốn được hiểu như nâng đỡ đức tin của các tín hữu
lớn lên qua các giai đoạn cho đến mức trưởng thành, không thể giữ họ mãi mãi là
những kẻ hưởng nhận sự chăm sóc mục vụ, mà còn phải làm cho họ, cùng với chủ
chăn, dần dần trở thành tác nhân tích cực cho sự biến đổi môi trường nhân sinh.
Tóm lại, sự hoán cải
theo Tin Mừng trên bình diện Giáo Hội giúp chúng ta trình bày, sống và là giáo
hội một cách mới mẻ. Lối hoạt động mục vụ được khơi nguồn từ sự hoán cải này
cho phép chúng ta trình bày một giáo hội là dấu chỉ và người mang tình yêu Chúa
Giêsu đến cho gia đình nhân loại, cách riêng cho người Việt Nam.136
3. Hướng canh tân việc dạy giáo lý tại Việt Nam
101.
Huấn giáo, một trong các hoạt động mục vụ của Giáo Hội, không thể đứng ngoài cuộc
hoán cải trên bình diện Giáo Hội này. Do đó, hiệp thông cũng phải là cách thức mới để hoạt động giáo lý. Mọi hoạt
động giáo lý cũng phải xuất phát lại từ hiệp thông và khai mở cho hiệp thông: từ
hiệp thông hiếu thảo với Thiên Chúa, hiệp thông
huynh đệ với anh chị em trong Giáo Hội
và hiệp thông chan hòa với mọi người trong xã hội để thông truyền đức tin kitô giáo.
Xây dựng hiệp thông hiếu thảo với Thiên Chúa
102.
Việc dạy giáo lý phải giúp người thụ giáo có được một trải nghiệm thiêng liêng,
nghĩa là kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô nhờ đọc Lời Chúa với tâm thế cầu
nguyện (lectio divina), lãnh nhận bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể và Thống
Hối và dấn thân phục vụ.
Điều
này đòi hỏi giáo lý: a/ phải nhằm dẫn người học đến gặp gỡ và kết hợp mật thiết
với Thiên Chúa, chú trọng đến việc xây dựng tương quan hơn truyền đạt kiến thức
và khuyến thiện; b/ phải làm cho Lời Chúa vang dội trong lòng người người thụ
giáo và làm cho trái tim của họ bừng cháy lên niềm vui, niềm tin và hy vọng, muốn
thế giáo lý viên phải có khả năng trình bày sứ điệp cách sống động và giúp người
nghe nội tâm hóa sứ điệp Tin Mừng; c/ phải tạo điều kiện để người thụ giáo cộng
tác với Chúa Thánh Thần biến đổi chính mình và góp phần biến đổi xã hội, muốn
thế giáo lý viên phải khước từ “quyền lực cứng” và chọn lựa “quyền lực mềm”.
Xây dựng hiệp thông huynh đệ trong Giáo Hội
103.
Dạy giáo lý phải được xem là hoạt động của cả cộng đoàn chứ không phải công việc
riêng của giáo lý viên, đồng thời phải góp phần xây dựng cộng đoàn trưởng thành
trong mọi lãnh vực.
Điều
này đòi hỏi giáo lý phải: a/ củng cố sự cộng tác của gia đình và sự tham gia của
mọi phần tử trong giáo xứ, nhất là bầu khí linh thiêng tạo ra bởi việc thể hiện
những giá trị của Tin Mừng;
b/ giúp cho người thụ giáo tích cực tham gia vào các sinh hoạt cũng như sứ vụ của
gia đình và giáo xứ với ý thức và tinh thần trách nhiệm, nghĩa là giáo lý phải
vươn ra khỏi “lớp học” và mở ra cho việc hội nhập vào cộng đoàn; c/ được trợ lực bởi nhiều hoạt động
mục vụ khác để cùng nhau xây dựng gia đình và giáo xứ thành một cộng đoàn đức
tin trưởng thành.
Xây dựng hiệp thông chan hòa với mọi người trong xã hội
104.
Giáo lý không những được mời gọi vươn ra khỏi “lớp học” và mở ra cho cộng đoàn
gia đình hay giáo xứ, nhưng còn được mời gọi “đến những vùng ven” của văn hóa
và xã hội để “cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống”.
Điều
này đòi hỏi giáo lý phải: a/ quan tâm nhiều hơn đến những chuyển biến của xã hội
và nhu cầu của người thụ giáo đồng thời giúp họ có khả năng đọc các dấu chỉ, để khám phá ra sự hiện diện và hoạt
động của Thiên Chúa đồng thời lắng nghe lời mời gọi của Ngài trong các hoàn cảnh
khác nhau;
b/ giúp cho người thụ giáo có khả năng đáp lại lời Chúa mời gọi từ trong cuộc sống
bằng cách dấn thân vào cuộc đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa, với
các tôn giáo và với người vô thần, đồng thời hợp tác với họ trong việc phục vụ
cho công ích, cho sự sống của con người; c/ giúp cho người thụ giáo có khả năng
diễn tả và thông truyền niềm tin của mình, không chỉ bằng lời nói suông mà còn
bằng chứng tá sống động, cá nhân cũng như tập thể, của một cuộc sống thật đẹp,
cả về thể xác lẫn tinh thần, nhờ sống theo các giá trị của Tin Mừng, đặc biệt
là những giá trị của Tám
Mối Phúc Thật.
KẾT LUẬN
105. Chúng
ta kết thúc những ngày gặp gỡ đầy yêu thương và huynh đệ tại Trung Tâm Mục Vụ của
Tổng giáo phận Huế bằng cuộc hành hương về linh địa La Vang để dâng lên Mẹ tâm
tình và ước vọng của chúng ta trong nỗ lực canh tân việc dạy giáo lý cho phù hợp
với đường hướng chung của Giáo Hội cũng như bối cảnh văn hóa và xã hội Việt
Nam, nhằm phục vụ cho công cuộc “Tân Phúc Âm hóa để Thông truyền Đức tin Kitô
giáo”.137 Chúng
ta nhìn lên Đức Trinh Nữ là mẹ và mẫu gương của giáo lý viên để xin Mẹ dạy
chúng ta không ngừng hát
lên lời kinh
Ca Ngợi, ca lên
lời ca của niềm vui Tin Mừng, hầu
có được can đảm và sức mạnh dấn thân cho việc Loan báo Tin Mừng. Xin Mẹ cũng dạy
chúng ta cách thức làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong mỗi người chúng ta cũng như
trong những người lắng nghe chúng ta rao giảng Lời Chúa, để tất cả có thể trở
nên chứng nhân sống động cho Tin Mừng trên chính quê hương thân yêu của chúng
ta.
______________________
1 PHANXICÔ, Tông huấn
Niềm vui của Tin Mừng, 27.
2 Sđd, 34.
3 Sđd, 8.
4 x. http://dantri.com.vn/suc-khoe/dan-so-viet-nam-cham-nguong-90-trieu-nguoi-795902.htm.
5 x. http://
giaothongvantai.com.vn/chinhtri-xahoi/xa-hoi/201312/chenh-lech-gioi-tinh-o-viet-nam-tiep-tuc-tang-433236/
6 x. http://www.vietnamplus.vn/ty-le-vo-sinh-tai-viet-nam-da-gia-tang-dang-lo-ngai/194018.vnp
7 Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (viết tắt là từ các chữ
cái đầu của ASEAN Free Trade Area) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa
phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần
thuế quan xuống 0-5%, loại bỏ dần các hàng rào phi thuế quan đối với đa phần
các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước (http://vi.wikipedia.org/wiki/AFTA).
8 Hiệp định
thương mại Việt-Mỹ là một hiệp định quan trọng được ký kết giữa Việt Nam
và Hoa Kỳ
trong năm 2001.
9 Tổ chức thương mại thế giới.
10 x. PHẠM MINH THUYẾT, Việt Nam – Mãnh hổ hay Mèo rừng: Phát triển Kinh tế Việt Nam nhìn từ bên ngoài, Tp. HCM: NXB Trẻ,
2013.
11 Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN, điều 4.
12 x. http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?
topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT29121139510
13 HĐGMVN, Thư nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm
1992, ngày 01/3/2013.
14 x. PHẠM MINH THUYẾT, Việt Nam – Mãnh hổ hay Mèo rừng: Phát triển Kinh tế Việt Nam nhìn từ bên ngoài, Tp. HCM: NXB Trẻ,
2013.
15 x. NGUYỄN THÁI HỢP, Tư duy và lối sống người Việt hiện nay, Tp.HCM: CLB Phaolô Nguyễn
Văn Bình, 2013, 5-11.
16 x. Báo cáo của Chính phủ về
tình hình giáo dục tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI.
17 Thống kê năm 2009 của các tổ chức Cao đài.
18 Ban Tôn giáo Chính phủ.
19 www.worldpopulationstatistics.com/vietnam-population-2013.
20 chanlyislam.net/home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=191.
21 Ban TG Chính phủ (www.mattran.org.vn/Home/TapChi/so%2057/hdll.htm).
22 Chỉ thị số 37 CT-TW (ngày 2/7/1998) của Bộ Chính trị Về công tác tôn
giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25/NQ-TW (ngày 12/3/2003); Pháp lệnh về
tín ngưỡng tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11 ra ngày 18/6/2004. (x.
thanhtra.edu.vn/category/detail/273-quan-diem-cua-chu-nghia-mac---le-nin-ve-ton-giao.html).
23 x. ĐINH ĐỨC ĐẠO, Viễn
tượng Mục vụ Truyền giáo tại Việt Nam: Một suy tư nhân dịp chuẩn bị mừng Kim
Khánh Giáo Phận Xuân Lộc và cử hành Năm Đức Tin, 2013.
24 x. HĐGMVN, Thư
chung 1980.
25 x. HĐGMVN, Thư
chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010.
26 x. Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN, Thống kê Giáo hội Việt Nam 1933-2008.
27 x. Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN, Thống kê năm 2012.
28 x. TỔNG CỤC THỐNG KÊ VIỆT NAM, năm 2012.
29 x. ĐINH ĐỨC ĐẠO, Viễn
tượng Mục vụ Truyền giáo tại Việt Nam: Một suy tư nhân dịp chuẩn bị mừng Kim
Khánh Giáo Phận Xuân Lộc và cử hành Năm Đức Tin, 2013.
30 x. ĐINH ĐỨC ĐẠO, Truyền
giáo và Tân Phúc âm hóa, Hiệp Thông s.73 (Tháng 11&12 năm 2012), 39-42.
31 x. HĐGMVN, Thư Chung HĐHDC 2010, s. 9.
32 x.
NGUYỄN NGỌC SƠN, Nhìn lại Sứ mạng Truyền
giáo trong 50 năm qua và Hướng đến Tương lai, 5/2009; http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/09news/9news246.htm.
33 x.
Sđd.
34 HDTQ, 86.
35 HĐGMVN, Thư Chung về giáo dục đức tin năm
2007 “Giáo dục
hôm nay, Xã hội và Giáo Hội ngày mai”.
36 x. PHAN TẤN THÀNH:
“Catechesis – Catechismus - Catechetica” trong Thời sự thần học, s.59, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh XB, 2/2013, tr.
11-45.
37 HÀ VĂN MINH, Thần học Bối cảnh tác động thế nào đến việc
Đào tạo Giáo lý viên, trong Hội thảo Thần học tại TTMV.SG ngày 8/3/2014.
38 BÊNÊĐICTÔ
XVI, Tông huấn Lời Chúa, 74.
39 PHANXICÔ,
Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, 168.
40 Thực ra, tông huấn Evangelii Nuntiandi phân biệt ba môi trường
của evangelizatio: 1) Loan báo Tin Mừng
cho người ngoại đạo (ss. 50, 51, 53), tức là truyền giáo; 2) Mục vụ (s. 54),
chú trọng đến việc huấn giáo; 3) Loan báo canh tân (ss. 52, 56), dành cho những
nơi đã mất đạo, hoặc không thực hành đạo. Dù sao, tông
huấn Evangelii Nuntiandi đã làm đảo lộn
mối tương quan giữa missio và evangelizatio. Trước đây (trong Sắc lệnh
Ad gentes số 6), evangelizatio ám chỉ một khía cạnh của công tác truyền giáo (missio). Bây giờ, evangelizatio bao trùm toàn thể hoạt động của Hội Thánh, trong đó missio chỉ là một lãnh vực của nó. x.
PHAN TẤN THÀNH, Bài thuyết trình Loan báo Tin mừng, tái loan báo Tin
mừng, loan báo Tin mừng cách mới mẻ: những bài học lịch sử, trong Forum Thần
học 21/4/2012, UBGLĐT.
41 HDTQ 46.
42 HDTQ 48.
43 HDTQ 59; x. DGL 18.
44 HDTQ 61.
45 HDTQ 82.
46 HDTQ 78.
47 x. HDTQ 84.
48 HDTQ 56.
49 x. HDTQ 59.
50 DGL 5; x. HDTQ 80.
51 x. HDTQ 98 - 100.
52 x. HDTQ 84-86.
53 DGL 27; x. HDTQ 94.
54 x. HDTQ 96.
55 HDTQ 120.
56 HDTQ 121.
57 HDTQ 122.
58 HDTQ 123.
59 HDTQ 149.
60 HDTQ 147.
61 HDTQ 148.
62 HDTQ 222.
63 HDTQ 219.
64 x. LBTM 49-50; DGL 14. 35tt.
65 HDTQ 167.
66 HDTQ 163.
67 HDTQ 165.
68 HDTQ 219.
69 HDTQ 222-223.
70 HDTQ 224-225.
71 HDTQ 226-227.
72 HDTQ 228-229.
73 HDTQ 230-231.
74 HDTQ 230-231.
75 x. HDTQ 234.
76 x. HDTQ 232.
77 x. HDTQ 219. 234.
78 x. HDTQ 156.
79 x. HDTQ 233-234.
80 x. HDTQ 29.
81 x. HDTQ 59.
82 x. HDTQ 221.
83 x. HDTQ 235.
84 x. HDTQ 223-225. 235.
85 x. HDTQ 236.
86 x. HDTQ 16-17.
20-21. 23-25.
87 x. HDTQ
235-236.
88 x. HDTQ 237.
89 x. HDTQ 237.
90 x. HDTQ
238-239.
91 x. HDTQ
240-247.
92 x. HDTQ
248-251.
93 x. HDTQ 253.
94 x. HDTQ 267.
95 x. HDTQ 265.
96 x. HDTQ 266.
97 x. HDTQ 267.
98 x. HDTQ 268.
99 x. HDTQ 269.
100 x. HDTQ 270. Hiện nay là Hội đồng Tòa Thánh về việc cổ
vũ Tân phúc âm hóa.
101 “... Trong Giáo Hội, ta không thể phó mặc mọi điều
trên cho may rủi hay ứng biến bừa bãi. Chúng đòi một cam kết chung đối với một
phương án mục vụ có thể gợi lên điểu chủ chốt nghĩa là đặt trọng tâm vào đấng
chủ chốt, tức Chúa Giêsu Kitô”. x. Bài diễn văn ngày 14 tháng Mười 2012 của
Đức Phanxicô với Hội Nghị Toàn Thể của Hội Đồng Giáo Hoàng về việc cổ vũ Tân
Phúc Âm Hóa.
102 x. HDTQ 272.
103 x. HDTQ 273.
104 x. HDTQ 274.
105 x. HDTQ 275.
106 Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 4.
107 GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, 34.
108 Lineamenta, 1.
109 GIOAN
PHAOLÔ II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế,
73.
110 Hội
nghị khoáng đại của Bộ Rao Giảng Phúc âm cho các dân tộc, 1.
111 x. HDTQ 230-231.
112 PHANXICÔ,
Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, 3.
113 x.
Bài diễn từ của ĐTC Phanxicô gửi các giáo
lý viên nhân dịp Hội nghị quốc tế về Giáo lý tại Rôma 27/9/2013.
114 PHANXICÔ,
Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, 164.
115 Sđd, 165.
116 Sđd, 169.
117 Sđd, 170.
118 Sđd, 171.
119 Sđd, 172.
120 Sđd, 173.
121 Sđd, 174.
122 Sđd, 174.
123 Sđd, 166.
124 Sđd, 167.
125 Sđd, 168.
126 x.
HDTQ 270.
127 HĐGMVN, Thư Chung về giáo dục đức tin năm
2007, 9. 15.
128 GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, 7.
129 x. HĐGMVN, Thư
Chung về giáo dục đức tin năm 2007, 29.
130 x. Sđd, 30.
131 x. Sđd, 36.
132 x. Sđd 37.
133 x. Sđd, 22.
134 x. Sđd, 23.
135 x. HĐGMVN, Thư
Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, 11.
136 x. NGUYỄN VĂN AM, Người linh mục hôm nay và cuộc hoán cải Tin Mừng dưới ánh sáng Giáo Hội
học, Hiệp Thông s.78 (Tháng 9 & 10 năm 2013).
137 THƯỢNG
HỘI ĐỒNG
GIÁM MỤC XIII,
2012 & HỘI ĐỒNG
GIÁM MỤC VN, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét